Không phải ngẫu nhiên, nhiều tác giả khi quyết định in tập sách cho mình đều đắn đo, suy nghĩ nên chọn ai làm người vẽ trang bìa. Bởi họ đều hiểu rằng, bìa sách đẹp không chỉ là chiếc áo được may vừa vặn, hợp thời mà còn chứa đựng một phần nội dung cuốn sách đề cập đến và điều này góp phần quan trọng dẫn đến sự thành công của tác phẩm.
Họa sĩ Phan Ngọc Minh bên những bìa sách do mình thiết kế. Ảnh: T.Y |
Cần nghiêm khắc với chính mình
Có thể thấy rằng, nhà xuất bản (NXB) hiện nay dành nhiều sự quan tâm đến hình thức trình bày, đặc biệt là bìa sách. Những bìa sách từ đơn giản đến phức tạp với nhiều hình thức khác nhau như sử dụng tranh vẽ, sắp chữ, phác họa chân dung đến cách trình bày ngộ nghĩnh và không quá lạm dụng kỹ thuật đồ họa vi tính.
Ông Nguyễn Kim Huy, Phó Giám đốc NXB Đà Nẵng cho biết, trong thời đại hiện nay, người ta thường chú ý đến hình thức. Nội dung bên trong hay - dở chưa biết, nhưng một tập sách trên quầy có được bạn đọc chú ý đến hay không là do cái bìa trước đã, kế đến là hình thức trình bày.
Do đó, vấn đề vẽ bìa, trình bày mỹ thuật đối với một cuốn sách hết sức quan trọng, góp phần tạo nên sự thành công của tác phẩm. Theo ông, hằng năm, bên cạnh giải “Sách hay” thì Hội xuất bản Việt Nam cũng có giải “Sách đẹp” có giá trị tương đương nhau.
NXB Đà Nẵng từng nhận được giải đồng sách đẹp cho cuốn “Chuyện ở miền cát cháy” của tác giả Thanh Quế năm 2010 hay giải bạc sách đẹp cho tập sách ảnh Đà Nẵng xưa và nay năm 2012. Đặc biệt, cả hai trang bìa này đều do họa sĩ Duy Ninh trình bày.
Từ năm 1985 đến nay, họa sĩ Duy Ninh đã nhận vẽ, trình bày hơn 200 đầu sách nhiều thể loại, từ văn học, triết học, mỹ thuật đến văn hóa, lịch sử Đảng bộ địa phương.
Duy Ninh cho rằng, muốn làm bìa sách đẹp, người trình bày ngoài thông thạo vi tính, cần có sự hiểu biết về thân thế sự nghiệp tác giả, nắm rõ nội dung, hoàn cảnh ra đời tác phẩm, thể loại và đặc biệt phải có tình yêu dành cho sách. Nếu thiếu một trong những yếu tố đó, bìa sách có thể đẹp về hình thức nhưng thiếu cảm xúc hoặc không sát với nội dung.
Có thể nói, may mắn của người trình bày là được trình bày một tác phẩm hay. Ngược lại, nếu gặp tác phẩm chưa thật sự xuất sắc, “cây nhà lá vườn” hoặc chủ nhân bản thảo không có sự am hiểu về nghệ thuật thì rất khó đi đến sự thống nhất giữa người trình bày và tác giả bản thảo.
Trong quá trình nhận làm bìa sách, không ít lần Duy Ninh phải từ chối vì nhiều lý do, trong đó có lý do tác giả quá chú trọng đến hình thức, thích bức vẽ màu mè, muốn họa sĩ làm theo ý mình mà quên rằng bìa sách có khi chỉ cần chữ, hình ảnh, thậm chí một vệt màu cũng có thể tạo nên sự ấn tượng.
Hầu hết các họa sĩ tham gia vẽ, trình bày bìa sách ở Đà Nẵng khá cẩn trọng và có trách nhiệm với công việc của mình.
Nhiều người nhắc lại sự cố bìa sách Nguyễn Văn Xuân, sức sống văn hóa xứ Quảng (NXB Hội nhà văn 2012) có liên quan trực tiếp đến họa sĩ Hoàng Đặng và xem đó là bài học của chính mình. Sự việc nhận được sự quan tâm của dư luận khi chính họa sĩ Hoàng Đặng đã có bài viết gửi đến báo Thể thao và Văn hóa bày tỏ ý kiến trước việc bức tranh chân dung Nguyễn Văn Xuân của ông được sử dụng làm bìa cuốn sách này.
Ông viết: “Một mẫu bìa trình bày khá bình thường, chung chung với mẫu chữ và màu sắc rất thị trường. Đáng buồn hơn, tranh sơn dầu chân dung nhà văn Nguyễn Văn Xuân của tôi được người ta “lên gân” bằng kỹ thuật vi tính, màu sắc trở nên vàng chạch, hoa hòe, ánh sáng và bóng tối trên tranh sai lệch một cách nặng nề lại được xếp trên màu nền bìa sách trái nghịch.
Thật không thể tin được bản tranh gốc của tôi lại bị biến dạng một cách lạ lùng đến thế. Hôm nay thấy mẫu bìa xuất hiện, quá xa lạ với mình nên tôi hết sức mong mỏi Tạp chí Đô thị & Phát triển giúp cho một việc: xin xóa tên tôi ở mục a-ti-ket trang cuối của cuốn sách nói đến ở đây, nếu có”. Có thể nói, sự nghiêm khắc của họa sĩ Hoàng Đặng là không thừa bởi công tác in ấn hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.
Khoảng trống
Cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, các NXB ở Sài Gòn như Lá Bối, Khai Trí, An Tiêm, Cảo Thơm, Lửa Thiêng thi nhau in sách dịch du nhập từ phương Tây. Những cuốn sách gắn liền với tên tuổi nhà văn, nhà thơ như J.P.Sartre, Hermann Hesse, Henry Miller hay các triết gia K.Jasper, Pablo Neruda, F.Garcia Lorca… được đông đảo bạn đọc biết đến.
Thành công này một phần nhờ công tác in ấn, trình bày trang bìa ấn tượng. Đơn cử một số bìa sách Buồn nôn (tác giả Jean-Paul Sartre) do NXB An Tiêm phát hành năm 1969, Sói đồng hoang của Hermann Hesse, NXB Ca Dao hay Phong trào Duy Tân của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, NXB Lã Bối phát hành 1969 đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, không lỗi thời dù nhiều năm trôi qua.
Hiện nay, cái khó ở Đà Nẵng là không có nhiều họa sĩ “bén duyên” với nghề này. Qua sự giới thiệu của một số NXB có thể kể đến vài cái tên quen thuộc như Hoàng Đặng, Phan Ngọc Minh, Duy Ninh và gần đây là Huỳnh Lê Nhật Tấn hay Nguyễn Kim Hoàng Như...
Hằng năm, NXB Đà Nẵng cho ra đời trung bình 400 đầu sách và văn hóa phẩm nhưng chưa có phòng biên tập mỹ thuật hoặc tối thiểu là một họa sĩ chuyên trình bày sách. Ông Nguyễn Kim Huy cho biết, thời gian qua, NXB phải thường xuyên mời họa sĩ các nơi cộng tác.
Điều đó khiến cho việc trình bày sách được đa dạng, phong phú, nhiều phong cách. Tuy nhiên, mặt hạn chế là không tạo ra phong cách trình bày rõ rệt cho NXB Đà Nẵng.
Họa sĩ Phan Ngọc Minh, tác giả trên 100 bìa sách chia sẻ rằng, công việc vẽ bìa khác hẳn với vẽ tranh bởi ngoài trình bày đẹp, họa sĩ phải lột tả đúng tinh thần của sách.
Một họa sĩ, đồ họa giỏi chưa chắc trình bày bìa sách đẹp và sát nội dung. Đó là chưa kể, sách hiện nay được xuất bản khá đều đặn, kỹ thuật in ấn tốt nhưng để tìm một cuốn sách có mẫu bìa riêng, thể hiện được nội dung thì không nhiều.
Bắt đầu đến với công việc vẽ bìa sách từ năm 1996, khi Phan Ngọc Minh nhận vẽ bìa bản thảo Đời tôi của họa sĩ Marc Changall (Trần Thị Mai Ninh dịch) của NXB Đà Nẵng. Từ đó đến nay, ông là tác giả trình bày một số bìa sách chất lượng như Cuộc đời Van Gogh do Phan Hồng Hạnh chuyển ngữ; Thơ, thi pháp và chân dung của nhà phê bình Đặng Tiến (NXB Phụ nữ); Phan Duy Nhân thơ và đời (NXB Đà Nẵng 2015); Từ chân núi đá tịnh của Phạm Úc; Ngôi nhà chỉ một lần mở cổng của Bùi Tự Lực...
Kể về kỷ niệm lần đầu bén duyên với công việc này, Phan Ngọc Minh cho biết ông vốn yêu quý Marc Changall, một họa sĩ tạo hình nổi tiếng với óc sáng tạo và trí tưởng tượng siêu thực của thế kỷ 20 nên ông đã bỏ nhiều thời gian nghiền ngẫm bản thảo, tìm kiếm tư liệu, hình ảnh liên quan đến Marc Changall. Công việc vẽ trang bìa cho cuốn Đời tôi đã giúp ông hiểu rõ hơn về cuộc đời của người họa sĩ tài hoa.
Tốt nghiệp lớp cử nhân tài năng ngành tài chính-ngân hàng của ĐH Kinh tế-Luật, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Kim Hoàng Như rẽ lối sang công việc vẽ bìa minh họa vì thích. Khi còn sinh viên, Như là thành viên ban truyền thông của trường, mày mò tập thiết kế, vẽ các ấn phẩm phục vụ tuyên truyền cho các hoạt động của khoa và dần thấy hứng thú với công việc này. Ra trường, Như bắt đầu đăng ký làm thành viên vẽ minh họa tự do (freelancer artist) tại các trang website quốc tế và hiện làm việc chính cho trang fiverr.com.
Theo Như, không phải khi nào việc thiết kế bìa sách cũng có thể theo ý của người thiết kế. Quá trình xây dựng ý tưởng, lên hình, chỉnh sửa… cần sự thống nhất của người thiết kế và tác giả cuốn sách rất nhiều. Có những lúc ý tưởng và gu thẩm mỹ của tác giả lại trái ngược hoàn toàn với người thiết kế nên đòi hỏi cả hai phải dành rất nhiều thời gian, nhiều lần chỉnh sửa. Đối với một người không chuyên như Như, khâu thiết kế cũng đòi hỏi việc tương tác với nhà in để file mềm thiết kế có thể phù hợp với tiêu chuẩn in ấn như kích thước, màu sắc, font chữ.
Dù đến với công việc vẽ bìa sách bằng niềm đam mê hay lý do gì đi nữa, thì với người họa sĩ trình bày, sau mỗi bìa sách, họ sẽ có thêm một lần trau dồi kinh nghiệm, nắm vững xu hướng thẩm mỹ cũng như chọn cách thiết kế phù hợp hơn với các tiêu chuẩn kỹ thuật in ấn. Điều đó, sẽ góp phần không nhỏ vào thành công của mỗi cuốn sách sau khi xuất bản.
TIỂU YẾN