Đà Nẵng cuối tuần

Trước cánh cửa hội nhập

07:44, 28/02/2016 (GMT+7)

LTS: Với  sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015, Việt Nam cùng với các nước trong khu vực sẽ chia sẻ nguồn nhân lực lao động trong những năm đến. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức cho nguồn nhân lực khi Việt Nam chiếm 1/6 tổng lực lượng lao động của khu vực.

Các chuyên gia đưa ra những tiêu chuẩn như người lao động cần giỏi ngoại ngữ, có kỹ năng nghề thành thạo, có kỹ năng mềm... mới mong tham gia hội nhập thành công. Chào bạn trẻ xin giới thiệu bài viết về vấn đề này và mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc.

Hội trại Khát vọng ASEAN. (Ảnh Trường  ĐH Kinh tế cung cấp)
Hội trại Khát vọng ASEAN. (Ảnh Trường ĐH Kinh tế cung cấp)

Muốn thành công trong việc cạnh tranh cơ hội việc làm với người lao động từ các nước trong khu vực tại sân nhà cũng như ở nước ngoài, người Việt trẻ ngoài kiến thức chuyên môn còn cần tích lũy những kỹ năng nào?

Công dân của gia đình ASEAN

Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 40 năm thành lập Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, Hội trại Khát vọng ASEAN là cơ hội để SV tích lũy sự hiểu biết về nền văn hóa của các nước trong khối. Mỗi liên chi đoàn sẽ đại diện cho một quốc gia thuộc khối ASEAN+ nên các trại sinh sẽ phải tìm hiểu kỹ kiến thức nền về văn hóa các nước để thể hiện thông qua cách trang trí lều trại, thiết kế linh vật, sử dụng trang phục, cách chào hỏi, đi đứng… làm sao để khách nhìn qua là có thể cảm nhận được nét đặc trưng của đất nước mà mình đại diện.

Khát vọng ASEAN còn có nhiều hoạt động lý thú như trò chơi dân gian các nước, nhảy dân vũ, trang phục dân tộc, biểu diễn nghệ thuật. “Hành trình thắp sáng ngọn lửa ASEAN” trở thành điểm nhấn với sự tham gia rước đuốc của các đơn vị tham dự trại, thể hiện tinh thần hữu nghị hợp tác và khát vọng thịnh vượng của các nước trong khu vực.

Để tham gia không gian ẩm thực ASEAN, du khách còn được phát “hộ chiếu” miễn phí, được nhân viên hải quan đóng dấu mỗi khi đến thưởng thức ẩm thực tại mỗi quốc gia.

Anh Hà Phước Vũ - Bí thư Đoàn Thanh niên, Trường ĐH Kinh tế cho biết: “Hội trại lần này là bước đệm để các bạn tìm hiểu về văn hóa các nước trong khu vực, mở rộng tầm nhìn và chủ động hội nhập dễ dàng hơn. Tất cả các hoạt động từ trò chơi nhỏ đến trò chơi lớn xâu chuỗi lại thành một hành trình văn hóa đầy màu sắc, giúp các bạn vừa học lại vừa chơi”.

Trước đó, 200 học sinh đến từ 20 trường THPT của Đà Nẵng cũng đã rất hào hứng khi tham gia cuộc thi Tìm hiểu về ASEAN và Cộng đồng ASEAN cho học sinh trung học. Ông Hoàng Xuân Vang, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT cho biết, kể từ năm 2010 khi Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN đến nay, Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ASEAN và Cộng đồng ASEAN nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức của người dân trong nước, thuộc mọi thành phần và lứa tuổi về ASEAN, chủ trương và chính sách của Việt Nam trong hợp tác với ASEAN, sự tham gia tích cực và vai trò của Việt Nam trong ASEAN, hướng tới “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng ASEAN”. Trong công tác tuyên truyền này, các em thiếu niên, học sinh là một trong các đối tượng được quan tâm hàng đầu.

Theo GS,TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng thì thời đại toàn cầu hóa như hiện nay hoặc trong điều kiện người lao động có thể dịch chuyển môi trường làm việc trong khối ASEAN, việc hiểu biết các nền văn hóa đa dạng là rất quan trọng. “Chúng ta có thể tưởng tượng là khi làm việc trong những tập đoàn, công ty đa quốc gia, việc hiểu biết phong tục tập quán, văn hóa của các nước khác nhau sẽ giúp cho mọi người hợp tác hiệu quả trên cơ sở hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng khuyến nghị các cơ sở giáo dục ĐH cần dành một thời lượng nhất định để trang bị kỹ năng cũng như các kiến thức về văn hóa của các nước trong khối.

Để ngoại ngữ không là rào cản

PGS,TS Nguyễn Văn Long - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng đã chia sẻ rất thẳng thắn: “Bức tranh về năng lực ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng của sinh viên tốt nghiệp từ ĐH Đà Nẵng, những con người sẽ nắm giữ tương lai của thành phố này, đất nước này, và cả cộng đồng ASEAN trong tương lai gần, mặc dầu cao hơn mặt bằng chung của cả nước, vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi.

Với ASEAN, tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc, hãy đừng để nó lại là một trở ngại lớn đối với người dân Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng trong việc giao lưu, trao đổi, đi lại, làm việc, học tập, nghiên cứu… giữa các nước trong cộng đồng này”.

Và vài năm trở lại đây, ĐH Đà Nẵng đã có chiến lược trong cải thiện trình độ ngoại ngữ cho SV nhằm đạt chuẩn đầu ra như mong muốn.

Theo một kết quả khảo sát của ĐH Đà Nẵng thì chỉ có khoảng 20 - 30% SV có đầu vào tiếng Anh có thể học ngay chương trình ở bậc ĐH; số còn lại phải học qua lớp dự bị mới có thể theo kịp chương trình. Thế nhưng, với cách phân loại chỉ ở 2 mức như trên, thêm vào đó, mức thời lượng dành cho việc dạy ngoại ngữ hiện nay trong các trường ĐH, CĐ, thì yêu cầu sử dụng thành thạo ngoại ngữ đối với SV là rất khó thực hiện, chưa kể là sĩ số lớp học quá đông, khoảng 50 – 60 SV/lớp học... thì việc nâng cao mặt bằng ngoại ngữ cho SV là rất khó. Chính vì vậy, từ năm 2012, ĐH Đà Nẵng đã triển khai kiểm tra trình độ ngoại ngữ đầu vào của SV để xếp lớp theo đúng năng lực ngoại ngữ.

Ngoại trừ những SV thuộc diện được miễn thi do đã có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, tất cả SV chính quy nhập học vào các trường thành viên đều phải dự kiểm tra tiếng Anh đầu vào theo hình thức thi trắc nghiệm gồm các phần Nghe hiểu, Ngữ pháp thực hành và Đọc hiểu với thang điểm 100.

Các chương trình ngoại ngữ sẽ được thiết kế theo từng cấp độ, phân chia nội dung và thời lượng từ cấp thấp nhất A1 cho đến B1. Trong mỗi cấp độ, còn chia thành các cấp độ nhỏ hơn như trong A2 có A2.1… Các tín chỉ của lớp tiếng Anh dự bị và tiếng Anh tăng cường sẽ nằm ngoài chương trình chính khóa. SV có thể chọn học tại trường hoặc tự học, miễn sao đạt được lộ trình như nhà trường đưa ra để đạt được chuẩn ngoại ngữ đầu ra.

Theo như PGS,TS Nguyễn Văn Long thì trong quá trình dạy - học, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng chủ trương hạn chế sử dụng các phương pháp dạy ngoại ngữ truyền thống như phương pháp ngữ pháp - dịch, chú trọng nhiều vào việc học và rèn luyện thành thạo các cấu trúc ngữ pháp mà tập trung vào phương pháp thực hành giao tiếp, rèn luyện kỹ năng thay vì chỉ nắm vững kiến thức về ngôn ngữ trên sách vở...

Giảng viên trong các hoạt động ở lớp đã tăng cường sử dụng các hoạt động theo nhóm, theo cặp để phát triển khả năng giao tiếp ngoại ngữ của SV.

Trường ĐH Ngoại ngữ đang phối hợp với Đoàn Thanh niên ở các trường thành viên tổ chức định kỳ các buổi tư vấn về việc học tiếng Anh cho SV; tổ chức các câu lạc bộ tiếng Anh, các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh, các kỳ thi hùng biện tiếng Anh… nhằm nâng cao nhận thức của SV về tầm quan trọng của ngoại ngữ và vai trò của ngoại ngữ trong công tác và cuộc sống.

GS,TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng: Một số thách thức lớn đối với chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam sẽ là: 1) Năng lực ngoại ngữ để làm việc trong các công ty quốc tế và đa quốc gia; 2) Kỹ năng nghề nghiệp thành thạo theo tiêu chuẩn quốc tế; 3) Kiến thức toàn diện về khoa học công nghệ, văn hóa, luật pháp… trong môi trường quốc tế; 4) Các kỹ năng mềm như giao tiếp, truyền thông, kỹ luật lao động, kỹ năng sống, sự thích nghi… để đáp ứng với sự thay đổi nhanh của kinh tế--xã hội.

HÀ TRẦN

.