.

Bước ngoặt

.

Người vừa ký hợp đồng dẫn dắt đội tuyển bóng đá Việt Nam, huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng (ảnh), từng bày tỏ ý định xây dựng cho được bản sắc trong lối chơi của các đội tuyển quốc gia như một mục tiêu lớn nhất ở “nhiệm kỳ” của mình.

Chấp nhận ngồi vào chiếc ghế nhiều vinh dự nhưng cũng đầy bất trắc, có lẽ đây là tuyên bố khôn ngoan nhất của huấn luyện viên trẻ nhất từ trước đến nay nắm giữ đội tuyển bóng đá quốc gia.

Không hứng thú đề cập các mục tiêu định lượng như vào chung kết SEA Games hay đoạt một danh hiệu cụ thể nào đó trên đấu trường khu vực, chỉ hướng đến cái đích giàu chất định tính là xây dựng lối chơi có bản sắc, ông Thắng có vẻ muốn cơ quan vừa ký hợp đồng với mình - và rộng hơn là công chúng bóng đá cả nước - nghĩ xa hơn về đường dài bóng đá nước nhà thay vì cứ chú mục vào các đích ngắm ngắn hạn.

Bằng tuyên bố ấy, tân huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam muốn tự mình cởi bỏ mọi ràng buộc hữu hình để có thể toàn tâm toàn ý xây dựng bản sắc cho một cơ thể bóng đá từ lâu khô cứng hương vị, mờ nhạt cảm xúc?

Những khán giả tâm huyết với nền bóng đá nước nhà, từ lâu hờ hững với hành trình của các đội tuyển vì chẳng tìm thấy nơi lối đi của họ bóng dáng xúc cảm giờ có thể gật gù với tâm niệm của người thuyền trưởng mới.

Họ tin ông Thắng có đủ dũng khí và lòng tự trọng của một chuyên gia trưởng thành từ đời sống thăng trầm của thao trường, từng trải qua đủ loại oái oăm nghiệt ngã của một nền bóng đá cam chịu nhiều tì vết. Những thành đạt và cả mất mát, tổn thương trong quá khứ có thể hun đúc chuyên gia trẻ này bản lĩnh hứng chịu sức ép, rèn cho ông năng lực chủ động và sáng tạo trong tác nghiệp của người đứng mũi chịu sào.

Trên tất cả, công chúng muốn tìm một minh chứng thuyết phục về hiệu quả của việc sử dụng nội lực sân cỏ sau những chờ đợi mỏi mòn nhưng không được đáp ứng thỏa đáng từ những chuyên gia nước ngoài, rằng nhân tài sân cỏ trong nước không hề thiếu nếu chúng ta biết trân trọng khai thác và sử dụng họ với lòng tự hào, bao dung và kiên nhẫn.

Ông Thắng có thể sẽ tìm thấy trong thất bại của vài người tiền nhiệm các bài học xương máu để tìm ra con đường tốt nhất hướng đến mục tiêu xây dựng bản sắc một đội tuyển Việt Nam vào thời bóng đá bốn phương hòa nhập sòng phẳng.

Ông có quyền đòi hỏi công chúng quan sát, theo dõi hành trình đội tuyển với thái độ và tinh thần độ lượng, không tự ti mặc cảm; có quyền yêu cầu các đồng nghiệp của mình bỏ thói tị hiềm để cùng hợp sức hiến kế vì màu cờ sắc áo Việt Nam.

Trên tất cả, ông cần thiện chí và sự tôn trọng thực chất từ các quan chức điều hành, quản lý VFF để mình có thể hành xử thư thái trong tư thế một thuyền trưởng đầy trách nhiệm và lòng tự trọng nghề nghiệp. Không có sự minh chính từ các nhà điều hành quản lý ấy thì coi chừng rồi ông cũng như bao người tiền nhiệm khác, sẽ rơi vào hố thẳm bế tắc, chán chường, để phải chia tay vì búa rìu dư luận.

Bước ngoặt vừa mở ra với làng bóng Việt Nam khi quyết định tìm về và trông chờ vào nội lực. Một xa lộ mới mẻ thênh thang giàu hứng khởi hay thêm một ngõ tối hiu hắt đang chờ?

ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.