Đà Nẵng cuối tuần
Bám rễ truyền thống
Hiếm có nơi nào như Hòa Vang, nơi các làn điệu dân ca không những không bị mai một mà ngày càng được nhân rộng, đa dạng hóa và nâng tầm. Cũng trên mảnh đất này, văn hóa làng xã, tinh thần cộng đồng, tình làng nghĩa xóm được nhen lên nồng ấm mỗi ngày.
Dân ca bài chòi - một trong những niềm tự hào của người Hòa Vang.Ảnh: T.T |
Người người hát dân ca
Nói đến dân ca Hòa Vang, hẳn nhiều người nghĩ ngay đến câu lạc bộ dân ca bài chòi sông Yên (thành lập từ năm 2011) đã quá nổi tiếng, với địa bàn hoạt động không còn giới hạn trong huyện nhà.
Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, “sao mới nổi” trong phong trào hát dân ca, được đông đảo “công chúng” khắp làng trên xóm dưới quan tâm, đón nhận ngày nay là câu lạc bộ dân ca xã Hòa Liên (gọi tắt là CLB).
Ông Nguyễn Hữu Mai (người Hòa Liên), Phó Chủ nhiệm CLB, năm nay đã 64 tuổi vẫn “sản xuất” đều đặn 10 - 15 kịch bản dân ca (DC) mỗi năm. Ông bén duyên với nghiệp viết DC đã bốn mươi năm. Năm đầu đất nước giải phóng, ông Mai bắt đầu tập tành viết kịch thơ, vài năm sau thì chuyển qua DC rồi say sưa cho đến bây giờ. Trong máy tính của ông Mai, từ sau năm 2000 đã lưu 252 kịch bản dân ca, còn trước đó, ông chỉ viết tay nên rách nát, hư hỏng, không thể thống kê.
Không chỉ sáng tác cho xã, huyện, ông Mai còn là tác giả của nhiều kịch bản DC cho các nhà máy, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương trong ngoài thành phố khi họ “đặt hàng”. Để có vốn tư liệu và ngôn ngữ dồi dào cho các kịch bản dân ca, theo ông Mai, là phải đọc, nghe và liên tục viết. Hiện tại, ông Mai chưa thể nói về giới hạn của niềm đam mê dành cho DC của mình, chỉ biết rằng “giờ vẫn muốn viết”, vậy thôi.
CLB được thành lập cách đây 4 năm, gồm 30 thành viên với nhiệm vụ tổ chức, truyền dạy các làn điệu DC trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các trường học, trong địa bàn xã. Dịp nghỉ hè của các em học sinh là thời điểm các thành viên trong CLB bận rộn nhất.
Đối tượng truyền dạy của CLB chủ yếu là các em học sinh cấp 2, bởi độ tuổi này phù hợp nhất: cấp 1 thì quá nhỏ, còn cấp 3, các em lại lo chuyện thi cử, chọn nghề tương lai, ít còn thời gian dành cho DC.
Ngoài CLB, xã Hòa Liên có 13 thôn thì có 13 đội DC. Mỗi năm, đội DC của các thôn sẽ có dịp lên các sân khấu lớn “làng vui chơi, làng ca hát”, thường được xã tổ chức dịp sinh nhật Bác Hồ 19-5.
Có thôn, với những vở kịch DC “hoành tráng”, cùng một lúc có đến 20-30 thành viên cùng lên sân khấu chính. Và tất nhiên, các thành viên đều có thể hát, hát hay nữa là khác!
Từ kinh nghiệm viết và tiếp xúc với dân ca khắp nơi, ông Nguyễn Hữu Mai nhận thấy, ở Hòa Vang, không riêng Hòa Liên, Hòa Tiến, Hòa Phong là những nơi có phong trào DC mạnh mà đâu đâu cũng có “nhân tài” DC.
Theo ông Mai, ở Hòa Vang, hát DC “có duyên” nhất phải là Hòa Châu, Hòa Nhơn lại là nơi có nhiều nhân tài, Hòa Khương, Hòa Bắc, Hòa Phú đều hát tốt... Riêng Hòa Liên tạo được nét khác biệt, nhờ thành lập được CLB và có chương trình hoạt động bài bản.
Ngoài các CLB ca hát hoạt động rất chuyên nghiệp, các hội hè đình đám, các sân chơi dành cho DC quanh năm, Hòa Vang cũng là địa phương dẫn đầu trong phong trào đưa dân ca vào trường học. Đề xuất đưa dân ca vào trường học của Phòng Văn hóa – Thông tin (VHTT) huyện bắt đầu từ năm 2010, sớm hơn cả hướng dẫn của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch.
Nếu năm đầu chỉ có 6 trường tham gia thì từ năm 2012, chỉ với 6 nghệ nhân, chương trình dành các khóa huấn luyện dân ca cho tất cả giáo viên năng khiếu của 41 trường từ bậc mầm non đến THCS, trên địa bàn huyện.
Đến nay, ngành VHTT đã hoàn tất công tác “chuyển giao công nghệ dân ca cho trường học”, vì tất cả các giáo viên của 41 trường này đều có thể hát nhuần nhuyễn và truyền dạy cho học sinh tất cả các làn điệu DC khu 5.
“Hiệu quả phong trào hát DC trong trường học, hơn 5 năm nay đều được “kiểm chứng” qua các vòng sơ khảo, chung khảo gắt gao của hội thi “em hát dân ca” được tổ chức hằng năm”, ông Đỗ Thanh Tân, quyền Trưởng phòng VHTT huyện Hòa Vang, cho biết.
Khơi dậy những giá trị truyền thống
Gắn phong trào NTM với chủ trương xây dựng Năm văn hóa – văn minh đô thị của thành phố, từ đầu năm nay, huyện Hòa Vang đã ban hành các bộ quy tắc ứng xử cộng đồng, trong đó đặc biệt đề cao những giá trị nhân văn, vai trò của gia đình, tộc họ, nền nếp gia phong trong việc chăm lo học hành, giáo dục đạo đức cho con cháu; đề cao tình làng nghĩa xóm…
Chưa kể trước đó, huyện cũng đã có quy ước gồm 9 điều về ứng xử văn hóa, văn minh ở nông thôn, ban hành khắp 118 thôn trên toàn huyện.
Hiện nay, 100% thôn có hương ước, 2/3 tộc họ có “tộc ước” mà ở đó, người dân và các đoàn thể địa phương thống nhất, cam kết trên nguyên tắc tự nguyện thực hiện những hành vi ứng xử, lối sống văn minh, song không xa lạ, tách rời những nét đẹp vốn có của gia đình, làng quê Việt.
Tình làng nghĩa xóm được khơi dậy mạnh mẽ trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc 18-11, gần như 100% khu dân cư đều tổ chức gặp mặt trao đổi, thảo luận xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó, cùng chung tay xây dựng cộng đồng dân cư ngày càng tốt hơn, và điều đọng lại, bao giờ cũng là “những cam kết nghĩa – tình”!
“Tại nhiều thôn, xã trên địa bàn huyện Hòa Vang, hễ nhà nào có việc cưới, việc tang, gặp khó khăn hoạn nạn thì thôn xóm sẽ bằng mọi cách xúm lại giúp đỡ, sẻ chia. Cái “tình làng” tưởng đã mai một nay được chính những người dân phố huyện làm sống lại”, một cán bộ làm công tác Mặt trận lâu năm của huyện cho biết.
Những việc Hòa Vang đang làm là sự khơi dậy và phổ biến thực hiện thành chuẩn mực chung những giá trị vốn đã tồn tại lâu đời của người dân Việt. Nói như ông Trần Văn Trường, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, phương châm thực hiện của huyện không có gì to tát, chỉ là “mưa dầm thấm lâu”, là kiên định xây dựng những giá trị mang tính gốc rễ, đúng đắn, bền vững!
Nhờ khơi dậy và lưu giữ những giá trị truyền thống, hoạt động của CLB bài chòi sông Yên đã khiến khắp nơi đều biết đến và đem lòng ngưỡng mộ Hòa Vang, được mời vào tận Sài Gòn biểu diễn. Phong trào DC đến từng thôn xóm, từng người dân, từng trường học.
Rồi cả điệu múa “tung tung da dá” của 3 thôn Tà Lang, Giàn Bí, Phú Túc đã trở thành ngày hội thể thao - văn hóa Cơtu quy mô thường niên… Nếu không có tình yêu DC sôi nổi, vô điều kiện thì làm sao một lão nông thuần phác như ông Nguyễn Hữu Mai có thể sản xuất hàng trăm kịch bản DC nức tiếng?
Làm sao những nghệ nhân, người yêu DC trên mảnh đất này có gác lại gánh nặng mưu sinh để truyền dạy hay biểu diễn phục vụ miệt mài không toan tính một đồng kinh phí? Không có những rung động thật sự từ trái tim thật khó để người người cất lên những câu DC tròn trịa, thắm đượm nghĩa tình như thế. Và điều quan trọng, người Hòa Vang dường như đã được khơi đúng dòng xúc cảm, đúng những khát khao, giá trị không bao giờ là cũ, trong mỗi tâm hồn con người!
Phát triển bền vững “Việc lưu giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống chính là xây dựng, phát triển văn hóa theo chiều sâu, hướng đến sự bền vững. Tuy nhiên, để tất cả được hiện thực hóa sinh động, hiệu quả là cả hành trình dài mà ở đó, những giá trị bản chất và liên quan đến di tích, đình làng, lễ hội, dân ca, làng nghề… đều cần được liên tục củng cố, phát huy. Cần những cách làm mới, để phát huy những nét đẹp gốc. Tất cả sẽ được quy tụ, thể hiện cụ thể bằng nếp sống, bằng ứng xử mỗi ngày, của mỗi người dân…” Ông Trần Văn Trường – Bí thư Huyện ủy Hòa Vang |
THANH TÂN