Con hẻm dẫn về nhà Võ Văn Qua rộng chưa đầy 2m, cỏ dại phủ kín, trừ một lối mòn đủ chiếc xe máy lách qua. Bốn bề im ắng, tiếng tụng kinh đều đều vọng ra từ chiếc radio cũ không đủ xua tan không khí buồn thương, vắng lặng đến đau lòng.
Chị Loan lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho Đức mỗi ngày. |
Người mẹ đơn thân chỉ còn trong tiềm thức
Gần hai tháng nay, Qua là “chủ” căn nhà này (thuộc tổ 178, An Cư, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) một cách bất đắc dĩ. Tuổi 18 mà khuôn mặt khô hiền, lời nói chân chất cùng những cử chỉ vụng về trong sinh hoạt, đủ thấy cái trọng trách “chủ gia đình” đối với Qua quá lớn.
Trong căn phòng rộng chưa đầy 6m2 ẩm thấp ở sát bếp, người anh trai đang cố mình cựa quậy, miệng ú ớ không nên lời. Võ Văn Đức năm nay 34 tuổi, là anh cùng mẹ khác cha với Qua. Bị bại não từ lúc lọt lòng, cuộc đời của Đức bất động, gắn liền với manh chiếu, tấm chăn.
Mọi sinh hoạt đều phụ thuộc hoàn toàn vào người thân. Thỉnh thoảng, trên chiếc xe lăn cũ kỹ, Đức được ngắm mây trời, hít mùi gió thoảng, nhưng cũng chỉ quẩn quanh trước hiên nhà, trong cái xóm nghèo tối ngày bận bịu mưu sinh.
Ba tháng trước, Đức bị lao phổi nặng, là hệ quả của những tháng ngày nằm bất động nên phải chuyển lên bệnh viện Lao điều trị. Trên đường từ bệnh viện chạy về nhà để nấu thức ăn cho con, bà Võ Thị May, mẹ Đức không may bị tai nạn giao thông ngay tại “vòng xuyến tử thần” Điện Biên Phủ-Nguyễn Tri Phương.
Vụ tai nạn thương tâm đã khiến người mẹ không kịp gửi lại một lời trăn trối khi hai đứa con, một đứa không thể thiếu bàn tay chăm sóc mỗi giờ, đứa kia thì quá vụng dại, lóng ngóng. Đối với bà con tại khu An Cư, bà May như hình mẫu về người mẹ tảo tần, chịu thương chịu khó và giàu đức hy sinh.
Sinh con vừa lọt lòng, biết Đức bị bại não, người chồng đã lẳng lặng ra đi. 16 năm sau, bà đi thêm bước nữa. Khi giọt máu hồng đang lớn lên từng ngày trong bụng thì người chồng thứ hai đã không may tử vong trong một lần can ngăn vụ hỗn chiến.
Ngày qua ngày, bà buôn bán rau, quả trong một góc nhỏ tại chợ Hà Thân để nuôi hai con khôn lớn. Chợ chưa tan tầm bà đã phải đóng vội sạp rau, tất tả về lo bữa trưa, bữa tối cho Đức, xuôi ngược kiếm việc làm, lo chuyện học cho Qua. Thiếu trước hụt sau nhưng ba mẹ con luôn đùm bọc nhau đắp đổi qua ngày.
Những hình ảnh quá đỗi đẹp đẽ của bà mẹ đơn thân giờ chỉ còn đọng lại trong tiềm thức. Căn nhà giờ chỉ còn hai anh em sáng tối quẩn quanh. Phía trước, chiếc bàn thờ lập vội nghi ngút khói hương, tiếng tụng kinh, gõ mõ phát ra từ chiếc radio cũ không đủ xua tan không khí buồn thương, vắng lặng đến đau lòng.
“Giờ em phải ở nhà thắp hương, đến bữa lại làm cơm cúng má, rồi còn phải chăm cho anh nữa. Từ ngày má mất, anh buồn và gầy đi rất nhiều. Cũng may còn có chị Loan bên cạnh sang giúp đỡ và chỉ dẫn em làm việc nhà, nếu không em chẳng biết trông cậy vào ai”, lau vội chiếc ly uống nước, Võ Văn Qua, chia sẻ.
Tấm lòng người hàng xóm
Châu Thị Phương Loan, năm nay chỉ mới 26 tuổi. Nguyễn Đức Thạnh, chồng Loan làm nghề lái xe tải nhỏ chuyên chở các loại nước ngọt, giải khát cho các đại lý nên đi tối ngày. Nhà nội, ngoại cũng khó khăn nên một năm trước Loan cùng chồng đến thuê trọ ngay sát vách nhà Qua.
Hàng ngày Loan ở nhà trông hai con (đứa lên bốn, đứa lên ba) mà không đi kiếm việc làm vì “thu nhập không đủ tiền cho hai con đi nhà trẻ”. Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ vào đồng lương nhỏ bé của chồng.
Loan kể, hồi bà May còn sống, hai cô cháu cùng chung vách, cùng hoàn cảnh, phận nghèo khó tối lửa tắt đèn nên vẫn thường trò chuyện, chia sẻ với nhau. Những ngày đầu lạ lẫm bước về xóm nghèo thuê trọ, Loan được cô May giúp đỡ, chia sẻ tận tình.
Luẩn quẩn trong cảnh thiếu trước hụt sau, đôi vợ chồng trẻ đã không ít lần to tiếng, cãi vã về những nỗi lo cơm áo gạo tiền, đối nội, đối ngoại. Những lúc đó bà May lại xuất hiện để làm xoa dịu mọi thứ, kịp lấy lại nụ cười trên môi hai đứa con thơ đang chực mếu, nước mắt lưng tròng, ngơ ngác mà không hiểu chuyện gì.
“Nhìn cách cô May sống và đối xử với mọi người xung quanh, đặc biệt là chăm sóc các con, Loan mới thấy, con người sống với nhau quan trọng nhất là tình yêu thương. Sống biết yêu thương thì không có gì phải tính toán, vụ lợi, tự lương tâm mình sẽ biết phải làm gì, nên làm gì”, Loan nói.
Những lúc bà May bận bịu với công việc mưu sinh, không lo kịp bữa trưa bữa tối cho con, Loan lại ghé qua thay bà vệ sinh, tắm rửa, bón từng thìa cơm, lo từng cốc nước uống cho Đức. Và cũng không biết từ bao giờ, hễ thấy thấp thoáng bóng bà May đi về đầu ngõ, hai đứa con của Loan lại chạy ào ra ôm choàng lấy vai, lấy cổ.
Những tưởng sợi dây gắn kết vô hình sẽ phai nhạt dần khi bóng dáng bà May đã không còn trên cõi đời. “Nhìn hai anh em sống với nhau mà thật không yên tâm chút nào. Anh Đức thì không thể thiếu bàn tay chăm sóc, trong khi em Qua thì còn quá dại để làm thay việc của mẹ trước đây”, Loan chia sẻ.
Ngày mới của người mẹ trẻ nhỏ bé giờ đây không chỉ là lo bữa sáng cho chồng, cho con. Những ngày đầu sau khi mẹ mất, cả Đức và Qua như chới với, Loan phải gửi luôn con sang bên ngoại để toàn tâm chăm sóc cho Đức, động viên, trấn an Qua.
“Lo nhất là tâm lý của anh Đức, anh ấy dường như bị sốc khi người thương yêu nhất đã mất. Buồn, nhớ mẹ anh ấy lại khóc, lỡ làm điều dại dột thì nguy”, Loan nói. Cũng may, dù suốt ngày quấn lấy công việc, toan tính, cân đối mọi chi tiêu trong gia đình nhưng anh Thạnh, chồng Loan luôn ủng hộ việc làm của vợ: “Anh ấy không phản đối, biết là khó khăn, rằng mình chưa lo nổi mình nhưng cũng không thể làm ngơ được, việc đúng việc tốt thì nên làm”.
Giờ đây, đều đặn mỗi tháng hai lần Loan lại ngược xuôi cầm đơn thuốc lên Bệnh viện Tâm thần lấy thuốc rồi vội vã về nhà chia liều cho Đức uống, theo dõi diễn biến bệnh tình. Mới đây, khi Đức bị lao phổi nặng phải chuyển vào khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng điều trị, Loan lại một phen hốt hoảng vì những cơn co giật liên hồi của Đức.
Các bác sĩ, người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện chắc chắn vẫn chưa quên hình ảnh hai bé gái đầu đội mũ, miệng đeo khẩu trang kín mít tung tăng nô đùa khắp hành lang, khuôn viên bệnh viện. “Để con ở nhà thì không có ai trông nên phải mang chúng nó đi theo. Vì cứ sợ lây nhiễm nên em phải bịt kín cho con lại”, Loan cười.
Suốt nhiều ngày liền, Loan vội vã, vào ra bệnh viện để nghe bác sĩ thông báo tình hình của Đức, xong lại về nhà nấu nướng lo cơm nước, vào đến nơi lại xắn tay vệ sinh, trò chuyện với Đức. Khi hết giờ thăm nuôi, qua lớp kính cách ly, ánh mắt Loan vẫn luôn dõi theo từng hơi thở, cử động của Đức. Có lúc, đứa con thơ đã ngủ gọn trong lòng mình từ lúc nào.
Điều Loan lo lắng nhất giờ đây không phải là thu nhập bữa cao bữa thấp của chồng hay khoản tiền nhà thuê hằng tháng luôn khất hẹn, mà là tương lai của Đức với Qua sẽ như thế nào. Nhất là Qua, nếu không tìm được việc làm để có được khoản thu nhập cố định thì tiền đâu mà sống và lo cho anh của mình? Từ nhỏ, Qua đã được mẹ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho em ăn học. Vừa học xong lớp 12, Qua đang loay hoay tìm việc làm để phụ mẹ chăm anh thì tai họa bất ngờ ập đến.
Giờ đây, Qua phải thường trực ở nhà vừa để lo hương khói cho mẹ, vừa lo cho anh trai. Bởi Đức dường như vẫn chưa vượt qua được cú sốc quá lớn vừa rồi. “Trước mắt, em muốn có một việc làm để có thể lo thuốc men, cơm nước hằng ngày cho anh Đức, còn lâu dài em mong muốn được đi học một nghề gì đó để có một công việc ổn định”, vừa lau mặt cho anh, Qua vừa chia sẻ.
Nhìn căn nhà trống hoác, không một vật dụng gì đáng giá đủ để thấy ước mơ được học nghề của “chủ” ngôi nhà này không hề dễ dàng, dù nó cần thiết hơn bất cứ lúc nào.
Theo ông Đặng Văn Hảo, tổ trưởng tổ 52 (cũ), khu vực An Cư, đây là hoàn cảnh hết sức đặc biệt của địa phương. Tuy nhiên, do bà May không có hộ khẩu tại địa phương nên việc xét duyệt các tiêu chuẩn hỗ trợ, hộ nghèo theo quy định của nhà nước là không được.
Dù vậy, bà May luôn tự nguyện tham gia, thực hiện đầy đủ các khoản đóng góp tại địa phương. Bà con lối xóm cũng chia sẻ, đùm bọc với nhau nên hễ có phần hỗ trợ nào của các đoàn thể, tổ chức cũng đều linh động nhường một phần cho cháu Đức và cháu Qua.
Giờ ông Hảo chỉ mong có tổ chức, cá nhân nào chung tay, nhận Qua vào làm việc thì mới có cái để nuôi anh, chứ ở xóm này bà con cũng rất khó khăn, việc hỗ trợ, giúp đỡ cũng chỉ được một phần nào đó thôi.
Căn nhà cuối con hẻm xóm nghèo heo hút, cánh cửa luôn hé mở. Ở đó, những mảnh đời khốn khó đã nương tựa vào nhau, dù không đủ khỏa lấp hết những bất hạnh họ đang đón nhận nhưng cũng làm cho những trái tim được an ủi, sưởi ấm mỗi ngày.
PHAN CHUNG