Với nỗ lực mang lại những cuốn sách “gối đầu giường” cho bạn đọc, NXB Đà Nẵng sẽ tiếp tục thực hiện tiêu chí “hay và tinh” trong hoạt động xuất bản của mình.
NXB Đà Nẵng tặng sách cho các Tủ sách phường, xã trong Hội sách chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ II (21-4-2015). Nguồn: TTO |
Một bạn đọc kể, hôm đi nhà sách thấy cuốn “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” (tác giả Adam Khoo, dịch giả Trần Đăng Khoa và Uông Xuân Vy, NXB Phụ nữ, 2010) có bìa dày, lướt qua bên trong toàn là hình màu minh họa. Nghĩ đây chỉ là một cuốn sách dành cho trẻ con nên không buồn xem qua nội dung.
Lần sau đến, thấy quyển sách “trẻ con” đó nằm ở kệ sách giảm giá, người này bèn lật lên coi và ngấu nghiến đọc lướt các chương mục đến trang cuối cùng.
Dễ hiểu và khá hay! - anh ta nhận xét về quyển sách suýt bị mình “cài số de” này và khuyên người đọc: “Đừng tin hẳn vào hình thức. Đọc nhiều sách không hẳn là tốt mà đọc nhiều sách hay mới thật sự tốt”.
Có lần chuyện trò về thực trạng sách và văn hóa đọc hiện nay, Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Đà Nẵng Nguyễn Kim Huy “bật mí” rằng hay cũng là một trong những tiêu chí kinh doanh của đơn vị mình: “Trong tình hình rất nhiều khó khăn trong hoạt động xuất bản hiện nay, chúng tôi chủ trương lấy hay thay cho dày, tinh thay cho nhiều, cố gắng tổ chức và xuất bản được những đầu sách hay, có ấn tượng dù có thể không đồ sộ, không có số lượng in lớn”.
Để đi tìm cái hay trong hoạt động xuất bản, ông Huy kể, từ những năm đầu thành lập NXB Đà Nẵng, Giám đốc - Tổng Biên tập đầu tiên Nguyễn Văn Giai đã từng dẫn ông và đồng nghiệp đến trực tiếp gặp ông chủ Nhà sách Khai Trí, để tìm hiểu, học hỏi về cách làm sách, tham quan kho sách còn lưu trữ được của nhà sách “khét tiếng” Sài Gòn trước năm 1975 này.
Được thành lập từ năm 1984, NXB Đà Nẵng là NXB tổng hợp, có nhiệm vụ xuất bản các loại sách lịch sử, chính trị xã hội; văn học nghệ thuật; khoa học kỹ thuật; sách thiếu nhi, sách tham khảo... và các loại lịch, văn hóa phẩm phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng lúc bấy giờ, thành phố Đà Nẵng hiện nay.
Nếu sách không hay thì bạn đọc khó lòng để mắt tới và tìm thấy ở đó kiến thức khoa học toàn diện, định hướng giáo dục và nâng cao nhận thức chính trị, định hướng thẩm mỹ, năng lực cảm thụ và sáng tạo nghệ thuật, góp phần nâng cao dân trí và đời sống tinh thần của xã hội. Để sách hay, những người làm sách ở NXB Đà Nẵng luôn có ý thức học hỏi và đầu tư đúng mức cho việc học hỏi, kể cả tổ chức các chuyến đi học tập việc làm sách ở nước ngoài.
Sự ra đời của NXB Đà Nẵng đã đáp ứng những nhu cầu và khát vọng hưởng thụ văn hóa tinh thần, góp phần đắc lực vào việc nâng cao văn hóa đọc của người dân Quảng Nam – Đà Nẵng cũng như bạn đọc cả nước.
Hơn 30 năm qua, con đường đưa sách đến với người đọc của NXB Đà Nẵng lắm chặng gập ghềnh. Giám đốc Trương Công Báo nhớ lại: “Từ cuối năm 2008, chúng tôi bước vào một thời kỳ phải đối diện với những khó khăn, thách thức to lớn.
Do yêu cầu phát triển du lịch của thành phố, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng quyết định thu hồi trụ sở NXB tại 15 Quang Trung để giao lại cho một công ty du lịch mở khách sạn cao cấp. Tháng 11-2011 chúng tôi dời về làm việc tại một tòa nhà mới mẻ, khang trang, rộng rãi trên đường 30 Tháng 4 nhưng lại ở vào một vị trí xa trung tâm, không thuận lợi cho việc ổn định và phát triển sự nghiệp xuất bản, nhất là trong vấn đề làm việc với các tác giả, cộng tác viên và rất khó để có thể kinh doanh sách và văn hóa phẩm”.
Đó cũng là thời điểm mà tình hình xuất bản truyền thống trong nước và cả thế giới nói chung gặp phải những thách thức to lớn, có thể nói là rơi vào khủng hoảng trước sự cạnh tranh khốc liệt của các phương tiện nghe nhìn và mạng Internet. Việc kinh doanh, phát hành sách gặp phải những khó khăn to lớn.
Ông Báo cho hay, với tư cách là một cơ quan xuất bản – một địa chỉ văn hóa của thành phố, NXB Đà Nẵng đã nỗ lực để hoàn thành tốt được nhiệm vụ chính trị của mình qua những đầu sách hay, có giá trị tiếp tục được ra mắt bạn đọc.
Nhưng với tư cách là một đơn vị doanh nghiệp Nhà nước phải phát triển kinh doanh sách – văn hóa phẩm để tồn tại và phát triển, NXB trong giai đoạn này phải chịu nhiều thua lỗ, thiệt hại trong kinh doanh, đời sống cán bộ – công nhân viên gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn để đầu tư tổ chức biên soạn xuất bản sách ngày càng hạn hẹp.
Trong hoàn cảnh đó, tháng 12-2008, sau một sự cố xuất bản, NXB Đà Nẵng bị tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng (thực tế kéo dài hơn 6 tháng) theo quyết định của Cục xuất bản – Bộ Thông tin và Truyền thông, việc này đã gây nên những hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng về mọi mặt rất khó phục hồi cho NXB sau khi được hoạt động trở lại.
Tuy gặp nhiều khó khăn, ông Báo nhấn mạnh, đa số lãnh đạo và cán bộ – công nhân viên đơn vị vẫn giữ được lòng yêu nghề, tận tụy tâm huyết với công việc xuất bản sách, luôn gắn bó đoàn kết, động viên nhau cùng vượt qua khó khăn, hoàn thành được nhiệm vụ chính trị của mình.
NXB Đà Nẵng đi qua hơn 30 năm với những bước thăng trầm nhất định, nhưng nổi lên trên hết vẫn là những thành tựu đáng ghi nhận, tự hào với trên 12.000 đầu sách và văn hóa phẩm đã xuất bản, trong đó có rất nhiều đầu sách có giá trị, tầm cỡ được dư luận bạn đọc đánh giá cao và đoạt được các Giải thưởng Sách.
Trong bối cảnh hoạt động xuất bản hiện nay, NXB Đà Nẵng sẽ tiếp tục cho ra đời những sản-phẩm-văn-hóa-đọc với tiêu chí “hay và tinh”, không hẳn khẳng định độ dày trong hoạt động xuất bản của mình mà chính là mang lại những cuốn sách “gối đầu giường” cho bạn đọc gần xa.
“Điều kiện hoạt động của NXB Đà Nẵng có thêm sự thuận lợi khi các Thông tư liên bộ Tài chính – Thông tin và Truyền thông ra đời, nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động xuất bản và chính sách trợ giá cho hoạt động xuất bản. Đây là một chính sách vô cùng ý nghĩa, góp phần khẳng định xuất bản là một lĩnh vực, một trận địa Chính trị - Tư tưởng - Văn hóa do Đảng lãnh đạo, kiên quyết không để thương mại hóa xuất bản, không để tư nhân thao túng nội dung, NXB không phải là đơn vị thuần túy kinh doanh, mà trước hết là người canh gác cửa ngõ chính trị - tư tưởng của Đảng, là nơi đưa ra các công trình sáng tạo, nghiên cứu của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ để nâng cao hiểu biết; làm trong sáng phong phú tâm hồn con người...”. Giám đốc NXB Đà Nẵng Trương Công Báo |
VĂN THÀNH LÊ