.

Người nghèo đô thị

.

Một số mô hình việc làm giúp cho nhiều người nghèo có thêm thu nhập đang được các phường ở 2 quận Hải Châu và Thanh Khê triển khai trên diện rộng, nhằm tạo thu nhập bền vững cho người nghèo. Có đến 70% số người nghèo ở đô thị (tính cho các quận nằm ở trung tâm thành phố) giai đoạn 2013-2015 (thuộc Đề án giảm nghèo 2013-2017) tiếp tục nằm trong danh sách hộ gia đình nghèo cần được ưu tiên hỗ trợ để xóa nghèo cho giai đoạn giảm nghèo tiếp theo từ đây đến năm 2020. Con số trên khiến những cán bộ giảm nghèo, các hội, đoàn thể của các phường và quận luôn đau đáu. Người nghèo ở nông thôn còn có vườn, có ruộng, còn ở đô thị thì nhìn quanh, người nghèo bắt gặp những vấn đề thiếu bền vững và an toàn, chịu thêm bất lợi đặc thù về chi phí cuộc sống cao ở đô thị.

Thành Đoàn Đà Nẵng trao phương tiện sinh kế cho hộ nghèo quận Hải Châu. (Ảnh do Phòng LĐ-TB&XH quận cung cấp)
Thành Đoàn Đà Nẵng trao phương tiện sinh kế cho hộ nghèo quận Hải Châu. (Ảnh do Phòng LĐ-TB&XH quận cung cấp)

Những mô hình thoát nghèo

Năm 2003, chị Ngô Thị Thanh Thủy, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ 17, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê mượn một lô đất trống trước Công ty CP Dược Danapha để trồng hoa, cây cảnh. Hơn 10 năm qua, dù không phải lúc nào cũng có việc thường xuyên, nhưng chị vẫn cố gắng thuê 8-9 chị em trồng hoa, chăm sóc cây. Lương trả cũng chưa phải là nhiều, chỉ khoảng 1,5-2 triệu đồng/người mỗi tháng. Chuyện tạo việc làm của chị Thủy được chị em, bà con khu vực ghi nhận, vì qua đó, một số chị em nghèo không có việc làm ổn định có thêm một nghề để nâng cao thu nhập.

Ở phường Thanh Khê Tây này, mô hình Tổ giới thiệu việc làm do cô Nguyễn Thị Lê Na, nguyên Chủ tịch Hội LHPN phường nhiệm kỳ trước đảm nhiệm, giới thiệu cho 25 chị có việc làm thường xuyên cũng là điều tự hào của chị em phụ nữ địa phương.

Chị Đỗ Thị Thu Hằng, cán bộ giảm nghèo của phường và các chị trong Hội LHPN như bạn tâm giao, bởi công việc liên quan đến nhau khá nhiều, nhất là những khi ngồi bàn giải pháp tìm việc làm, hỗ trợ người nghèo. Sắp tới đây, phường sẽ tổ chức thêm mô hình Tổ nấu đám tiệc, chủ yếu kêu gọi những chị trong diện hộ nghèo, được hỗ trợ thêm phần đào tạo nấu ăn, để các chị có được một công việc ổn định, thường xuyên, mới nói đến chuyện thoát nghèo bền vững cho gia đình.

Bà Trần Thị Hồng Yến, chuyên viên Phòng LĐ-TB&XH quận Thanh Khê cho biết, trong năm nay, các mô hình giúp tạo việc làm, thoát nghèo bền vững trên sẽ được quận phát triển rộng trên một số phường (phường Hòa Khê có mô hình trồng nấm, phường An Khê có mô hình mây tre, phường Chính Gián có mô hình hộ nghèo tự giúp hộ nghèo).

Ở quận Hải Châu, Phòng Kinh tế quận và Hội LHPN các cấp cũng thường xuyên tổ chức những buổi hướng dẫn định hướng nghề nghiệp cho chị em chưa có việc làm ổn định, là hộ nghèo như tổ giúp việc gia đình theo giờ hoặc dịch vụ nấu ăn.

Nỗi lo về tình trạng nghèo đô thị

Nhìn chung, cuộc sống của đa số người nghèo đô thị tại các quận đã được cải thiện với khoảng 30-35% số hộ nghèo theo các chuẩn cũ không còn nằm trong danh sách hộ nghèo theo chuẩn mới sau khi nâng chuẩn thu nhập, tức là họ đã thoát nghèo bền vững. Nhà cửa khang trang hơn, tài sản đầy đủ hơn, học hành của con cái được quan tâm hơn. Nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo nhờ chuyển đổi sinh kế hiệu quả và đầu tư cho giáo dục của con cái.

Tỷ lệ nghèo đô thị giảm xuống là một tín hiệu vui, là thành công của chính gia đình hộ nghèo và cán bộ phụ trách giảm nghèo địa phương. Tuy nhiên, khi nhìn dưới góc độ nghèo đa chiều, tình trạng nghèo đô thị vẫn còn khá trầm trọng.

Thiếu học vấn và tay nghề, thiếu khả năng chuyển đổi sinh kế, môi trường sống kém tiện nghi, thiếu an toàn và cơ bản là nhiều người “sức ỳ” khá lớn khi an phận đời sống bấp bênh, không chịu thay đổi mà chấp nhận chịu sự ban ơn của người khác… đang là vấn đề khiến những cán bộ giảm nghèo các phường cứ đến “xuân thu nhị kỳ” là đưa họ vào danh sách cần trợ cấp, mà chưa có cách làm khác để họ mong muốn thoát khỏi cái nghèo.

Chưa kể, ở đô thị còn có tình trạng người nhập cư nghèo, không có chỗ ở ổn định, không có hộ khẩu để chính quyền đưa vào diện cần giúp đỡ lâu dài.

Ông Phan Tiến Dũng, cán bộ giảm nghèo phường Thanh Bình, quận Hải Châu cho biết, trong số 227 hộ nghèo của giai đoạn 2013-2015, phường có gần 50 hộ thoát nghèo bền vững, không còn nằm trong danh sách 244 hộ nghèo theo chuẩn mới. Trong số các hộ “nghèo bền vững” có một số người rơi vào tình trạng ốm đau, người già.

Còn số nghèo do không có việc làm ổn định thì đủ mọi lứa tuổi, mọi đối tượng. “Chúng tôi chỉ mới giúp họ cải thiện được điều kiện y tế, nhà ở. Có những cái họ không thay đổi chính là tư duy, là ước muốn không còn nghèo và tăng thu nhập.

Đây chính là gốc rễ vấn đề khiến người nghèo đô thị nhiều năm qua vẫn còn cao, dù chính quyền áp dụng rất nhiều chính sách hỗ trợ, giúp đỡ”, ông Dũng nói. Nhiều người không đủ trình độ để tư duy, nghĩ ra giải pháp cho bản thân hoặc được nghĩ ra nhưng không thể áp dụng; điều kiện để sử dụng nguồn vốn hiệu quả cũng không có do không biết dùng, không có đất sản xuất (hoặc không có nơi để buôn bán ổn định); thậm chí “cho thì lấy chứ không vay” khiến cho cán bộ giảm nghèo ở nhiều phường “bó tay”. Và chính sách an sinh xã hội của Nhà nước ngày một tốt hơn khiến một bộ phận có tư tưởng chây ỳ làm “đau đầu” mỗi địa phương khi được hỏi đến.

Ở phường Thanh Bình, nhìn chung sự tác động do xáo trộn dân cư, giải tỏa không có, nhưng có một số hộ nghèo lâu năm vẫn không thể đưa vào danh sách cần giúp đỡ về nhà ở hay các chính sách khác do họ là dân nhập cư đến ở đây từ hơn chục năm trước nhưng không có hộ khẩu. Đây là vấn đề mà nhiều phường có dân nhập cư đang phải đối mặt vì tình trạng nghèo khó, sống bấp bênh của họ.

Chị Đỗ Thị Thu Hằng thì cho rằng chỉ có 30% số hộ có ý thức vươn lên, khi được giúp đỡ về vốn, giới thiệu việc làm hay khi con cái họ lớn. Nhưng số tái nghèo đa phần không có trình độ, làm việc theo thời vụ hay “đụng chi làm nấy” làm cho con số nghèo hiện nay tăng lên 237 hộ.

Ông Nguyễn Văn Xuyên, chuyên viên Phòng LĐ-TB&XH quận Hải Châu cho biết, quận có 2 chính sách khác các địa phương là cho vay không lãi với khoảng 25-30 hộ được vay mỗi năm và hỗ trợ học bổng với mức thấp nhất là 1 triệu đồng/năm (năm 2015 trao 749 suất với số tiền 926 triệu đồng) là hướng đi giúp người nghèo có vốn, không phải lo chuyện học của con để họ yên tâm làm việc.

“Hiệu quả thấy rõ là tạo tâm lý ổn định, giúp cải thiện cuộc sống để mỗi hộ vươn lên thoát nghèo và cả cộng đồng có trách nhiệm vào cuộc chứ không phải nhiệm vụ của một đơn vị nào”, ông Xuyên nói. Nhưng để thoát nghèo bền vững cho người nghèo đô thị, còn cần nhiều yếu tố khác chứ không phải chuyện được giúp đỡ. Nói như ông Phan Tiến Dũng là phải tự ý thức vươn lên, chứ sự giúp đỡ bao giờ cũng có giới hạn.

HOÀNG NHUNG
 

;
.
.
.
.
.