Cùng với xu hướng chung của cả nước, Đà Nẵng đang đi về cuối giai đoạn “dân số vàng” và đứng trước nguy cơ già hóa dân số nhanh chóng, đòi hỏi những người làm công tác dân số phải có những biện pháp tiếp cận mới trong tư vấn, tuyên truyền.
Ở tuổi 73, ông Nguyễn Thành Long chủ tiệm may áo dài Nam Việt trên đường Lê Duẩn vẫn cần mẫn với công việc của mình.Ảnh: T.Y |
Nỗ lực kiểm soát mức sinh hợp lý
Đầu tháng 11-2013, Việt Nam chào đón sự ra đời của công dân thứ 90 triệu có tên là Nguyễn Thị Thùy Dung. Việt Nam trở thành quốc gia có dân số đứng thứ 14 trên thế giới.
Năm 2015, tỷ lệ NCT ở Việt Nam chiếm trên 10% tổng dân số đã đặt ra những thách thức to lớn trong vấn đề an sinh xã hội, chăm sóc y tế, thiếu hụt thế hệ tiếp cận, mất cân bằng giới sau sinh. BS. CKII Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Đà Nẵng đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh.
Riêng Đà Nẵng, tuổi thọ trung bình của người dân là 75,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình chung cả nước. Người làm công tác dân số cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc nâng cao nhận thức về vấn đề này, đảm bảo đưa vấn đề già hóa cũng như nhu cầu của NCT vào tất cả các chương trình và chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt là đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế chăm sóc NCT; khuyến khích tạo điều kiện để NCT tiếp tục tham gia các hoạt động xây dựng thành phố phù hợp với điều kiện sức khỏe và kinh nghiệm...
Trong một bài báo có tựa đề “Thách thức chưa giàu đã già” đăng trên báo Tuổi trẻ năm 2014, GS. Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản) phân tích sự thay đổi dân số ở nước ta trải qua 4 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, tốc độ sinh và tử cùng cao nên dân số không tăng hoặc tăng rất chậm.
Vào giai đoạn hai, tốc độ tử giảm nhưng sinh cao nên dân số tăng nhanh dẫn đến tỷ lệ dân số trẻ (dưới 15) rất cao. Giai đoạn 3, tốc độ sinh giảm và dân số tăng ít, người sinh trong giai đoạn 2 trước đó nay trở thành lực lượng lao động.
Đây là giai đoạn lý tưởng để kinh tế phát triển. Đến giai đoạn 4, “dân số vàng” qua đi, con người ngày càng lão hóa, tỷ lệ NCT trên 65 tăng cao. Lúc này tỷ lệ của số người trong độ tuổi lao động giảm dần và số người sống phụ thuộc đông, gánh nặng phúc lợi xã hội đè trên vai người trong tuổi lao động. Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, dân số Việt Nam sẽ đạt 100 triệu trong nửa sau thập niên 2020, đạt đỉnh cao khoảng 105 triệu vào năm 2040 và giảm sau đó.
Bà Nguyễn Thị Xuân, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP. Đà Nẵng cho biết năm 2015 dân số Đà Nẵng khoảng 1.029.000 người, đạt chỉ tiêu quy mô dân số dưới 1,2 triệu người. Trong khi một số khu vực trong cả nước có mức giảm sinh sâu (Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long từ 1,5 đến 1,6 con/phụ nữ, riêng TP. Hồ Chí Minh 1,37 con) thì Đà Nẵng vẫn còn ở mức cao 2,20 con vào năm 2015, thậm chí cao hơn mức sinh thay thế 2,05 con do Tổng cục Dân số, kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đề ra.
Duy trì mức sinh hợp lý là một trong 5 lĩnh vực cần ưu tiên trong Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng phê duyệt. Bởi theo dự báo của Liên Hợp Quốc, nếu tổng tỷ suất sinh con từ 2,3 - 2,5 con/phụ nữ thì đến năm 2050, quy mô dân số nước ta sẽ ở mức quá cao 130-140 triệu, mật độ dân số cao khoảng 400 người/km2.
Điều này gây áp lực đối với các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động, việc làm. Nếu mức sinh thấp, khoảng 1,35 con, quy mô dân số đạt cực đại 95-100 triệu người dẫn đến dân số suy giảm, thiếu nguồn lao động, già hóa dân số diễn ra nhanh gây bất lợi cho sự phát triển kinh tế.
Nếu duy trì mức sinh hợp lý từ 1,9 đến 2 con đến năm 2050 quy mô dân số nước ta sẽ ổn định ở mức 115-120 triệu người, khi ấy cơ cấu tuổi của dân số sẽ cân bằng hơn, giảm dần sự chênh lệch bất lợi giữa người trong độ tuổi lao động và NCT.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Đà Nẵng vẫn còn nhiều thách thức trong công tác dân số kế hoạch hóa gia đình. Mặc dù đã đạt và vượt kế hoạch về giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trong cộng đồng, duy trì kiểm soát tỷ lệ giới tính khi sinh, các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số cũng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch nhưng tỷ lệ giảm sinh ở Đà Nẵng chưa bền vững, không đồng đều ở các quận, huyện.
Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng giảm, sự phân bố dân cư không đều, thường tập trung ở những quận trung tâm và những quận có nhiều khu công nghiệp, nhiều trường đại học, cao đẳng.
Phương châm “mưa dầm thấm lâu”
Một trong những mối lo của người làm công tác dân số hiện nay là Việt Nam đang rơi vào tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Đây cũng là thách thức của Đà Nẵng khi tỷ lệ này hiện là 108 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái. Tuy nhiên, theo đánh giá, đây vẫn là con số ấn tượng bởi hiện nay, tỷ lệ bé trai/bé gái trung bình cả nước là 120/100.
Từ năm 2014, Sở Y tế TP. Đà Nẵng đã đưa nhiệm vụ duy trì tỷ lệ giới tính sau sinh vào nhiệm vụ trọng tâm thứ 3 của ngành y tế. Bên cạnh công tác tuyên truyền, cung cấp kiến thức về giới, thanh tra Sở Y tế thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở có dịch vụ siêu âm, nạo phá thai, thực hiện các quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh, đặc biệt ở các phường ven biển.
Sự thay đổi của cơ cấu dân số theo hướng lão hóa diễn ra chậm chạp nhưng khắc nghiệt hơn vì khi đã thành hiện thực thì khó có thể đối phó được nữa. Trước giai đoạn lão hóa là thời đại dân số vàng. Giai đoạn này nếu không có chiến lược, chính sách phát triển nhanh để đất nước giàu lên trước khi cơ cấu dân số thay đổi thì chắc chắn sẽ trực diện với bi kịch chưa giàu đã già. GS. Trần Văn Thọ |
Theo đánh giá của Chi cục DS-KHHGĐ TP.Đà Nẵng, Đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được thực hiện nghiêm túc tại 18 phường thuộc 5 quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn đã đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, trang bị dụng cụ y tế, nâng cao chất lượng dân số, phòng chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn...
Ngoài thực hiện đúng những quy định về chế độ chính sách thì UBND các phường còn hỗ trợ cho các đối tượng tham gia như phường Thanh Khê Đông từ 15.000 đồng cho người đặt vòng, 500.000 đồng cho người triệt sản và 500.000 đồng cho người đi vận động đối tượng triệt sản đạt kết quả.
Số tiền dù nhỏ nhưng thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc khuyến khích người dân thực hiện biện pháp tránh thai hiệu quả. Dù thực hiện khá quyết liệt, tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, nhu cầu sinh con, nhất là sinh con trai ở đa số người dân vùng biển vẫn còn cao, tỷ lệ giảm sinh chưa thật sự bền vững.
Chị Phạm Thị Hiền có mấy chục năm làm công tác cán bộ dân số phường Mân Thái, quận Sơn Trà cho biết không thể buông lỏng công tác dân số. Thời gian qua, cứ 10 cặp sinh con thứ 3 thì có đến 80% là cố sinh để kiếm con trai nối dõi hoặc đi biển kế nghiệp gia đình.
Do đó, công tác tuyên truyền dân số tại đây rất vất vả và tốn nhiều thời gian. Không ít trường hợp khi biết chị đến nhà đã chủ động tránh mặt hay nói thẳng: “Con tui sinh tui nuôi, có liên quan chi đến mấy người mà nói”, thậm chí chỉ mới nghe nói đến hai từ “triệt sản”, có anh chồng đã nói luôn: “Sinh toàn con gái không ai đi biển được, không đi biển thì lấy gì mà sống” hay “Triệt sản tui thành thái giám rồi ai chịu trách nhiệm”… Đôi khi, cán bộ làm công tác dân số phải lấy danh dự của mình ra bảo đảm hy vọng có thể lay chuyển được suy nghĩ lâu nay ăn sâu vào tâm trí của người dân.
Có ngàn lẻ một lý do khiến công tác vận động, tuyên truyền của cán bộ dân số ở các phường biển gặp khó khăn.
Đơn cử, gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh (37 tuổi) ở Mân Thái hiện có 3 con gái, gia đình chồng bao đời đi biển khiến chị luôn thấy bị áp lực trong việc tìm con trai nối dõi nghiệp tổ tiên. Những năm gần đây, chị Hạnh đồng ý sử dụng đặt vòng tránh thai nhưng tư tưởng hai vợ chồng “vẫn chưa thông”.
Theo chị Hiền, nếu những trường hợp này mà mình không thường xuyên lui tới, nhắn nhủ động viên theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” thì rất dễ “dính” bầu trở lại. Đây cũng là một trong những thách thức trong công tác tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình ở các phường biển hiện nay.
Ông Đoàn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ quận Hải Châu cho biết hiện quận đang tiếp tục thực hiện mô hình tư vấn tiền hôn nhân lồng ghép với trao giấy kết hôn cho vợ chồng trẻ sinh sống trên địa bàn.
Chương trình nằm trong dự án tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hành về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Bắt đầu từ năm 2009 đến nay đã có trên 900 cặp nam nữ đăng ký kết hôn tham gia vào chương trình tư vấn.
Hơn một năm nay, khẩu hiệu tuyên truyền về dân số thay đổi thành “Mỗi cặp vợ chồng nên dừng lại ở 2 con”, hoặc “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” dần đi vào nếp nghĩ của người trẻ. Cùng với những thách thức về câu chuyện già hóa, chúng ta vẫn hy vọng rằng, bức tranh toàn cảnh về chất lượng dân số sẽ ngày một sáng hơn, nếu những thế hệ măng non được thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến và sử dụng các dịch vụ chăm sóc y tế ngày một nâng cao.
Dân số nước ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa từ năm 2011. Năm 2012 cứ khoảng 11 người dân thì có một NCT, ước tính vào năm 2029, cứ 6 người dân sẽ có một NCT. So sánh với các nước phát triển, thì cơ cấu dân số đang già chuyển sang cơ cấu dân số già ở nước ta tốc độ nhanh hơn so với các nước phát triển là 20 năm. (Nguồn: nhandan.com.vn - năm 2014) |
TIỂU YẾN