.

Không để sách "chết lâm sàng"

.

Mỗi cuốn sách ra đời, ngoài những nỗ lực quảng bá của đơn vị xuất bản, nhà phát hành, còn cần rất nhiều kênh thông tin xã hội để cuốn sách rộng đường đến tay bạn đọc. Khi nào sách được cầm trên tay bởi hàng triệu người chứ không phải “cao ngạo” nằm trên giá để ngắm, thì lúc đó, sách mới hoàn thành thiên giá trị đem kiến thức đến cho nhân loại.

Từ những bài giới thiệu sách trên báo

Hầu như tờ báo nào bây giờ cũng có mục “điểm sách”, “giới thiệu sách”, “sách hay nên đọc”… Ở những trang này, không chỉ nhà báo, nhà văn viết lời giới thiệu cho sách mà cả bạn đọc khi đọc được một quyển sách ưng ý, có cảm xúc cũng viết lời giới thiệu gửi báo chí.

Chính những lời tâm sự thật tình từ một độc giả khiến những bạn đọc khác đặt niềm tin là quyển sách đó hay, đáng đọc, nên mua về đọc. Có lẽ, lời nói của người từng dùng sản phẩm và đánh giá sản phẩm đó tốt có giá trị hơn gấp trăm lần những mẩu quảng cáo hoành tráng.

Một đồng nghiệp kể, một trong những cuốn sách anh ấn tượng nhất là cuốn “Chuyển giới” và bài viết giới thiệu về cuốn sách này (đăng trên báo Đà Nẵng cuối tuần) để lại cho anh nhiều cảm xúc nhất. Anh tâm sự: bài giới thiệu về sách cũng như một bài báo, có mở đầu, kết thúc, nội dung.

Người viết trăn trở, nắn nót từng câu chữ sao cho khi bài viết mình đăng lên, bạn đọc cùng cảm nhận, cùng suy tư với mình, với tác giả. Chỉ mong sao “nhờ” bài giới thiệu của mình, quyển sách đó sẽ bay cao, bay xa chứ không nằm chỏng chơ trên kệ là vui lắm rồi.

Nhiều bài giới thiệu sách viết hay đến nỗi người đọc dù chưa từng biết đến cuốn sách đó cũng bị cuốn theo từng lời kể của người giới thiệu. Ví như bài “Khi mới là cũ và khi cũ là chưa từng” của một du học sinh về tác phẩm “Thương nhớ mười hai” của tác giả Vũ Bằng đăng trên tờ Tuổi trẻ cuối tuần.

Mấy ai có thể làm ngơ trước lời mời gọi: “Tác giả Vũ Bằng - với văn phong tinh tế và đằm thắm của mình, với tình cảm chân thành đến tột cùng, không khoa trương, không sáo ngữ - đã khiến một người miền Trung chính gốc như tôi cũng phải có hoài niệm về đất Bắc, hoài niệm về những món ngon mình chưa hề ăn, những cảnh đẹp mình chưa hề qua và những thú chơi mình chưa hề thử…

Chỉ có Vũ Bằng mới làm tôi nghĩ về “xứ Bắc của mình”, để rồi cả thẹn: “À, của người ta chứ có phải của mình đâu. Mình còn chưa bao giờ ăn chả cá Lã Vọng”.

Anh Đinh Lê Vũ, một người viết tự do, thường có những bài giới thiệu sách trên các ấn phẩm báo chí, chia sẻ: “Theo tôi, việc cuốn sách đến được với người đọc hay không phụ thuộc khá nhiều lý do, nhưng một trong những kênh thông tin để người đọc biết đến cuốn sách là thông qua những bài giới thiệu trên các báo.

Báo càng uy tín thì thông tin càng đáng tin cậy. Bạn hãy tưởng tượng khi bước vào một nhà sách có cả ngàn cuốn sách đang bày bán, làm sao bạn có thể chọn lựa được cuốn sách bạn muốn nếu trước đó bạn không được ai giới thiệu qua về nó”.

Sức lan tỏa của mạng xã hội

Không thể phủ nhận sức mạnh của mạng xã hội trong thời đại ngày nay. Có người còn cho rằng, thời đại thông tin bùng nổ, nếu một sản phẩm nào đó không được quảng cáo, chia sẻ trên mạng xã hội, sản phẩm đó cầm chắc thất bại.

Nhiều cuốn sách khi còn là bản thảo đã được chính tác giả hoặc bạn bè của tác giả đưa lên facebook và giới thiệu với bạn bè, thân hữu gần xa. Gần đây, nhà văn Đỗ Bích Thúy ra sách “Chúa đất”, khi tập sách này còn là bản thảo nằm trên giấy đã được chị “nhử” những mồi lửa nhỏ trên trang cá nhân.

Thế là, bạn bè trên mạng xã hội được phen phập phồng chờ đợi ngày sách ra đời. Tuy nhiên, những lời giới thiệu về sách trên mạng xã hội không mang nội dung sâu sắc như những bài giới thiệu trên báo, thậm chí ngắn gọn và đơn giản hơn rất nhiều.

Có nhiều người đọc bỏ công “gõ” vài ba trăm chữ giới thiệu nhưng cũng có những lời giới thiệu chỉ vỏn vẹn 2, 3 dòng, chỉ cốt làm sao để bạn bè hiểu “à, sách hay đấy, lưu lại tên sách để có dịp mua về đọc”.

Ngoài facebook, hiện nay, các nhà xuất bản, công ty sách khi có tác phẩm mới ra đời đều dành cho nó một vài dòng lời tựa trân trọng đăng trên website của mình để giới thiệu nội dung với bạn đọc. Những lời giới thiệu này hầu hết do biên tập viên-người biên tập cuốn sách đó viết.

Dù chỉ là đôi ba dòng ngắn ngủi, có khi chỉ là cảm xúc của biên tập viên dành cho cuốn sách nhưng nó có tác dụng lớn khi vẽ nên một bức tranh hình ảnh, sống động, giúp người đọc có một hình dung nhất định về cuốn sách đó.

N.T.D (sinh viên năm 4, khoa Thương mại, ĐH Kinh tế Đà Nẵng), hiện đang làm bán thời gian tại Nhà sách Nhã Nam, chi nhánh Đà Nẵng, chia sẻ: Là một người yêu sách, bạn thường “lân la” trên các trang web của các nhà sách để đọc lời giới thiệu về sách mới, nếu thích nội dung nào sẽ lưu lại tên sách để khi có điều kiện thì tìm mua đọc.

Hiện nay, các nhà xuất bản, công ty sách đang gặp khó khi một quyển sách mới ra lò, chỉ vài ngày sau đã có bản ebook (sách điện tử) miễn phí hoặc phí rất thấp trên mạng. Ông Lê Thành Trung (Phó phòng phát hành, Nhà xuất bản Đà Nẵng) cho biết, không dễ gì bán được sách trong thời đại công nghệ như hiện nay.

Đó là lý do hầu hết các nhà văn, nhà thơ đều… nghèo khi 1 năm, thậm chí 10 năm mới viết được 1 cuốn sách lại bán không được. Các nhà xuất bản truyền thống khó cạnh tranh với các công ty sách khi họ có vốn, có nhân lực… để làm mạnh mẽ ở khâu phát hành, quảng cáo rộng rãi. Hiện, tại Nhà xuất bản Đà Nẵng, khi sách được xuất bản được mang đến giới thiệu ở thư viện, các nhà sách để mời chào. Những sách do các nhà văn tên tuổi viết đôi khi được tổ chức các buổi tọa đàm giới thiệu.

Khi sách vẫn chưa trở thành mặt hàng tiêu dùng thông dụng, các nhà xuất bản, công ty sách vẫn còn ngại ngùng chưa dám quảng cáo sách mạnh mẽ thì những cách làm trên, dù nhỏ lẻ nhưng vẫn có tác dụng đánh động đến trái tim bạn đọc, để sách không “chết lâm sàng” trên kệ!

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.