Đà Nẵng cuối tuần
Sức hút truyền thuyết
Quảng Nam có núi Ngũ Hành/ Có sông chợ Củi/ có thành Đồng Dương. Từ xa xưa Ngũ Hành Sơn đã nức tiếng xa gần với năm ngọn núi đầy huyền thoại.
Đứng trên Vọng Giang đài có thể nhìn ngắm cả một vùng phía nam Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L |
1. Chuyện kể rằng, xưa thật xưa có một ngư ông sống đơn độc bên một bờ biển. Ngày nọ, một con giao long rất lớn đến đẻ trứng giữa bờ cát. Bỗng đâu một con rùa vàng hiện ra, đào cát vùi quả trứng xuống, rồi rứt một móng chân của mình giao cho ông lão và dạy ông cách trông coi trứng rồng.
Nhờ đó, ngư ông đã bảo vệ được trứng rồng trước mọi cuộc tấn công của các loài thú dữ. Trứng ngày một lớn dần rồi nở ra một nàng tiên xinh đẹp. Vỏ trứng tách thành năm mảnh và biến thành năm ngọn núi, nằm rải rác giữa vùng đất một bên sông một bên biển.
Tên gọi núi Non Nước ra đời từ đó và đi vào câu ca xưa: Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Sấm rền Non Nước trời đà chuyển mưa. Mãi đến năm 1806, tên gọi Ngũ Hành Sơn (thay cho Non Nước) lần đầu xuất hiện trong sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định: “Phía đông bến đò xã Hoàn Ký Đông có núi Ngũ Hành Sơn, năm tòa núi chia làm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ gọi là núi Non Nước”.
Nhưng cũng phải đợi đến năm Minh Mạng thứ mười tám (1837), theo sách Đại Nam dư địa chí ước biên, nhà vua mới chính thức ghi tên Ngũ Hành Sơn vào bản đồ địa chính của Đại Nam (quốc hiệu nước ta thời Minh Mạng) bằng một sắc chỉ.
Và, 160 năm, ngày 23-1-1997, Ngũ Hành Sơn trở thành tên gọi một đơn vị hành chính cấp quận trực thuộc thành phố Đà Nẵng theo Nghị định số 07/1997/NĐ-CP của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường Bắc Mỹ An của khu vực III, thành phố Đà Nẵng trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ và hai xã Hòa Quý, Hòa Hải (thuộc huyện Hòa Vang cũ).
Vậy là, từ tên gọi ban đầu chỉ 5 ngọn núi đá vôi chiếm diện tích khoảng 2km2 (200ha) Ngũ Hành Sơn giờ đã là một vùng đất rộng trên 36,8km2 (3.680ha) nằm phía đông nam Đà Nẵng.
2. Truyền thuyết Ngũ Hành Sơn khắc họa một bên Non và một bên Nước. Núi không cao mà thiêng, sông không dài mà đẹp, bờ biển sóng sánh cát trắng thu hút du khách đến tham quan, tắm biển...
Núi thiêng, bởi lẽ từ thế kỷ XVI - XVII, các nhà sư lẫn các khách thương hồ người Trung Hoa, Nhật Bản đã đến nơi này cúng dường xây chùa, dựng tháp, lập đạo tràng,... Tất cả xem Ngũ Hành Sơn như một vùng đất Phật, nơi ẩn chứa nhiều điều thiêng liêng, kỳ bí.
Sông đẹp, có tên là Lộ Cảnh giang (sông Cổ Cò). Theo sách Đại Nam nhất thống chí, sông này từ xã Thanh Châu chảy ra phía Bắc, đến phía Tây núi Tam Thai (nay là núi Ngũ Hành Sơn) thì nhập với sông Cẩm Lệ. Giờ đứng trên Vọng Giang đài ở ngọn Thủy Sơn có thể nhìn ngắm bức tranh giao hòa giữa sông nước, làng mạc, đô thị của cả một vùng phía nam Đà Nẵng.
Biển xanh cát trắng, dọc theo đó giờ đây là các khu resort, nghỉ dưỡng cao cấp. Những công trình mới mọc lên đã đưa một số tên đất, tên làng xưa vào trong ký ức của lớp người đi trước như Nghệ nhân ưu tú Lê Bền, người cao niên nhất của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước hiện nay.
Bến Trùm Tráng, bến Ông Đây một thời là nơi thuyền bè vào ra giữa vùng tự do và vùng bị chiếm để lưu chuyển hàng hóa, di dân tránh giặc, chuyên chở vũ khí đạn dược phục vụ các chiến dịch, các lực lượng vũ trang cách mạng...
Nằm trên tuyến đường giao thông chính nối phố trẻ Đà Nẵng với phố cổ Hội An, quận Ngũ Hành Sơn có vị trí và điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch, nghỉ dưỡng,… Thời gian gần đây có thêm loại hình du lịch tâm linh, thu hút cả khách trong và ngoài nước.
Với năm ngọn Ngũ Hành, những truyền thuyết bàng bạc đâu đó trong các chùa, tháp, hang, động đã mở ra nơi này một không gian cổ tích bí nhiệm, khơi gợi du khách tìm đến và trải nghiệm tâm linh về với cội nguồn Chân, Thiện, Mỹ.
3. Ngay trong ngày đầu năm mới 2016 đã có đến 6.000 lượt khách du lịch đến “xông đất” khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cho hay, trong năm 2015, đơn vị đã đón trên 884.000 lượt khách, trong đó có trên 320.000 lượt khách nước ngoài, tăng 38,2% so cùng kỳ. Với sức hút của một điểm đến “An toàn - Văn minh - Thân thiện” như hiện nay, dự kiến 1 triệu lượt khách đến Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn trong năm 2016 là điều hoàn toàn khả thi.
Ngày 24-12-2015 vừa qua, Ngũ Hành Sơn có thêm một địa chỉ văn hóa mang tầm quốc gia: Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Đà Nẵng đã chính thức khai trương tại khuôn viên chùa Quán Thế Âm, phía Tây quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Với khoảng 200 hiện vật quý hiếm, có giá trị lớn về văn hóa nói chung và văn hóa Phật giáo nói riêng, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam này sẽ góp thêm một nét cọ kỳ bí vào bức tranh sơn kỳ thủy tú của vùng đất Ngũ Hành Sơn nhiều huyền tích.
Tương truyền ở ngọn Hỏa Sơn trước đây có một tấm bia đá khắc dòng chữ Hán được cho là rập theo ngự bút của vua Lê Thánh Tông: “Nhất thiên niên tiền nhất hải đạo/ Nhất thiên niên hậu nhất danh sơn”. Một nghìn năm trước (nơi đây) là một đường biển. Một nghìn năm sau (nơi đây) là một ngọn núi nổi danh.
Tấm bia cổ trên nửa nghìn năm ấy cùng với một số hiện vật khác nay đã không còn. Thế nhưng, những truyền thuyết khai sinh từ đó sẽ mãi tồn tại trong kho báu phi vật thể như một vẻ đẹp tiềm ẩn níu chân du khách đến với vùng đất Ngũ Hành Sơn nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung.
Nhiều nhà đầu tư đã đến xây dựng các khu resort, nghỉ dưỡng cao cấp dọc tuyến ven biển ở Ngũ Hành Sơn. Theo ông Nguyễn Thành Linh, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận, trong năm 2015 trên địa bàn Ngũ Hành Sơn có 28 dự án ven biển được triển khai trên diện tích hơn 392ha, trong đó có 7 dự án đã đưa vào sử dụng, 5 dự án một phần đang thi công, một phần đã đưa vào sử dụng, 4 dự án đang thi công, 11 dự án chưa thi công, 1 dự án dừng thi công. Khu du lịch biển của Công ty TNHH Dubai Asia Pacific Group là công trình lớn nhất với 39ha nhưng chưa thi công. Xếp sau đó là Khu nhà nghỉ và biệt thự cao cấp của Công ty TNHH TM Hà Nội (Công ty TNHH Khách sạn và biệt thự Nam Phát) đang thi công với diện tích 38,49ha. |
VĂN THÀNH LÊ