.

Quẩn quanh với cái nghèo

.

Dù đã nỗ lực suốt bao năm qua, nhiều hộ gia đình vẫn chưa thể thoát khỏi hoàn cảnh sống bấp bênh, lúc thiếu hụt, túng quẫn, lúc mấp mé cận nghèo hoặc rơi vào cảnh tái nghèo.

Gần một đời tần tảo nhưng chị Lan chưa thoát nghèo. Ảnh: T.Y
Gần một đời tần tảo nhưng chị Lan chưa thoát nghèo. Ảnh: T.Y

Nghèo vẫn hoàn nghèo

Ở tuổi 53, chị Diệp Thị Lan, tổ 23, khu vực Bá Tùng, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn có gần 30 năm làm bạn với cát đá, xi-măng, vôi vữa... nên làn da rám nắng, trên gương mặt là những vết nhăn xô lệch.

Kể từ ngày về nhà chồng, sau khi sinh đứa con đầu lòng, anh Tân chồng chị làm thợ hồ ở đâu thì chị đi theo đó, làm đủ việc từ trộn hồ, sàn cát sạn, chia bê-tông ra từng xô nhỏ, xách đến lệch vai chuyển đến tay thợ xây. Chị nhớ, khi mang bầu đứa thứ 5, lúc cái thai trong bụng đã đến tháng thứ 8, chị vẫn cùng chồng đi phụ hồ kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhìn thấy chị, ông chủ thầu đuổi khéo “Chị về đi chứ cứ làm lỡ có chuyện gì xảy ra tôi không kham nổi đâu”. Năn nỉ không được, chị Lan đành lủi thủi ra về.

Chồng làm thợ hồ, vợ phụ hồ, thu nhập chừng vài ba trăm nghìn đồng trong những ngày tiết trời thuận lợi. Có lẽ cuộc sống sẽ không quá khó khăn nếu vợ chồng chị Lan không “đèo bòng” thêm 5 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Từ ngày đứa lớn, đứa bé thay nhau lần lượt ra đời, cuộc sống của vợ chồng chị thường xuyên rơi vào cảnh túng quẫn, thiếu trước hụt sau.

Chuyện lo cho con cái ăn cái mặc, thuốc thang lúc ốm đau bệnh tật có lẽ không vất vả bằng chuyện quyết tâm cho chúng được đến trường. Mỗi đầu năm học mới, người mẹ nghèo khó này lại bươn bả sang nhà hàng xóm, chủ thầu… vay mượn tiền đóng học phí cũng như mua quần áo, tập sách mới cho con.

Bươn chải là thế, nhưng cái mác “hộ đặc biệt nghèo” vẫn đeo bám vợ chồng chị suốt nhiều năm qua. Ngôi nhà cấp 4 gia đình chị đang ở được “xây góp” từng phần trong ròng rã 10 năm trời. Đầu tiên là căn phòng nhỏ cho 7 thành viên có chỗ chui ra chui vào, mãi một thời gian sau mới xây được phòng ngủ rồi mới đến góc bếp, nhà vệ sinh…

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vợ chồng chị vẫn cố gắng cho con đến trường, trong đó có 2 em theo học đại học ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngồi giữa căn nhà thấp ẩm, giọng chị vừa buồn vừa khấp khởi niềm hy vọng về tương lai: “Chúng tôi luôn cố gắng để con cái được đến trường. Đời mình khổ cực nên hy vọng đời con sẽ có cuộc sống khá hơn. Chẳng ai muốn mình nghèo mãi”.

Gia đình chị Lan là một trong 12 hộ - trong tổng số 30 hộ dân được Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm tuyết năm 2014 tại phường Hòa Quý - còn duy trì mô hình này. Tuy nhiên, do diện tích sản xuất hạn chế, mỗi năm chị chỉ trồng được 2 đến 3 mùa nấm nên thu nhập không đáng là bao.

Tương tự, vợ chồng anh Nguyễn Vinh Cường (41 tuổi), tổ 76, Khái Tây, phường Hòa Quý cũng làm lụng quanh năm nhưng chưa thoát khỏi cảnh nghèo. Với 3 sào rau muống, hằng ngày từ lúc 4 giờ sáng, khi 3 con thơ vẫn còn say ngủ thì vợ chồng anh đã rời nhà đi cắt rau mang ra chợ bán.

Ngoài việc bám vào mấy sào rau, vợ chồng anh tích cực trồng hoa màu, gầy dựng đàn bò từ 1 con mua bằng tiền hỗ trợ của địa phương nay lên 6 con. Tuy chăm chỉ là thế, nhưng với đứa con dặt dẹo vì căn bệnh hở hàm ếch nặng và viêm tai giữa mãn tính, nay ốm mai đau, tiền anh chị làm ra như “gió vào nhà trống” nên nghèo vẫn hoàn nghèo, dù cố gắng thế nào đi nữa.

Giai đoạn 2013-2015, phường Hòa Quý có 910 hộ nghèo thì đầu năm 2016, theo chuẩn mới, con số này là 1.150 trong tổng số 3.500 hộ dân toàn phường, trở thành gánh nặng cho địa phương khi triển khai các chính sách an sinh xã hội.

Ông Võ Ngọc Vương, cán bộ giảm nghèo phường Hòa Quý cho biết, rất nhiều hộ cận nghèo giai đoạn trước trở thành hộ nghèo do nguồn thu nhập không bảo đảm. Nhiều hộ nông dân lớn tuổi, mất đất sản xuất, chuyển về sinh sống tại các khu tái định cư không tìm được việc làm dẫn đến nguy cơ nghèo và tái nghèo trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhiều hộ nghèo được hỗ trợ “cần câu” đã không phát huy được hiệu quả hoặc bỏ cuộc giữa chừng do thiếu vốn duy trì, mở rộng sản xuất, chưa nắm rõ quy trình kỹ thuật và có thái độ trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của chính quyền nên số hộ nghèo không những không giảm mà còn tăng.

Bài toán giải quyết việc làm

Phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu nhiều năm nay được xem là phường đông dân nhất nhì thành phố, lại phần lớn là dân nhập cư, tái định cư nên tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương này luôn biến động. Hiện nay toàn phường có 1.935 hộ nghèo theo chuẩn mới và hàng trăm hộ cận nghèo, có nguy cơ tái nghèo cao.

Một chị (xin giấu tên) đang sinh sống tại khu chung cư dành cho phụ nữ đơn thân nằm trên địa bàn phường cho biết cuộc sống gia đình chị đang rất khó khăn, bản thân không có việc làm giữa lúc 2 con đang tuổi ăn tuổi lớn. Thu nhập từ xe bán bánh mì do Hội LHPN thành phố tài trợ không đáng kể. Chị vừa thoát nghèo theo chuẩn cũ năm 2015 thì nay lại tái nghèo theo chuẩn mới.

Có thể nói, không phải lúc nào “cần câu” cũng mang lại hiệu quả kinh tế cho người nghèo. Chị Huỳnh Thị Lời (50 tuổi), phường Hòa Hiệp Bắc kể, cách đây mấy năm, để thoát nghèo, chị quyết định vay vốn 10 triệu đồng mua vịt về chăn nuôi nhưng do kỹ thuật chăn nuôi không có, cộng dịch bệnh xảy ra nên đàn vịt chết không còn một con. Tiền mất nhưng nợ ngân hàng vẫn phải trả.

Từ đó đến nay, chị duy trì công việc sáng lên núi nhặt củi, chiều ra biển mót cá cộng buôn bán lặt vặt để trang trải cuộc sống. Và, giấc mơ thoát nghèo bền vững của chị dần khép lại khi độ tuổi lao động ngày càng cao.

Bên cạnh công việc không đảm bảo thu nhập, cái khó trong công tác giảm nghèo tại Đà Nẵng là giải quyết việc làm cho hộ nghèo thành thị. Thành phố không hiếm những khu tái định cư nhà cửa, đường sá, cổng ngõ khang trang nhưng hộ nghèo chiếm trên dưới 50%.

Họ phần lớn là nông dân mất đất sản xuất, quá độ tuổi tuyển dụng lao động, thay đổi ngành nghề nên nhiều năm không tìm được việc làm, sống trông chờ vào sự giúp đỡ, hỗ trợ từ chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng thoát nghèo không bền vững, tái nghèo cao là tâm lý chây ỳ, trông chờ vào sự giúp đỡ của chính quyền.

Tại Đà Nẵng, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho biết đơn vị này thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan tổ chức gặp mặt đối thoại với hộ nghèo, hộ đặc biệt nghèo; qua đó tìm hiểu tâm tư, hướng dẫn mô hình, kinh nghiệm làm ăn, kết hợp phê phán những biểu hiện ỷ lại, chưa tích cực, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo của một số hộ dân nhằm hạn chế tình trạng trên.

Có thể nói, cùng với việc liên tục nâng chuẩn nghèo làm đòn bẩy giúp người dân thoát nghèo bền vững, Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước tuyên bố sẽ không thực hiện chính sách hỗ trợ đối với những hộ nghèo nhưng chây ỳ, lười lao động. Hy vọng với chính sách nhất quán này, thời gian tới người nghèo ở Đà Nẵng sẽ được tiếp sức nhằm từng bước ổn định kinh tế và thoát nghèo bền vững.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.