Đà Nẵng cuối tuần

Nghĩ

"Oan Thị Kính" của bác sĩ

13:13, 27/02/2016 (GMT+7)

Cách đây vài tháng, một bệnh viện lớn của Đà Nẵng đã bị kiện kéo dài bởi gia đình bệnh nhân cho rằng đội ngũ y, bác sĩ ở đây vô tâm, lãnh đạm, thờ ơ với sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Bệnh nhân nhập viện do đột quỵ mặc dù tuổi đời rất trẻ. Đến khoa cấp cứu, người bệnh được đưa ngay vào phòng chụp phim để được chẩn đoán, chữa trị. Trong khi đó, bên ngoài, nhân viên y tế làm việc cùng gia đình về giấy tờ và các loại viện phí.

Các bác sĩ đang thực hiện một ca phẫu thuật cho bệnh nhân tại Đà Nẵng. Ảnh: VIỆT DŨNG
Các bác sĩ đang thực hiện một ca phẫu thuật cho bệnh nhân tại Đà Nẵng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Do thời gian gấp rút, người nhà không mang theo tiền để chi trả. Chỉ vài phút sau, người bệnh ra đi và gia đình một mực khẳng định, chỉ vì thiếu tiền mà đội ngũ y, bác sĩ ở đây đã bỏ mặc người bệnh. Dẫu rằng, ngày, giờ trên những phim âm bản được chụp trước đó đều chứng tỏ các bác sĩ đã bắt tay vào cứu chữa ngay khi bệnh nhân được chuyển đến khoa cấp cứu.

Các bác sĩ trong ca trực hôm đó phải nhiều lần giải trình trước Ban Giám đốc bệnh viện, lãnh đạo Sở Y tế và vô vàn cuộc họp báo. Những người chỉ quen với ống nghe, kim tiêm giờ đây phải trả lời phỏng vấn và nín thở chờ xem nhà báo viết gì về mình, cộng đồng mạng “mổ xẻ” mình ra sao trên mạng xã hội.

Đây là một trong những nỗi “oan Thị Kính” liên quan đến tiền và phong bì mà đội ngũ khoác áo blouse đang đối mặt. Bởi, tại bệnh viện công, dù người nhà có trả viện phí hay không thì các bác sĩ cũng không trực tiếp nhận khoản tiền đó. Với số lượng bệnh quá đông, các bác sĩ chỉ đủ thời gian để khám, chữa bệnh, để lo lắng cho tính mạng bệnh nhân – điều liên quan trực tiếp đến công việc, uy tín của bác sĩ chứ không phải tiền viện phí.

Khi cứu người, với họ, là trách nhiệm, là lương tâm, vì lời thề Hippocrates họ đã đọc, và thực tế hơn nữa là vì trách nhiệm, vì uy tín trong nghề của họ.

Bản thân tiền và phong bì không xấu. Thế nhưng, khi vào bệnh viện, nó lại trở thành điều nhạy cảm và nỗi xấu hổ của cả bệnh nhân lẫn bác sĩ. Khi đến bệnh viện, vì lo lắng nên dường như tất cả bệnh nhân đều có tâm lý phải dấm dúi phong bì cho bác sĩ.

Theo họ, nếu không có phong bì thì mũi tiêm vào người sẽ đau hơn, viên thuốc họ uống có chất lượng kém hơn… Họ gửi phong bì và kỳ kèo cho đến khi nào bác sĩ nhận mới yên tâm kèm theo cái chậc lưỡi: “Đúng là bác sĩ, cứ phải có phong bì”.

Trong khi đó, người chọn nghề bác sĩ đồng thời chấp nhận nghiệp phải học hành suốt đời, phải làm việc trong môi trường bệnh tật, lây nhiễm, thậm chí ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe bên trong khi tiếp cận với các tia độc hại. Họ rõ ràng có lòng tự trọng riêng của mình. Họ muốn được thẳng lưng, tự hào nhận lấy phần thu nhập xứng đáng với công sức, trí tuệ mình bỏ ra.

Họ hiểu chiếc phong bì kia có thể bào mòn lòng tự trọng, sự xấu hổ và trách nhiệm với nghề nghiệp mình đã chọn, bào rút niềm tin, sự hy vọng của người bệnh vào tấm áo blouse trắng. Vì lẽ đó, hiện nay, không ít bác sĩ chọn cách dùng dao nhíp để tháo đi 2 chiếc túi trên áo blouse của mình để dễ dàng từ chối phong bì của bệnh nhân.

Có lẽ, điều mà đội ngũ y, bác sĩ mong muốn là bệnh nhân không tiếp tục làm "hư" mình bằng những chiếc phong bì dấm dúi; là sự chia sẻ rằng cứu người là trách nhiệm của bác sĩ chứ không phải vì đồng tiền gửi gắm của bệnh nhân. Nhờ đó, bác sĩ không còn mang nỗi "oan Thị Kính" và được trọn vẹn với lòng tự trọng, sự tôn kính của nghề cứu người.

MAI TRANG

.