Đà Nẵng cuối tuần
Bào mòn sức khỏe
Các nhà khoa học gọi nhựa là “món quà cuối cùng cho sự sáng tạo và khéo léo của con người”, góp phần đáp ứng cơ bản nhu cầu của con người. Trong hơn 40 loại nhựa thì ni-lông (ở đây nói đến túi/bao ni-lông) với giá rẻ, nhẹ, mỏng, lại tiện dụng nên được ưa dùng nhất trong các loại vật dụng như hộp nhựa, hộp giấy, làn nhựa... Từ thành phố cho đến các vùng quê, túi ni-lông được sử dụng ở mọi nơi, mọi lúc; đặc biệt từ lâu nó thay thế luôn vị trí của chiếc cà mèn để làm túi đựng thức ăn đã được nấu chín, trong khi nó độc hại đến đâu, người tiêu dùng ít quan tâm, để ý.
Hiện nay quán ăn nào cũng gói thức ăn nóng cho khách đem về bằng túi ni-lông. Ảnh: H.N |
Ở Việt Nam, túi ni-lông chủ yếu làm bằng nhựa PE hoặc nhựa PP có nguồn gốc từ dầu mỏ. Thành phần các loại nhựa này không chứa độc nhưng các chất phụ gia làm mềm dẻo lại gây độc cho con người.
Trong khi đó, hầu hết các loại túi ni-lông dùng đựng thực phẩm hiện nay đều là loại mềm, sản xuất ở đâu, thành phần hóa chất và quy trình sản xuất như thế nào, không hề có thông tin chỉ dẫn.
Các nhà khoa học khuyến cáo, việc đựng thức ăn nóng trong túi ni-lông sẽ đẩy nhanh quá trình thôi nhiễm các chất độc từ ni-lông vào thức ăn. Việc lạm dụng túi ni-lông của người tiêu dùng dẫn đến quá trình tích tụ các chất độc vào cơ thể ngày càng nhiều dẫn tới nguy cơ suy giảm sức khỏe mà không ai có thể đoán trước được.
Theo các tài liệu mà PGS,TS Đoàn Thị Thu Loan, khoa Hóa, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cung cấp, trong quá trình khuếch tán, các hợp chất trong nhựa (ni-lông) khi tiếp xúc với nhiệt độ cao trong quá trình chế biến hoặc khi lưu trữ thức ăn, việc chuyển giao các hợp chất hóa học từ nhựa vào thực phẩm tiềm ẩn những tác động tiêu cực vào con người.
Theo quy trình, khi sản xuất ni-lông, các chất dẻo được thêm vào thành phần nhựa để vật liệu mềm và dễ sử dụng hơn. Đó là các chất ổn định làm phụ gia cho màng PVC unplasticized để hạn chế hư hỏng ở nhiệt độ cao. Chất ổn định thường gặp bao gồm chì, cadmium, bari, canxi hoặc kẽm với epoxit và muối thiếc. Hầu hết đây là các chất độc hại và không thể được kết hợp vào bao bì thực phẩm.
Trên một số tài liệu, kỹ sư Vũ Tân Cảnh, nguyên cán bộ thuộc Phân viện Khoáng sản môi trường và Polymer, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, cho rằng nguồn nhựa chính để sản xuất túi ni-lông dùng để đi chợ hiện nay chủ yếu là nhựa phế phẩm, tức nhựa tái chế.
Nó chiếm khoảng 80%, còn lại 20% là nhựa chính phẩm. Nhựa tái chế là nhựa đã qua sử dụng, thậm chí được nấu đi nấu lại nhiều lần. Nhựa đó có thể là đồ y tế, đồ dùng gia đình như dép, chậu, thùng... sau khi thu mua về được đập bụi, phân loại, băm nhỏ, rửa qua nước, tiếp tục xay nhỏ, tạo hạt và trộn với nhựa chính phẩm cũng như nhiều loại hóa chất làm dẻo, không tạo bọt, làm trong khác...
Chính quy trình này đã thể hiện được chất lượng của túi ni-lông tốt hay không đến sức khỏe người sử dụng.
Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 46/2007/QĐ-BYT về “Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm” với đồ bao gói, chứa thức ăn, tất cả sản phẩm bao gói, chứa đựng thực phẩm đều phải công bố tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm về mức độ thôi nhiễm chất độc hại ra thực phẩm.
Nhưng hầu như các loại bao gói, hộp nhựa đang bày bán và sử dụng phổ biến để đựng thức ăn hiện nay chưa được công bố chất lượng, chưa rõ thành phần nguyên liệu, mức độ thôi nhiễm... để người tiêu dùng biết và phòng tránh. Nên mọi chuyện có vẻ như “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” hay nhắm mắt làm ngơ của người tiêu dùng, dù biết (có thể) ni-lông độc hại đó, nhưng “ai cũng dùng, chẳng lẽ mình không (?!)”…
"Quá trình thôi nhiễm chất độc từ túi ni-lông diễn ra mạnh hơn khi chịu tác động lớn của nhiệt. Khi đựng thực phẩm nóng như sữa đậu nóng, nước ngô, nước canh, cơm ở 78-80oC, các chất phụ gia làm mềm, dẻo, dai túi ni-lông, gây phản ứng phụ và dễ dàng thôi nhiễm chất độc vào thức ăn. Một trong những chất đó là chất DOP (dioctin phatalat) giống như hormon nữ, vì thế rất có hại cho nam giới và trẻ em khi cơ quan sinh dục chưa hoàn chỉnh. Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em nữ có nguy cơ dậy thì quá sớm." PGS,TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội |
HOÀNG NHUNG