.
Nghĩ

Đi coi… nhốt thú!

Mỗi lần vào thăm “sở thú” nằm trong Công viên 29-3 lại thấy xót hơn thích. Gọi là “sở thú” thì ngượng thật, vì có đúng 1 con cầy mực, 1 con trăn, 2 con cá sấu nhỏ, vài con khỉ, vài con nai và… hết.

Nhưng tìm một cái tên cho phù hợp cũng hơi khó, vì chỗ này không thể là “vườn thú”, “công viên thú” hay “khu bảo tồn thiên nhiên”, khi chỉ có vài con vật lèo tèo được rào chắn trong chiếc lồng rồi hằng ngày có người quăng thức ăn vào nhai qua bữa.

Đứng trong lồng, bám vào thanh sắt, con cầy mực đen thui như tên gọi của nó ngước đôi mắt ra bên ngoài. Không biết đôi mắt vô hồn của nó đang muốn nói điều gì, trông tội nghiệp.

Con trăn và mấy con cá sấu lại có lẽ đến đây chỉ để làm một việc duy nhất: nằm ỳ. Được thấy nó di chuyển, thậm chí chỉ thở mạnh một cái cũng là khoảnh khắc hiếm có. Với tôi, một người thường vào công viên dịp cuối tuần thì hồi nào tới giờ, vẫn trước mắt tôi là con trăn cuộn tròn im ỉm và 2 con cá sấu bất động lúc dưới nước, lúc trên bờ. May ra còn những con khỉ lém lỉnh cứu vớt cả bầu không khí chung của cái “sở thú” này.

Ai nhàn rỗi một ngày chỉ biết nằm ườn ra đều thấy muốn đổ bệnh và thèm cái cảm giác vận động. Vậy mà chuyện bay nhảy với những con thú vốn dĩ sinh tồn trong môi trường hoang dã lại thành quá xa vời.

Trong cái lồng rộng mỗi bề hơn 1 mét, chúng sẽ vận động kiểu gì? Bên trong có bể nước nhỏ đen ngòm, hôi hám và mặt nước chẳng buồn lay động. Chẳng biết những cái bể này sinh ra để làm gì nữa, lẽ nào là chỗ… tắm của thú? “Được” chăm sóc như vậy khác nào cầm tù!

Sáng chủ nhật vừa rồi, vào “sở thú” đúng giờ ăn của chúng lại càng thương. Chị nhân viên mang ra một thau thức ăn, hình như là cơm và bóp thành từng nắm nhét qua song sắt. Bữa ăn của khỉ còn được thêm vài quả chuối đã bóc vỏ và cũng được ném vào lồng.

Tội nỗi, nắm cơm từ bên ngoài rơi ịch xuống sàn “nhà” của một con khỉ ngay chỗ vương vãi đầy phân của nó. Cái ăn vào và cái thải ra nằm lẫn lộn với nhau. Giá như có một cái máng ăn và thức ăn được đặt riêng vào đấy…

Dẫu sao thì chỗ nuôi nhốt này vẫn là điểm thu hút trẻ con nhiều nhất khi vào công viên. Những đứa trẻ cũng được bao bọc trong bốn bức tường nhà và khuôn viên trường mẫu giáo nên thấy thú vật quá… sống động. Nhưng thật đáng buồn nếu trẻ con mặc nhiên cho rằng “cầm tù” một con thú để mua vui cho mình là điều bình thường và con người chúng ta có quyền làm điều đó!

Không nuôi thì thôi, đã nuôi nên cho chúng một “ngôi nhà” rộng hơn, ít nhất là để đi lại cho đỡ chồn chân mỏi gối.

Thi thoảng tôi vẫn mong một ngày nào đó, những con thú này được thả về môi trường tự nhiên của nó để chúng được tung tăng cho thỏa thích. Nhưng với một cuộc sống chỉ biết ngồi ỳ một chỗ quá lâu, nếu được về với hoang dã, liệu chúng có còn sự nhanh nhạy để sinh tồn hay lại sớm bị… bắt thịt?

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.