.

Vượt khó để hái trái ngọt

.

Những chàng trai 22 tuổi này bắt đầu nuôi ước mơ được giảng dạy cho trẻ em tự kỷ từ khi còn là những sinh viên ở giảng đường đại học. Càng tiếp xúc, hướng dẫn, trò chuyện cùng các em, các anh nhận ra sự chọn lựa của mình là hoàn toàn đúng đắn.

Nguyễn Viết Văn trong một giờ dạy học.
Nguyễn Viết Văn trong một giờ dạy học.

Tốt nghiệp Khoa tâm lý, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, Nguyễn Viết Văn (quê Quảng Nam) và Nguyễn Xuân Thảo (quê Nghệ An) quyết tâm theo đuổi ước mơ dạy học cho trẻ em mắc chứng tự kỷ. Văn bảo rằng, nhìn các em rất thương.

Tiếp xúc nhiều với các em mới thấy mỗi em có một thế giới riêng, mình phải vén bức màn bí mật của từng em, bước vào đó mới hiểu các em nghĩ gì, yêu gì, thích gì. Và để được nhận vào Trung tâm Sun rise for Music (chi nhánh trực thuộc Trường SforA Music School for Children with Autism Hà Nội, dành cho trẻ em tự kỷ), Viết Văn và Xuân Thảo phải tự tìm đọc rất nhiều tài liệu về hội chứng tự kỷ, cách chơi, cách hướng dẫn với trẻ như thế nào; vì chuyên ngành hai anh từng học không đi sâu vào giáo dục đặc biệt.

Cũng may là bà Nguyệt Thu, hiệu trưởng nhà trường, rất tâm huyết với chuyên ngành này nên hỗ trợ hết mình cho giáo viên. Cả Văn và Thảo được tham gia thường xuyên các buổi hội thảo chuyên đề về trẻ tự kỷ để trang bị thêm kiến thức và kỹ năng.

Không như giáo dục phổ thông, nghề giáo “đặc biệt ” đòi hỏi kỹ năng và bản lĩnh người dạy nhiều hơn gấp bội. Viết Văn cho biết với trẻ tự kỷ, mỗi em phải có một giáo án và lịch học riêng, mỗi giáo viên chỉ phụ trách 1 - 2 học sinh.

Đôi khi, Văn cảm thấy mệt mỏi, nhưng anh lấy động lực từ chính nụ cười các em để giúp các em ngày một tiến bộ hơn. Bởi mỗi đứa trẻ có những tiềm năng riêng, rất cần được khơi gợi và phát huy. Các em rất thích được hát, múa, vẽ, làm đồ thủ công và trách nhiệm của người dạy là phải biết phát huy những tiềm năng ấy.

Mới đây Xuân Thảo được cử ra Hà Nội học nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm. Thảo chia sẻ, mỗi ngày trên đường đi dạy, nhìn những em nhỏ tung tăng vui đùa, anh lại chạnh lòng nghĩ đến mỗi học sinh của mình và lại quyết tâm hơn nữa tìm ra nhiều phương pháp tiếp cận, giảng dạy thật khoa học.

Những chàng trai 22 tuổi này đã nuôi ước mơ được giảng dạy cho trẻ em mắc chứng tự kỷ từ khi còn là những sinh viên ở giảng đường đại học. Càng tiếp xúc, trò chuyện cùng các em, các anh nhận ra sự chọn lựa của mình là đúng.

Mỗi ngày trôi qua, được hướng dẫn các em học sinh tiến bộ đem lại cho Thảo và Văn những niềm vui, mà người ngoài không dễ gì có được. Mong muốn lớn nhất của Văn và Thảo là trẻ được hòa nhập với vòng tay cộng đồng, xa hơn nữa là các em có ý thức để trở nên bình thường và tham gia học tập, làm việc như bao người.

Nhiều người cho rằng nghề nuôi dạy trẻ chỉ phù hợp với nữ giới, với những chàng trai trẻ tuổi mới ra trường lại càng khó khăn hơn nhưng thực chất, tình yêu thương con trẻ sẽ chẳng ngoại trừ là giáo viên nữ hay nam. Bà Nguyệt Thu nhận xét: “Các bạn nam đa phần làm tốt hơn nữ vì các em  vững vàng và bình tĩnh hơn khi xử lý tình huống.

Bên cạnh đó các em rất biết điều tiết cảm xúc của mình, phần nhiều tâm lý người giáo viên tác động rất lớn đến học sinh trong quá trình giảng dạy”. Để làm được những điều đó, các anh phải rèn luyện cả tính kiên trì và chịu khó để hiểu trẻ, nắm vững được tiến trình bệnh lý của các em để áp dụng phương pháp cho phù hợp với từng đối tượng.

“Mỗi bạn nhỏ là một thế giới riêng, phải làm cho thế giới ấy thêm xanh là nhiệm vụ và cũng là mong ước của những người theo nghề dạy học này”, Văn bộc bạch. Văn cứ kể hoài về những thay đổi ở học trò của mình từng ngày qua, như biết vâng lời, vòng tay chào thầy, gọi bạn, chỉ được đôi mắt, cái mũi của mình… Khi kể, đôi mắt Văn ánh lên niềm hạnh phúc. Mong rằng, con đường bạn đang đi dù có khó khăn, gập ghềnh nhưng gặt được trái ngọt thành công. 

CẨM DUYÊN
 

;
.
.
.
.
.