Anh đã phát hiện ra em
Rất chậm và rất muộn
Bao đồng cỏ anh qua
Những sắc hoa bên đường quyến rũ...”
Mấy câu thơ của Thanh Quế viết cho ai đó đã trên dưới 30 năm, chợt ngân vang như nhà thơ vừa viết cho tôi ngày hôm nay.
Vâng, tôi đã phát hiện ra em, sau gần hai tháng miệt mài tìm kiếm.
Tôi đã tìm em nơi bãi biển đông người. Tôi đã tìm em nơi ven đường cát bụi.
Tôi đã dán ảnh yết thị nhờ bạn bè tìm em trên FB. Tôi đã gọi điện nhờ người quen, đồng nghiệp kiếm em.
Em vẫn bặt tăm, tưởng chừng vô vọng. Vậy mà bất ngờ em xuất hiện, một ngày chẳng hề đẹp trời bên bờ hồ Đồng Nghệ quê tôi.
E ấp, dịu dàng, dù tên em nghe dữ dằn nanh vuốt. Vâng, tôi đã phát hiện ra em… Bìm ba răng.
Bìm ba răng - Xenostegia tridentata tại bờ hồ Đồng Nghệ. Ảnh: P.C.T |
Đó là những cảm xúc dâng trào được chúng tôi chia sẻ trên FB caythuocdanangcity vào ngày cuối cùng của năm 2015, trong đợt đầu tiên đi điều tra cây thuốc theo đề tài nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp thành phố năm 2015: “Đánh giá thực trạng cây thuốc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển”.
Cách đây gần hai tháng, vào ngày 10-11-2015, tôi có dự Hội nghị thừa kế, nghiên cứu khoa học chuyên đề thuốc Nam tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Định. Một báo cáo thu hút sự chú ý của tôi, đó là báo cáo của Bác sĩ Lê Phước Nin, Giám đốc Bệnh viện YHCT Bình Định về một trường hợp ứng dụng kinh nghiệm dân gian ở Bình Định dùng cây “Phong dời” giã đắp nhiều lần trong ngày chữa bệnh Zona (còn gọi giời leo, một bệnh viêm da nổi mụn nước cấp tính, do virus Varicella zorter gây ra) cho kết quả rất ngoạn mục.
Cây “Phong giời” này đã được bác sĩ Nin thu thập và gửi mẫu nhờ Tiến sĩ Võ Văn Chi định danh. Kết quả cho biết đó chính là Bìm ba răng, còn gọi Dây lưỡi đòng, tên khoa học Xenostegia tridentata (L.) D.F. Austin et Staples, thuộc họ Bìm bìm -Convolvulaceae.
Về cây Bìm ba răng, trong Từ điển cây thuốc Việt Nam xuất bản lần đầu (1997), TS.Võ Văn Chi đã giới thiệu bìm ba răng là cây leo thuộc thảo, không quấn. Thân mịn, không lông. Lá hẹp, gốc hình tim và có 2 tai ở hai bên, mỗi tai có 3 răng. Cụm hoa gồm 1-2 hoa. Hoa màu vàng sữa, với trung tâm đỏ; lá đài bằng nhau; nhị đính gần gốc. Quả nang cao 7mm. Hạt không có lông. Ra hoa quanh năm.
Là loài liên nhiệt đới, gặp thông thường ở nhiều nơi vùng đồng bằng ở sân cỏ, trên cát từ vùng thấp đến độ cao 500m.
Bìm ba răng có vị đắng, se, có tác dụng tăng trương lực và nhuận tràng.
Về tính năng tác dụng, tài liệu lúc đó mới cho biết ở Ấn Độ, cây và rễ sắc uống dùng chữa thấp khớp, liệt nửa người, trĩ, sưng phù và các rối loạn đường tiết niệu. Ở Campuchia, nhân dân một số nơi sử dụng toàn cây để chế một loại thuốc dùng trị đau mình mẩy.
Ở nước ta, nhân dân An Giang sử dụng Bìm ba răng phối hợp với các vị thuốc khác dùng chữa sốt rét và chữa ban xuất huyết: Bìm ba răng, Dây chân chó, Cây keo ta, Cây đậu ma, Cành lá me nước, Gừng sống. Thường sơn (lá to, hoa nâu) liều lượng bằng nhau, sắc nước uống trường phục. Khi dùng, kỵ ăn măng tre.
Cũng có mặt trong Hội nghị khoa học tại Bình Định, TS. Võ Văn Chi đã cung cấp thêm cho chúng tôi một số tài liệu về Bìm ba răng được sử dụng rộng rãi trong YHCT ở châu Phi và châu Á; trong đó đa phần địa phương ở châu Phi có dùng nước ngâm lá cây để uống chống nọc độc rắn.
Ở Togo và Benin, Bìm ba răng tham gia trong thành phần nước sắc một hỗn hợp cây thuốc uống chống nhiễm khuẩn Candida ở miệng, ống tiêu hóa và hậu môn. Nước hãm phần cây trên mặt đất phối hợp với Tía tô dại dùng súc miệng để điều trị viêm loét miệng và các aptơ.
Ở phía Bắc Nigeria, nước sắc toàn cây được dùng trị bệnh lậu. Ở Tanzania, trẻ nhỏ được tắm trong nước hãm cây để phòng trị sốt rét. Ở Zimbabwe, thuốc mỡ chế từ lá cây dùng đắp trị viêm cuống rốn. Ở Senegal và Bờ Biển Ngà, nước sắc toàn cây hoặc dịch rễ cây dùng làm thuốc tra mắt chữa viêm kết mạc.
Ở Ấn Độ, Bìm ba răng là một trong các nguồn dược liệu trong y học dân gian có tính chất làm săn da, kích dục, nhuận tràng… Ở miền nam Ấn Độ, dịch chiết lá cây với mật ong dùng uống trị ho. Ở Ấn Độ và Philippines, nước sắc rễ dùng để súc miệng trong trường hợp đau răng; hạt rang lên làm thuốc lợi tiểu, chống tiết mật và trị giun. Ở Malaysia, lá được đắp lên đầu khi bị sốt.
Từ những kinh nghiệm được y văn thế giới ghi nhận trên đây, có thể thấy kinh nghiệm dùng Bìm ba răng trị các chứng bệnh zona, lác, sưng lở của nhân dân ở Bình Định là hoàn toàn có cơ sở, cần tiếp tục nghiên cứu ứng dụng, phát huy tính năng kháng viêm, kháng khuẩn của cây thuốc này.
PHAN CÔNG TUẤN