Đà Nẵng cuối tuần

Ngậm ngùi thương nhớ

16:57, 24/01/2016 (GMT+7)

Cửa hàng cho thuê truyện tranh, truyện thiếu nhi một thời là nơi “cắm rễ” của học trò sau giờ tan học đang dần vắng bóng, dù mới mươi năm trước nó gắn bó với bao thế hệ học trò. Nhớ đến những ngày mình cũng là con “mọt sách” mà không khỏi thương nhớ những ngày đọc truyện thuê.

Những quầy cho thuê truyện dần thưa vắng bóng áo trắng học trò. Ảnh: Q.T
Những quầy cho thuê truyện dần thưa vắng bóng áo trắng học trò. Ảnh: Q.T

Đô-rê-mon, Nữ hoàng Ai Cập, Bảy viên ngọc rồng, Con nhà giàu, Thám tử lừng danh Conan… là những bộ truyện tranh Nhật Bản quen thuộc được giới trẻ Việt một thời yêu mến. Còn nhớ, vào đầu những năm 2000, sau giờ học là những cô cậu học trò lũ lượt bước vào quầy thuê truyện, khi thì đọc sách tại chỗ, khi mượn về nhà.

Hồi đó, việc sở hữu một quyển sách không phải là điều dễ dàng,  chỉ những con “mọt truyện” hoặc những bạn gia đình khá giả mới đủ điều kiện mua, còn lại đa phần đều đi thuê ở tiệm. Nhu cầu đọc cao khiến cho thuê truyện tranh là một trong những dịch vụ phát triển khá rầm rộ.

Một quầy cho thuê truyện tập hợp có khi đến hàng trăm bộ truyện. Thậm chí, những bộ truyện “hot” như Nữ hoàng Ai Cập, mỗi tập mới ra, các chủ quầy phải mua đến hai, ba chục tập mới đủ để cho thuê. Giá mỗi lần thuê chỉ 500 đồng/cuốn cho truyện tranh và 1.000 đồng cho sách báo, tạp chí. Người thuê được giữ truyện trong vòng 1 ngày. Nếu để lâu hơn thì phải nộp phạt gấp đôi số tiền thuê.

Hầu như, các cửa hàng cho thuê truyện đều đặt gần trường học, chợ, những nơi khu vực dân cư đông đúc. Hình ảnh hết giờ tan học, học sinh tụm năm tụm ba vào quầy thuê truyện có lẽ đã quá quen thuộc với học trò thời đó. Thậm chí, các bạn còn truyền tai nhau những ngày truyện hot ra tập mới để tranh thủ đến “xí” chỗ mượn trước.  

Những ai từng là học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, THPT Hoàng Hoa Thám chắc sẽ còn nhớ cửa hàng cho thuê truyện bà Trường (nằm trên đường Nguyễn Duy Hiệu, nay đã đóng cửa). Cửa hàng bà chỉ vài mét vuông nhưng cơ man sách là sách, từ truyện tranh tới truyện kiếm hiệp, truyện tình cảm học trò, truyện trinh thám, tiểu thuyết…

Để được thuê truyện về nhà, học sinh phải giới thiệu cho bà tên phụ huynh, làm nghề gì, nhà cửa ở đâu… Trong cuốn sổ mượn của bà, chằng chịt những tên của người mượn gắn với tên phụ huynh.

“Hồi đó quanh khu vực này chỉ có quầy thuê truyện bà Trường nên rất đông khách. Mỗi ngày truyện mới ra, mình phải xếp hàng chờ đợi như người ta chờ mua Iphone bây giờ. Hồi đó đâu có thú vui nào ngoài đọc truyện đâu. Mỗi bữa lên lớp chỉ khoe nhau “bạn đọc tập này chưa, tập kia chưa?”. Mình mà là người đọc tập mới đầu tiên là vui suốt buổi.

Bây giờ hiện đại quá rồi, thích đọc gì cứ mở điện thoại ra đọc nhưng thỉnh thoảng nhớ lại ngày tháng mong ngóng, xếp hàng chờ đợi để được thuê truyện rồi nóng mặt nộp phạt khi “ủ” truyện ở nhà quá lâu lại thấy bồi hồi”, chị Quỳnh Mai (26 tuổi, đường Phạm Cự Lượng, quận Sơn Trà), chia sẻ.

Tự nhận mình từng là “truyện thủ”, anh Phạm Minh Hải (31 tuổi, đường Lê Lai, quận Hải Châu), tâm sự: Đa phần truyện ngày xưa là truyện anh hùng, tiêu diệt hết quái nhân này đến quái nhân khác, mỗi phần đều xuất hiện 1 loại quái nhân khác nhau nên không nhàm chán, loại truyện này có doanh số xuất bản cao nhất. Hồi đó, cao điểm có khi mình đọc truyện nguyên ngày nghỉ học.

Khác với thế hệ trước, đối với các bạn trẻ ngày nay, việc đi thuê truyện về xem không còn là niềm vui. Thay vì phải mất công ra hàng thuê rồi đặt cọc, lo giữ sách, nhớ ngày trả, chỉ cần một cú nhấp chuột là hằng hà sa số truyện hiện ra, các bạn có thể đọc thoải mái trên điện thoại, máy tính. Các cửa hàng cho thuê truyện cũng vì ế ẩm mà đóng cửa dần. Giờ muốn tìm một quầy cho thuê truyện để “bay” về thế giới tuổi thơ cũng khó.

Dạo qua một hàng thuê truyện có tiếng bên phố ngày ấy ở đường Nguyễn Chí Thanh mới hay, tiệm này đã dẹp cách đây 6 năm để mở cửa hàng thêu tranh chữ thập. Cô Xuân, chủ cửa hàng, chia sẻ: “Ngày trước cô mở cửa hiệu thuê truyện để kiếm thêm thu nhập, ai ngờ gắn bó luôn, thấm thoắt cũng đã gần hai chục năm.

Cái nghề cho thuê truyện này người ngoài nhìn vào cứ nghĩ kiếm tiền mọn 500 đồng, 1.000 đồng, thế nhưng những năm thú vui này thịnh, một ngày cho thuê truyện có khi tôi lời đến 300.000-400.000 đồng”.

Nhớ lại những ngày đầu mở cửa hàng, cô kể: “Lúc mới mở thì đông lắm, có hôm khách đến thuê phải xếp hàng. Quyển sổ dày để ghi truyện tôi thay liên tục. Sau này, mỗi ngày chỉ lác đác vài ba người đến thuê. Phần cũng vì truyện mới giờ đăng tải tràn lan trên mạng. Bọn trẻ bây giờ cũng có nhiều thú vui khác nên cũng chẳng còn thiết tha với sách truyện. Thấy ế ẩm quá cũng buồn nên tôi thanh lý lại hết rồi chuyển hướng kinh doanh”.

Sự vắng dần, thậm chí sau này sẽ biến mất của những cửa hàng cho thuê truyện là quy luật tất yếu của cuộc sống. Vẫn biết không thể nào tránh khỏi nhưng vẫn ngậm ngùi vì một thú vui dễ thương của thế hệ 8X, 9X giờ chỉ còn là kỷ niệm.

QUỲNH TRANG

.