Khi được hỏi nơi nào là tiêu biểu về đổi thay trong giao thông ở Hòa Vang, một lãnh đạo huyện vào đề ngay, không chút do dự: Anh lên xem hai xã miền núi Hòa Phú và Hòa Bắc thì rõ.
Thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, không còn là “ốc đảo” khi cầu Tà Lang - Giàn Bí được bắc qua suối Cầu Sụp. Trong ảnh: Niềm vui của bà con Cơtu trong ngày khánh thành cầu. Ảnh: V.T.L |
Hơn 10 năm trước, đường lên hai xã miền núi Hòa Phú và Hòa Bắc chẳng khác nào đường vào đất Thục đã được đại thi hào Lý Bạch mô tả trong bài “Thục đạo nan” qua lời dịch của Trần Trọng San: “Đường Thục khó, khó hơn lên trời xanh/ Khiến người nghe nói héo mặt son/ Núi liền cách trời chẳng đầy thước/ Thông khô vắt vẻo vách cao ngất”.
Chia tay những con đường “héo mặt son”
Người viết có lần chạy xe máy chở một đồng nghiệp lên đưa tin văn nghệ của Hội LHPN xã Hòa Phú nhân chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10. Lần đó, gần 8km rẽ từ đường 14B cũ lên trung tâm xã tuy đã trải nhựa, nhưng vẫn còn đoạn thì đá cục bằng nắm tay, đoạn thì ổ gà chen lẫn ổ voi.
Đêm đó các “sơn nữ” Hòa Phú vừa xinh vừa hát hay nhưng tôi không còn bụng dạ nào nữa, bởi còn lo gập ghềnh đường về. Chỉ mới hơn 9 giờ tối, chương trình văn nghệ đang hồi “cao trào” thì đồng nghiệp đã giục về.
Cũng đúng thôi, đường đêm không xa nhưng đầy bất trắc, ai lường trước được. Quả thật, chiếc xe máy chạy được một quãng thì đến đoạn toàn đá cục, mới choạng loạng một lát như người say rượu thì đèn xe tắt ngóm, không pha cũng chẳng cốt gì được.
Không nhìn nhưng tôi biết chắc người ngồi sau đã “héo mặt son”. Gân cổ gào thật to nhờ một cậu bạn phía trước chạy xe chậm lại để “mượn đèn” về tới phố!
Hòa Phú vậy mà còn đỡ, đường lên Hòa Bắc mới kinh! Phương tiện lúc đó rặt xe thồ, có hẳn một “đội quân” đóng dưới chân cơ quan ủy ban xã, gồm các loại xe chuyên lội đường núi như Minsk, Simson… Đường vào đất Thục “khó hơn lên trời xanh” thế nào không biết, nhưng đường lên hai thôn người Cơtu Giàn Bí, Tà Lang ngày đó thì không ít người “nghe nói héo mặt son” thật.
Đường đã hẹp lại đầy ổ gà, ổ voi, thỉnh thoảng một vài cành cây rậm rịt nhô hẳn ra mặt đường ngay khúc cua, nếu không quen đường thì khó tránh tai nạn.
Có lần đoàn công tác gồm các chị phụ nữ thành phố và huyện về Hòa Bắc công tác. Làm việc ở xã xong, đoàn đi thực tế lên Giàn Bí, Tà Lang, tất nhiên là bằng xe thồ. Mỗi hai chị đi một xe, “tài xế” dặn các chị phải ôm thật chặt vào để anh ta chạy cho an toàn.
Đoàn xe nối nhau hàng một, phóng nhanh như đàn sóc băng vào rừng rậm, bụi mịt trời. Quanh co qua những khúc cua, ổ gà... xe xóc mạnh từng cơn như muốn hất tung “hành khách” xuống đất. Các chị, lúc đầu còn ngại, đến nước đó thì “héo mặt son”, thà ôm chặt lấy anh lái xe còn hơn…
Giao thông nông thôn, nhất là ở các xã vùng sâu vùng xa, vì thế, luôn là nỗi trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo huyện. Dần dà đường sá, cầu cống được mở rộng, nâng cấp, thêm một số cầu, đường mới ra đời, chấm dứt những con đường “héo mặt son” và từng bước đổi thay bộ mặt của nông thôn Hòa Vang.
Chấm son nông thôn mới
Nói về mạng lưới giao thông xã mình, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Ngọc Hải rất tâm đắc: “Trong 5 năm qua, để có được hệ thống giao thông đường ngang lối dọc bảo đảm cho đi lại, sản xuất, thu hoạch, làm thay đổi bộ mặt Hòa Phú như hôm nay, hàng nghìn ngày công đã bỏ ra, trong đó có cả người dân, các đoàn công tác dân vận như: Quận Đoàn Thanh Khê (quận Thanh Khê là đơn vị kết nghĩa với xã Hòa Phú - NV), Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Đại học Đà Nẵng, các trường đại học đóng trên địa bàn thành phố...
Đặc biệt, người dân cả xã đã hiến 5.500m2 đất trên đó có cả tường rào, cổng ngõ, vật kiến trúc và hoa màu các loại; người hiến nhiều nhất là ông Nguyễn Lương Phụ ở thôn Hội Phước”.
Theo chân cán bộ xã Nguyễn Phú Cường, chúng tôi chạy xe qua đường Hòa Phú đi Hòa Ninh rồi rẽ qua đường liên xã Hòa Phú – Hòa Nhơn, nơi hơn 4 năm trước chính thức nối nhịp bằng cầu Diêu Phong. Đường rộng rãi, thoáng mát với những khu đất trồng cây keo tai tượng dọc bên đường.
Nghe tin nhà báo hỏi thăm, ông Phụ từ một đám tang gần đó về đón. Ông kể, đình Phước Giang gần nhà ông trước đây từ đường liên xã phải đi quanh co một đoạn mới vào được, lại quá hẹp nên rất khó tổ chức các hoạt động lễ hội. Sau khi cán bộ tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới, ông vui vẻ hiến mảnh đất bề ngang 100m để mở đường mới bằng bê-tông rộng 5m vào thẳng đình.
Đường này chỉ dài 180m, nhưng riêng đoạn đi qua đất ông hiến đã hơn một nửa. Khi mở đường cũ quanh co vào đình, ông cũng đã hiến 40m2 đất. “Mở đường để hưởng ứng chủ trương chung của Nhà nước, dân có lợi mà mình cũng có lợi”, ông Phụ chân chất chia sẻ.
Với Hòa Bắc, rẽ phải từ đường ĐT 602 đi Bà Nà, chạy thêm 20km mới đến trung tâm xã; từ đây chạy thêm hơn 8km nữa mới lên tới thôn Tà Lang, nơi xa nhất phía tây bắc thành phố. 5 năm trước, cây cầu Tà Lang - Giàn Bí được khánh thành đưa vào sử dụng với kinh phí gần 11 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, làm gạch nối đường bộ giữa hai thôn dân tộc Cơtu xã Hòa Bắc như tên gọi của cầu.
Trước đó, con đường “Thục đạo nan” hơn 8 cây số ấy cũng đã vĩnh viễn bị xóa tên. Trưởng đài Truyền thanh xã Đoàn Văn Thể đưa vào câu hát hò khoan: “Cầu Tà Lang – Giàn Bí đã bắc sang. Giao thông thuận lợi bản làng từ đây”.
Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà cho rằng, muốn xã phát triển thì giao thông phải đi trước một bước. 5 năm qua, với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng, toàn xã đã nâng cấp và làm mới gần 14km đường giao thông ngõ xóm, gần 2km giao thông nội đồng, chấm dứt cảnh lầy lội vào mùa mưa.
“Hệ thống giao thông của xã dần được hoàn thiện đảm bảo sự đi lại cho người dân cũng như việc lưu thông hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa; là một trong những yếu tố làm thay đổi bộ mặt của nông thôn trong chương trình xây dựng Nông thôn mới tại địa phương”, bà Hà khẳng định.
Hiện 11/11 xã toàn huyện đã hoàn thành tiêu chí 2 về giao thông trong chương trình xây dựng Nông thôn mới, theo đánh giá của Bí thư huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường, đây là tiêu chí được đầu tư nhiều nhất và đáp ứng nguyện vọng của người dân nhất.
Trong báo cáo gửi ra Trung ương để bảo vệ hoàn thành Nông thôn mới ở Hòa Vang vào cuối năm nay, tiêu chí này được mô tả như một chấm son của huyện trong nỗ lực đưa các cụm dân cư gần lại với nhau, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn ở Đà Nẵng.
Trong 5 năm qua, Hòa Vang đã cứng hóa 244,1km đường giao thông nông thôn (57,7km đường trục xã, liên thôn; 172,2km đường trục thôn, xóm, kiệt hẻm; 14,2km đường nội đồng) với tổng kinh phí trên 571 tỷ đồng (vốn Trung ương gần 212 tỷ đồng; vốn thành phố gần 161 tỷ đồng; vốn huyện trên 25 tỷ đồng; vốn nhân dân trên 173,5 tỷ đồng - chủ yếu hiến đất, tường rào cổng ngõ, đóng góp ngày công lao động, đối ứng kinh phí…). Đến nay, toàn bộ 108,8km đường liên xã trên cả huyện đã được bê-tông hóa; 230km/250km đường trục thôn, xóm được cứng hóa (đạt tỷ lệ 92,01%), 670km/717km đường kiệt hẻm được bê-tông hóa (đạt tỷ lệ 93,5%), 57/69km giao thông nội đồng được đầu tư kiên cố hóa (đạt tỷ lệ 82,07%). Nguồn: Văn phòng UBND huyện Hòa Vang |
VĂN THÀNH LÊ