.
Phương hay Thuốc quý

Chữa bệnh bằng phương pháp chườm nóng

.

Chườm nóng là một phương pháp chữa bệnh khá phổ biến (dân gian gọi là hơ háp, Đông y gọi là uất pháp hay úy pháp - 熨法). Phương pháp này có nhiều điểm tương đồng với phương pháp đốt cứu, tuy nhiên, cách dùng dược vật và phương pháp tiến hành có khác.

Chườm ngải cứu chữa đau cột sống tại Bệnh viện YHCT Đà Nẵng.Ảnh: P.C.T
Chườm ngải cứu chữa đau cột sống tại Bệnh viện YHCT Đà Nẵng.Ảnh: P.C.T

Chườm nóng là dùng vật dụng hoặc dược liệu nóng ấm chườm trực tiếp hoặc gián tiếp lên các vùng da để trị liệu bệnh tật. Phương pháp này có được mô tả trong các tác phẩm đông y kinh điển, như Nội Kinh Tố Vấn - thiên Điều kinh luận có chép: “bệnh trong xương thì hơ nóng kim châm hoặc dùng thuốc sao nóng chườm vào”; thiên Linh Khu - Thọ yểu cương nhu cũng có chép bài thuốc sao nóng để chườm trên da chữa chứng hàn tý (đau khớp do lạnh, có giới thiệu bài thuốc ở phần sau).

Các tác phẩm y học nổi tiếng như Trửu Hậu Phương, Thiên Kim Phương, Ngoại Đài Bí Yếu, Gia Hựu Bản Thảo, Bản Thảo Cương Mục, Vệ Sinh Bửu Giám,... đều có chép về phương pháp chườm nóng bằng thuốc.

Như vậy có thể nói chườm nóng là phương pháp chữa bệnh có lịch sử lâu đời và phạm vi ứng dụng rộng rãi. Phương pháp này đơn giản dễ làm, có tính an toàn cao mà hiệu quả lại nhanh chóng, rất được quảng đại quần chúng ưa thích.

I. TÁC DỤNG VÀ PHẠM VI ỨNG DỤNG:

Phương pháp chườm nóng chủ yếu mượn khí ấm nóng để trị liệu bệnh tật, nó có tác dụng ôn dương khí, khu hàn tà, thông kinh mạch, điều khí huyết... Sách Linh Khu, thiên Thích tiết chân tà viết: “Trị người bệnh quyết (hôn mê mà chân tay lạnh giá) trước hết phải dùng phép chườm nóng để điều hòa các kinh,... hỏa khí thông rồi, huyết mạch mới lưu hành”.

Phép chườm nóng thích ứng với các chứng bệnh có hàn tà bên ngoài xâm nhập vào kinh lạc tạng phủ, hoặc bẩm tạng dương hư, khí huyết không điều hòa dẫn đến các chứng bệnh khác, như phong hàn thấp tý (đau khớp dạng thấp), đau dạ dày, đau bụng do lạnh, ngực bụng đầy trướng, đại tiểu tiện không thông, hoắc loạn ẩu thổ, trưng hà bĩ khối (trong bụng có khối tích hòn cục).

II. CÁC PHƯƠNG PHÁP CHƯỜM NÓNG THƯỜNG DÙNG:

Theo phương thức lấy nhiệt, có thể phân làm 2 loại: chườm trực tiếp và chườm gián tiếp. Theo nguyên liệu để chườm, có thể phân ra: chườm tro, chườm hành, chườm gừng, chườm rượu, chườm muối, chườm nước, chườm thuốc (một vị hay nhiều vị thuốc)...

1. Phân theo cách lấy nhiệt:

- Chườm trực tiếp: Là phương pháp lấy vật thể đang nóng ấm chườm áp lên da thịt, như đem các dược liệu sao hay xào nóng rồi trực tiếp chườm lên trên vùng da. Hoặc có khi dùng dụng cụ khác như cục gạch đá đã nướng nóng hoặc đổ nước nóng vào những vật dụng thủy tinh, kim loại như đồng rồi áp vào da đều thuộc loại này.

- Chườm gián tiếp: Không áp trực tiếp vật thể nóng lên da mà gián tiếp qua một số lớp dược liệu hay bông vải, mục đích để giữ sức nóng ôn hòa hay nhờ tác dụng sức nóng làm cho thuốc ngấm vào trong tổ chức da để điều trị bệnh tật.

2. Phân loại theo nguyên liệu chườm:

- Chườm thuốc: Cách này lấy các bài thuốc chữa các loại bệnh tật rồi làm nóng, đắp lên chỗ bị bệnh, mượn sức nóng khiến cho thuốc dễ ngấm vào da thịt để phát huy tác dụng chữa bệnh.

- Chườm tro: Lấy tro nóng trong lòng bếp củi, cho vào túi vải chườm những chỗ đau, có công năng ôn trung tán hàn, chủ trị các chứng đau ngực bụng (tâm phúc thống). Dân gian ứng dụng rất phổ biến phương pháp này.

- Chườm hành: Hành có tác dụng giải biểu, hòa lý thông dương, hòa huyết. Dùng củ hành giã nhuyễn, nắn thành bánh đặt lên huyệt vị hoặc chỗ đau, dùng một vật dụng chườm nóng đặt lên trên; hoặc xào nóng hành đã giã nhuyễn, cho vào túi vải chườm lên chỗ đau. Có thể trị tiểu không thông, nhọt sưng, bị đánh đòn, té ngã, hoặc dương khí vong thoát, tức ngực do khí kết...

- Chườm gừng: Gừng sống có tác dụng ôn trung tán hàn, dùng nó giã nát xào nóng chườm lên ngực bụng có tác dụng khai thông cách mạc, thông khí lồng ngực. Trên lâm sàng thường phối hợp gừng với hành cùng chườm.

- Chườm muối: Dùng muối sao nóng, cho vào túi vải chườm trực tiếp lên chỗ đau, hoặc trộn với các loại bột thuốc khác cùng sao chườm, tùy thuộc vào các loại dược liệu sử dụng mà có tác dụng trị liệu khác nhau.

- Chườm rượu: Dùng rượu đun hoặc chưng nóng, dùng khăn vải nhúng rượu đang nóng để chườm trị tức ngực do khí uất không thông hoặc tiêu sưng.

- Chườm nước: Dùng chai lọ dựng nước nóng hoặc dùng khăn lông nhúng nước sôi vắt kiệt rồi đắp lên chỗ đau, có tác dụng tiêu sưng, thông hành huyết mạch. Cách này đơn giản, thao tác tiện lợi, thường được dùng nhiều.

- Chườm bằng bàn là: Dùng trong trường hợp sưng mụn nhọt trong ngoại khoa, dùng bàn là vừa độ nóng chà áp tới lui trên chỗ đau, cũng dùng để chữa bệnh ở mắt và sốt rét, cũng như các bệnh đau nhức lưng. Chữa bệnh mắt thì chườm nóng vùng lân cận mí mắt, chữa sốt rét và đau lưng thì chườm trên vùng lưng.

- Chườm bằng gạch nóng: Dân gian thường dùng cho ngồi lên viên gạch nướng để trị liệu bệnh ở vùng hậu  môn và hội âm.

- Chườm áp bằng bao nóng: Dùng cát nóng hoặc muối nóng cho vào bao vải, đặt lên vùng bụng để trị bệnh viêm ruột hay đau bụng ỉa chảy ở trẻ em.

ĐẶNG ÁNH TUYẾT

;
.
.
.
.
.