.

Hiểu và yêu thương

.

Thấy nhiều trẻ bị tự kỷ và nghe nhiều về tự kỷ nhưng không phải ai cũng hiểu biết thực sự về hội chứng này. Với suy nghĩ đó, một nhóm bạn trẻ Đà Nẵng đã đứng ra thành lập nhóm “Trẻ tự kỷ - Hiểu và yêu thương” với mong muốn cộng đồng sẽ hiểu hơn tự kỷ và giang rộng vòng tay yêu thương đối với những đứa trẻ không may mắn mắc phải hội chứng này.

Một buổi chia sẻ thông tin về hội chứng tự kỷ của nhóm “Trẻ tự kỷ - hiểu và yêu thương”. Ảnh: B.A
Một buổi chia sẻ thông tin về hội chứng tự kỷ của nhóm “Trẻ tự kỷ - hiểu và yêu thương”. Ảnh: B.A

Bạn hiểu tự kỷ, chắc chứ?

Đà Nẵng một đêm se se lạnh, mặc kệ không gian có hơi chật hẹp trong căn phòng nơi số nhà 99 Hàm Nghi, mấy chục bạn trẻ vẫn say sưa lắng nghe, thảo luận về chứng tự kỷ. Khi Nguyễn Thị Hạnh Duyên, trưởng nhóm “Trẻ tự kỷ - Hiểu và yêu thương” đặt câu hỏi nguyên nhân gây nên tự kỷ.

Nhiều cánh tay đưa lên với các câu trả lời là do cha mẹ gây nên, do chính người tự kỷ cảm thấy không muốn tương tác với thế giới, do trầm cảm,… Cả phòng ồ lên ngạc nhiên khi Duyên nói “Tất cả đều sai!” và cho hay “thế giới vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây nên tự kỷ. Cốt lõi của tự kỷ và sự khác biệt của tự kỷ là do cấu trúc não bộ”.

Không riêng gì bạn trẻ mà chính những phụ huynh có con bị tự kỷ cũng chưa thật sự hiểu về hội chứng này. Tại những buổi gặp mặt của nhóm với các phụ huynh có con bị tự kỷ, không ít lần Duyên cùng những người bạn của mình chứng kiến những giọt nước mắt dằn vặt của cha mẹ khi họ cứ nghĩ con bị tự kỷ là do mình gây nên.

Để khắc phục tình trạng này, nhóm đã làm dự án “Bạn hiểu về tự kỷ, chắc chứ?” và lập trang Facebook cùng tên, thu hút gần 2.000 lượt theo dõi. “Thời gian qua, dự án đã tổ chức 4 buổi chia sẻ với 200 bạn trẻ của 12 CLB tích cực tại Đà Nẵng. Khảo sát tỷ lệ bạn trẻ hiểu đúng về tự kỷ đều 0%” - Duyên kể.

Bên cạnh đó, nhóm còn tự biên soạn, thiết kế “Bộ kiến thức cơ bản về tự kỷ” dựa vào quá trình tự tìm hiểu từ các nguồn tài liệu uy tín. Chỉ sau 2 ngày đăng tải, bộ tài liệu đã có hơn 1.000 lượt chia sẻ và con số này vẫn đang tiếp diễn.

Với những nỗ lực của mình, ngày 11-12 vừa qua, cùng với 19 nhóm bạn trẻ khác, nhóm “Tự kỷ - Hiểu và yêu thương” đã có dịp tham dự sự kiện “Ngày hội làng kiến - Triển lãm sáng kiến thanh niên đồng sáng tạo” trong khuôn khổ dự án Young@Heart và Youth Drivers for Change, diễn ra tại Hà Nội.

Giang rộng vòng tay yêu thương

Lấy tên gọi “Trẻ tự kỷ - Hiểu và yêu thương”, mục đích của nhóm trước mắt là đưa kiến thức về tự kỷ đến với mọi người. Để từ đó, mọi người hiểu-chấp nhận-tôn trọng-yêu thương đối với những số phận không may mắn này. Ước nguyện của 6 thành viên sáng lập đã thành hiện thực khi nhiều bạn trẻ chia sẻ đã khóc sau khi xem clip trải nghiệm cảm giác của một người tự kỷ.

Không chỉ tổ chức giao lưu, trao đổi với các nhóm bạn trẻ trên địa bàn thành phố, nhóm còn mời các chuyên gia tư vấn tâm lý là giảng viên đại học, bác sĩ tâm lý để các buổi trò chuyện trở nên sinh động, thiết thực, hấp dẫn hơn.

Bạn Trần Nguyễn Yến Nhi (SN 1992, quận Hải Châu), cho hay: “Công tác tổ chức và hoạt động của nhóm rất bài bản, thông tin các bạn đưa ra dễ hiểu, không giáo điều, dễ nhớ, dễ chia sẻ cho người khác. Không khí sinh hoạt thì thân thiện nên tạo cho người tham gia sự thoải mái khi tiếp nhận thông tin. Đặc biệt, các bạn mời thêm khách mời nên buổi chia sẻ có nhiều thông tin phong phú”.

Hiện tại, các tài liệu về tự kỷ bằng tiếng Việt khá ít trong khi mỗi trẻ tự kỷ lại cần một cách tiếp cận, can thiệp, trị liệu khác nhau. Đây là một trong những vấn đề mà nhóm rất mong muốn được cải thiện trong thời gian tới bởi chính cha mẹ, người thân của trẻ tự kỷ là người hiểu về trẻ và có nhiều thời gian để quan sát đánh giá trẻ nhất nên việc cung cấp các tài liệu cần thiết về tự kỷ cho họ rất quan trọng.

“Chúng mình vô cùng hạnh phúc khi ngày càng có nhiều bạn ngỏ lời tham gia dự án hoặc góp phần vào thực hiện các hoạt động vì trẻ tự kỷ, xóa mờ khoảng cách giữa người tự kỷ với xã hội. Có lẽ sau những buổi chia sẻ, các bạn đã hiểu đúng về tự kỷ và cảm nhận được những khó khăn mà trẻ tự kỷ và gia đình trẻ đang phải đối mặt” – Hạnh Duyên bộc bạch.

BÌNH AN

;
.
.
.
.
.