Đà Nẵng cuối tuần
Để thành phố mỗi ngày thêm mới
Năm 2016 được thành phố tiếp tục chọn là Năm Văn hóa, văn minh đô thị. Phần việc này sẽ luôn luôn không có năm kết thúc. Bởi có vô vàn những chuyện diễn ra hằng ngày trong cuộc sống luôn cần sự chung tay của mỗi người để gìn giữ, làm đẹp hình ảnh của thành phố mà mình đang sống.
Đưa tuồng xuống phố để kéo khán giả gần hơn với nghệ thuật tuồng. Ảnh: T.T |
Xuống đường không phải để xử phạt
Sau chỉ đạo của Bí thư thành ủy Nguyễn Xuân Anh, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an thành phố đã được huy động tổng lực lượng xuống đường để xử lý tình trạng kẹt xe, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm…
Không phải đến nay, Đà Nẵng mới có lực lượng CSGT chốt tại các nút giao thông trọng yếu, điểm khác biệt là lần này huy động “tổng lực”, nhiều CSGT trước đây chuyên ngồi bàn giấy, nay cũng được điều động xuống đường. Không còn quá nhiều đèn đỏ được bật sáng tại các tuyến đường Lê Duẩn, Trần Phú, Hùng Vương, thay vào đó, các chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, hướng dẫn người đi đường.
Chỉ một thời gian ngắn, cái cảm giác yên bình, thư thái hơn trước là điều hầu hết người tham gia giao thông trong những ngày cuối năm đã bắt đầu cảm nhận được. Giờ đây chị Hoàng Như Ngọc (quận Hải Châu) đã không phải lo lắng tình trạng kẹt xe, mệt mỏi khi lưu thông trên tuyến đường Trần Phú, giờ tan sở.
Những chuyền thồ hàng bằng xích lô của ông Nguyễn Văn Duân tại tuyến đường Ông Ích Khiêm tấp nập cũng bớt nặng nhọc vì không phải liên tục dừng, khởi động đi khởi động lại cuốc xe sau những khúc đường ùn tắc. Các nam thanh nữ tú bớt vội vàng và hầu hết người tham gia giao thông dường như chỉn chu hơn, ý thức hơn trên các ngả đường…
Thông thường, nhác thấy bóng cảnh sát, công an, người đi đường sẽ có cảm giác lo sợ hoặc căng thẳng, nhưng ở Đà Nẵng với nhiều người, cảm giác thân thiện, ấm áp lại “lấn lướt” hơn. Một chiếc xe khách bất ngờ “chết máy” và bị kẹt lại giữa đường, trong lúc tài xế không biết phải xoay xở như thế nào thì hai CSGT của Đà Nẵng đang làm nhiệm vụ trở thành những người đẩy xe bất đắc dĩ; những câu chuyện về cách cư xử thân thiện, bao dung với người ngoại tỉnh chưa quen đường, khách du lịch; nhắc nhủ, hướng dẫn người đi đường đi đúng luật thay cho xử phạt; đưa người già bị bệnh đi cấp cứu khi đang làm nhiệm vụ; cảnh sát cùng tham gia dọn vệ sinh sau lễ hội pháo hoa… từng khiến rất nhiều cư dân mạng xôn xao cảm động!
Trong hàng loạt bình luận về những bài viết nói đến hành động đẹp của CSGT Đà Nẵng, có bạn đọc đã thốt lên rằng: “Tôi cảm thấy một niềm vui dâng trào! Vẫn tin vào điều tốt và cái đẹp tồn tại từ những hành động rất nhỏ”. Có điều, những chuyện khiến dư luận khắp nơi lấy làm “lạ” và cảm phục ấy lại hoàn toàn “không lạ gì” đối với CSGT Đà Nẵng.
“Tôi tin rằng, các chiến sĩ CSGT ấy không nghĩ hành động của mình lại trở thành nổi tiếng, và chắc chắn, các anh không làm việc đó để được dư luận tung hô, tán thưởng. Hành động đẹp của các chiến sĩ CSGT Đà Nẵng diễn ra hằng ngày. Đó mới chính là điều đáng trân trọng!”, Thượng tá Lê Văn Lực, Phó Trưởng phòng CSGT nhìn nhận.
Chia sẻ với chúng tôi, một chiến sĩ trẻ trực ở nút giao thông bờ Tây cầu Rồng nói rằng, mỗi khi xuống đường làm nhiệm vụ, điều anh luôn ghi nhớ là lời nhắc nhủ của cấp trên: “Các anh xuống đường không phải để xử phạt đâu nhé”. Tất nhiên, với những trường hợp cố tình vi phạm khi tham gia giao thông thì phải nghiêm khắc xử phạt! Phải chăng, chính sự chỉ đạo, thực hiện “thấu tình” từ trên xuống ấy là một trong những ngọn nguồn của những hành động đẹp đã trở thành “thương hiệu”, thành “chuyện thường ngày” của CSGT Đà Nẵng, nhiều năm nay!
Dù một khắc, một giây vẫn yêu nghề tha thiết
Xem tuồng giờ đây đã dần trở thành thói quen trong hành trình của khách du lịch khi đến với Đà Nẵng. Dù mới bước đầu, nhưng để tạo dựng được thói quen ấy là điều không dễ dàng đối với một nhà hát thuộc cấp thành phố như Nhà hát Tuồng Nguyền Hiển Dĩnh. Theo ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, đó là cách “lấy ngắn nuôi dài”.
Cũng như việc đưa tuồng xuống phố, là bước đi cần thiết để kéo khán giả gần hơn với tuồng, khi họ chưa có thói quen đến nhà hát. Qua 3 tháng thể nghiệm, các buổi diễn ngoài phố đã đem lại những kết quả khả quan.
Ngay những ngày mưa, khán giả vẫn nán lại đến phút chót để xem hết chương trình. Trong bức tranh ảm đạm của tuồng cả nước, những nỗ lực không mệt mỏi của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiến Dĩnh khiến người yêu loại hình nghệ thuật truyền thống này có thêm nhiều hy vọng. 256 buổi diễn/năm là con số đáng mơ ước đối với nhiều nhà hát cũng như đơn vị nghệ thuật truyền thống. Bởi, ngay cả Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng diễn chưa đến 100 buổi/năm.
Không chỉ hoạt động tại nhà hát, biểu diễn quanh trung tâm thành phố, đoàn diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh sẵn sàng “đến tận nơi” biểu diễn phục vụ, mỗi khi khán giả có nhu cầu, dù đó là miền núi, vùng biển, miền quê nghèo xa xôi, hẻo lánh.
Các diễn viên, nhạc công nhà hát đã trân trọng và cháy hết mình với từng buổi diễn tại các phường Thọ Quang, Mân Thái (quận Sơn Trà), phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), Hòa Quý, Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), Hòa Tiến (huyện Hòa Vang)… Họ diễn bằng tất cả tấm lòng những trích đoạn tuồng đôi khi chỉ kéo dài 5-7 phút, bởi dù một khắc, một giây, những người nghệ sĩ đầy lòng tự trọng và yêu nghề thiết tha đều không muốn “làm xấu đi” hình ảnh tuồng.
Họ luôn tâm niệm rằng, mỗi buổi diễn, dù ở đâu đều là cơ hội “có một không hai” để giới thiệu, quảng bá, lưu giữ tuồng - loại hình nghệ thuật truyền thống quý giá của cha ông. Như những con ong cần mẫn, các nghệ sĩ đã góp nhặt, chắt chiu từng cơ hội, nỗ lực bằng mọi cách, âm thầm giữ tuồng - cũng là giữ một nét đẹp rất riêng của thành phố bên bờ sông Hàn.
Làm đẹp những con đường
Nhiều tháng nay, chính những người dân sống trên con đường Phạm Cự Lượng – phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, vẫn chưa hết bồi hồi khi nhìn thấy màu xanh của con đường, mỗi sáng mai thức dậy. 19 cây sưa cao lớn khỏe mạnh cùng 110 hàng rào, vườn hoa do hội phụ nữ phường đồng tâm đóng góp, chăm sóc đã khiến cả con đường “đổi sắc”.
Chị Bùi Thị Lý Hương – Chủ tịch Hội phụ nữ phường An Hải Đông cho biết, số cây xanh và hàng rào bồn hoa có được từ sự đóng góp của gần 3.000 hội viên trên địa bàn. Mỗi hội viên chỉ đóng từ 2.000 đồng đã tạo nên nguồn quỹ ý nghĩa như thế. Từ ngày có thêm cây xanh, hàng rào bồn hoa, để giữ vẻ đẹp duyên dáng, xanh sạch của con đường, người đi thể dục buổi sáng tranh thủ dọn rác, xé quảng cáo rao vặt trái phép; người thì tự nguyện trồng thêm cây xanh, vận động gia đình thường xuyên dọn vệ sinh…
Riêng hội phụ nữ phường vẫn duy trì đều đặn chương trình ngày chủ nhật xanh, sạch, đẹp hằng tuần, chia nhỏ, phân công cụ thể cho các chi hội phụ trách chăm sóc cây xanh, giữ gìn vệ sinh, mỹ quan con đường. Được biết, việc xây dựng những con đường xanh, sạch, đẹp, tuyến đường kiểu mẫu là một trong những phong trào thiết thực do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phát động góp phần xây dựng thành phố văn minh, văn hóa. Không chỉ với con đường Phạm Cự Lượng, không chỉ ở quận Sơn Trà những con đường sạch, đẹp đang được nhân lên mỗi ngày trên khắp thành phố.
Nói về chuyện làm đẹp những con đường, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến những người cứ sáng sáng lại cầm chổi quét luôn đoạn sân trước nhà hàng xóm. Bà Phạm Thị Sau (60 tuổi, trú ở đường Tống Phước Phổ, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) là một người như thế.
Bà Sau tâm niệm, sạch là sạch chung, “đau mới chết, chứ làm chẳng chết ai” nên bà không bao giờ so đo, tính toán sân nhà mình, sân nhà hàng xóm. Cứ sáng ra là bà cầm chổi quét. Dịp lễ, Tết ăn chơi nhiều, rác xả nhiều hơn thì bà Sau “ôm” chổi cả ngày. Vì thấy rác rưởi, bẩn thỉu là bà không chịu được!
Chuyện của bà Sau không phải là trường hợp hy hữu. Ví như, mẹ của anh Tâm ở đường An Cư 7, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà. Nhà bà ở phường Mân Thái, nhưng hằng tuần, cứ đến nhà thăm con cháu, thì cầm luôn chổi quét sạch đoạn đường cả trăm mét… Đó, là những câu chuyện kể không bao giờ hết về những con người bình dị. Có lẽ, chính họ cũng không bao giờ biết được, họ đang đẹp lên cùng thành phố mỗi ngày.
THANH TÂN