Đã từ lâu, nhiều người quá quen thuộc với bài hát trữ tình Gửi em ở cuối sông Hồng. Nhất là qua giọng ca của NSND Thanh Hoa với chất giọng trong trẻo, ngọt ngào, trái tim của mỗi người, các bạn trẻ đang yêu như thắt lại, bởi những lời lẽ hết sức thiết tha, dịu dàng và càng nhận diện rõ hơn mối tình thủy chung, son sắt của người lính phải vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ nơi biên cương để ngày đêm chắc tay súng canh giữ từng tấc đất thân yêu của Tổ quốc với cô gái chân chất đồng quê, nết na hiền hậu ở tận cuối sông Hồng.
Họ sống xa cách nhau, cồn cào, da diết nỗi nhớ nhung và tràn đầy sự cảm thông, chia sẻ cho nhau càng minh chứng ở thế gian này chỉ có tình người, tình yêu mới là thứ cao đẹp nhất. Xin cảm ơn Dương Soái, tác giả bài thơ Gửi em ở cuối sông Hồng cũng như cố nhạc sĩ nổi tiếng tài hoa Thuận Yến đã có công phổ thơ để ban tặng cho cuộc sống một bản nhạc hay đến nao lòng!
Có lần mở máy, những lời hát quen thuộc: “Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt…”, bất chợt tôi hơi ngờ ngợ điều gì đó, bởi tôi nghĩ, con sông Hồng cuộn đỏ phù sa bắt nguồn từ dãy núi cao Ngụy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và uốn lượn vào nước ta. Cái tên gọi “sông Hồng” quen thuộc chỉ được ra đời khi dòng nước tuôn chảy vào lãnh thổ Việt Nam chứ khi dòng nước đang còn ở phía bên kia biên giới thì nó có tên sông Nguyên Giang chứ làm sao có sông Hồng trước đó mà chảy vào?
Ôm mãi thắc mắc này cho đến một buổi chiều hè năm 2004, tôi cùng với mấy người bạn ngồi tại nhà hàng Đảo Xanh, gần cầu Trần Thị Lý, Đà Nẵng, nhìn sang bàn bên cạnh, bất ngờ thấy nhạc sĩ Thuận Yến và nhà thơ Phạm Tiến Duật ngồi với một số văn nghệ sĩ thành phố.
Tôi mạnh dạn bưng ly qua mời, mặc dù nhạc sĩ và nhà thơ chưa hề biết tôi. Uống cạn ly, tôi nhờ nhạc sĩ giải thích ý nghĩa của “con sông Hồng chảy vào đất Việt”.
Ông nhìn tôi với ánh mắt rất lạ lẫm và khi biết tôi làm nghề viết lách, lại đồng hương Duy Xuyên, Quảng Nam, ông kéo tôi ngồi xuống rồi hỏi: “Cậu chưa hiểu hết ý câu này phải không?”. “Dạ thưa chú, chưa!”. “Thế này nhé! Mình thấy bài thơ của Dương Soái rất hay nhưng hơi dài và để thích hợp với âm nhạc, mình đã lựa chọn, chỉnh sửa một số lời thơ nhằm làm cho ca từ thêm mượt mà, đằm thắm.
Riêng đoạn “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” là nguyên từ của Dương Soái, mình không có sửa, bởi tác giả bài thơ không thể dùng từ “nơi sông Nguyên Giang chảy vào đất Việt” được mà ai chẳng biết có sông Hồng thì phải có cội nguồn của sông. Cách dùng từ của Dương Soái đã có sự ẩn chứa điều ấy rồi. Tuy hai con sông ở hai quốc gia khác nhau nhưng đều chung một dòng nước và chủ đề của bài thơ là người lính và sông Hồng thì không có dòng sông nào khác ở đây.
Hơn nữa, Dương Soái muốn khẳng định điểm khởi đầu tiền tiêu là máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc đang có những người lính luôn sẵn sàng vượt qua mọi thách thức, chấp nhận hy sinh để giữ vững đường biên ải của đất nước chúng ta…”.
Nhạc sĩ Thuận Yến còn kể rằng: những lời thơ mộc mạc, trữ tình của Dương Soái bật lên khi ông đang là phóng viên Đài Phát thanh tỉnh Hoàng Liên Sơn ra vùng biên để chuyển tải thông tin chiến tranh biên giới phía Bắc vào tháng 2-1979. Lúc ấy có nhiều chiến sĩ bị thương phải được cõng cáng về tuyến sau. Biết có nhà báo, các chiến sĩ quân đội tranh thủ viết thư gửi về cho người thân. Xem qua bì các bức thư, Dương Soái thấy người nhận của họ đều ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, chủ yếu tỉnh Thái Bình, nơi sông Hồng tuôn ra biển cả.
Nỗi tràn trề xúc động ấy đã giúp Dương Soái bật lên những lời thơ. Năm 1980, nhạc sĩ Thuận Yến đọc bài thơ này đăng trên Báo Văn nghệ chứ chưa hề quen biết tác giả, liền phổ nhạc và lần đầu tiên phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã có nhiều thính giả yêu cầu phát lại trong các chương trình ca nhạc.
Có điều này chắc không nhiều người biết: thật ra, câu thơ đầu tiên, Dương Soái viết: “Anh ở Lào Cai, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Theo nhạc sĩ Thuận Yến, đất nước ta có tuyến biên giới xuyên theo chiều dài hình chữ S và ở đâu cũng có sự hiện diện của người lính biên phòng bảo vệ từng tấc đất thân yêu chứ không riêng gì phía Bắc. Để nâng tầm cho ca khúc bay lên cao hơn, thơ - nhạc hòa quyện và lan tỏa khắp dải biên cương từ địa đầu Lũng Cú cho tới cực mũi Cà Mau, ông đã sửa lại: “Anh ở biên cương…”.
Qua cuộc gặp tình cờ, ngắn ngủi với nhạc sĩ Thuận Yến, tôi càng hiểu hơn thơ và âm nhạc là mối lương duyên, có những ngôn từ và lý lẽ rất riêng, chứa đựng những hàm lượng thông tin đa dạng và vô cùng phong phú, không thể nói hết bằng lời.
THÁI MỸ