.

Chợ phiên sách cũ

.

Góc đường Trần Phú, cứ dăm tháng, người ta lại thấy xuất hiện một phiên chợ sách khá đặc biệt. Không có tiếng nói cười rộn rã, không có những gian hàng best-seller (sách bán chạy nhất) và cũng chẳng có sự hiện hữu của những bìa sách được thiết kế tinh xảo, sặc sỡ… phiên chợ sách này chỉ đượm một mùi của sách cũ và thoảng hương trà và cà-phê.

Đến với Chợ phiên sách cũ, khách hàng còn được tiếp thêm tình yêu sách, chuyện trò với những người cùng sở thích. 	Ảnh: B.A
Đến với Chợ phiên sách cũ, khách hàng còn được tiếp thêm tình yêu sách, chuyện trò với những người cùng sở thích. Ảnh: B.A

Vấn vương sách cũ

Có nhiều người thích sách mới lại có những người chỉ thích và ghiền sách cũ, “nghiện” mùi sách cũ với nỗi hoài niệm của những đôi tay đã từng lật giở.

Ai đó từng nghĩ sách cũ Đà Nẵng đã đi qua bên kia con dốc của thời hoàng kim hẳn sẽ thay đổi khi đến với Chợ phiên sách cũ ở địa chỉ 196 Trần Phú.

Trong không gian chưa đầy 20m2 của hiệu sách Love Tree, phiên chợ gói gọn nơi hai bộ bàn ghế con con đặt ở vỉa hè, hai chiếc kệ cao ngất chất đầy sách và hai chiếc bàn nhỏ chứa sách đặt dọc lối đi. Nhỏ, hẹp nên chỉ cần khoảng 20 người ùa vào là phiên chợ đã chật kín, muốn đi, phải nghiêng người nhích qua từng chút.

Ấy vậy mà, khách hàng với đại đa số là những bạn trẻ vẫn vui vẻ, kiên nhẫn lần tìm trong gần 1.000 đầu sách để có được cuốn sách ưng ý. Người này lựa xong ra vỉa hè ngồi đọc, nhường chỗ cho người đến sau, lát lại vào tìm tiếp. Chốc chốc, cả chủ và khách nhìn nhau cười thích thú khi nghe tiếng nói như reo của ai đó: “Ôi trời, cuốn này tìm lâu nay giờ mới thấy”, hay “Trời ơi, mơ ước của mình đây rồi!”…

Tính đến nay, Chợ phiên sách cũ ở 196 Trần Phú đã tròm trèm 6 tuổi. Chẳng cần quảng bá, truyền thông rầm rộ, cứ 2-3 tháng một lần, người yêu sách Đà Nẵng nghe thông tin có chợ phiên lại tự động tìm đến. Dù có mua được sách hay không, họ đều có chung tâm trạng nôn nao, mong ngóng chợ sách diễn ra để được gặp gỡ với những người cùng sở thích, dù chỉ là người dưng. Cái thú đi chợ không chỉ là được xem mặt hàng, được mua giá rẻ mà là được tận hưởng cái không khí của buổi chợ.

Những con người ở chợ phiên

Lẫn giữa những mái đầu xanh ở Chợ phiên sách cũ được tổ chức vào giữa tháng 3 vừa qua, có một người đàn ông tóc hoa râm, phong thái đĩnh đạc, dung dị đứng trầm ngâm thật lâu bên trang sách ố vàng. Ông là Phạm Thế Cường, người đàn ông tự nhận mình “yêu sách đến mê mệt” và hiện có hẳn một thư viện phục vụ cộng đồng miễn phí với hơn 30.000 cuốn ở thành phố Hồ Chí Minh.

Ông trầm ngâm: “Tôi thấy ấm lòng khi Quỳnh (một trong hai người mở phiên chợ -PV) là một người trẻ không chỉ đam mê sách mà còn có khát khao nhân rộng văn hóa đọc. Càng vui hơn khi nhìn xung quanh toàn là những bạn trẻ đến mua sách. Theo tôi, phiên chợ không cần hoành tráng đâu, quan trọng nhất là chúng ta có tâm với sách và bền bỉ theo đuổi con đường này”.

Ông Cường tâm sự rằng, với những ai yêu sách, đọc được cuốn sách hay là vui lắm, nhưng sướng nhất là khi được sở hữu nó. Đọc sách phải đồng nghĩa với sở hữu sách thì mới cảm được hết giá trị tri thức mà những người có tâm, có tầm gửi vào trang giấy. Bởi vậy, bất kể khi nào có cơ hội ông đều đi săn lùng sách để tìm thấy “vàng ròng” giữa mớ chai bao hay sách báo cũ.

Kể từ khi chợ phiên ra đời đến nay, chàng trai trẻ Lê Vũ Kỳ Nam (28 tuổi, quận Hải Châu) chưa bỏ sót phiên nào và đều “ở lì” cả ngày trời ở chợ phiên để được trò chuyện với những người bạn cùng sở thích. Sau mỗi phiên chợ, Nam lại khấp khởi vui mừng khi nhận thấy những khuôn mặt mới tìm đến với hội sách. Cũng kể từ dạo ấy, tủ sách của Nam mỗi ngày một đầy thêm, trong đó, có nhiều sách hay đã ngừng xuất bản.

Nam chia sẻ: “Mình nghĩ nếu tham gia hội sách này nhiều lần, được tư vấn từ những người am hiểu và tiếp xúc với người yêu sách khác thì các bạn trẻ sẽ từ từ phát triển thói quen đọc sách”.

Muốn có sách thì hãy đi buôn sách

Kim chỉ nam của Quỳnh (28 tuổi) và Phúc (24 tuổi) khi mở chợ phiên, đó là: Muốn có sách thì hãy đi buôn sách. Tuy nhiên, “không phải vì mục đích kinh doanh mà là muốn có sách và được gần sách nên bán sách dù có không lời thì vẫn bán”.

Để có được nguồn sách phong phú cho mỗi phiên chợ, Quỳnh và Phúc phải đi lùng sục khắp nơi, có khi vào tận Tam Kỳ hay Quy Nhơn. Những cuốn sách được trưng bày đa phần là sách kinh điển, có nhiều giá trị nội dung và tính thẩm mỹ cao. Qua việc tuyển lựa trước, Quỳnh và Phúc mong muốn định hướng một phần nào đó việc đọc sách trong giới trẻ. Tuy vậy, cả hai cũng rất tôn trọng lựa chọn của độc giả, sẵn sàng tìm giúp họ những đầu sách khi có cơ hội.

Quỳnh hiện là chủ hiệu sách be bé, xinh xinh nhưng rất ấm cúng Love Tree. Còn Phúc, đam mê nghiên cứu văn hóa-lịch sử, sẵn sàng lên đường đi tìm sách dù ở bất cứ nơi đâu. Cả chục năm trời, Phúc chỉ sắm cho mình đôi ba bộ quần áo mới đã là nhiều nhưng mỗi ngày đều chở cả thùng sách về nhà. Thế giới riêng của Phúc là căn phòng “chết chìm” trong sách mà cậu có thể ở lì mấy ngày trời.

Đến với chợ phiên, chẳng khi nào thấy Quỳnh và Phúc ngơi tay, ngừng nói dù chỉ một phút. Không hấp tấp, vội vã hay vồ vập, ở góc này, Quỳnh đang thủ thỉ trò chuyện với các sinh viên thì ở góc kia, Đức nhiệt tình tư vấn cho những người bạn mới đến.

Qua mỗi phiên chợ, cả hai nhận ra người Đà Nẵng không hề quay lưng với sách và có nhu cầu đọc sách rất cao. Điều làm cả hai đau đáu nhất là làm sao kết nối được những người bán sách cũ ở Đà Nẵng để tạo thành một cộng đồng vững mạnh. Bởi lẽ giữa bộn bề mưu sinh và gánh nặng gia đình, không phải ai cũng có thể dành thời gian cho những điều đam mê.

Trong chuỗi mong ước của Quỳnh và Phúc cho những phiên chợ trong tương lai, cả hai chẳng nhắc đến yếu tố lợi nhuận, chỉ mong có thêm thời gian và sức khỏe để… tìm được nhiều sách và kết nối những người bán sách. “Tôi mong có một sân chơi quy mô hơn, rộng rãi hơn để chúng tôi có thể tổ chức những trò chơi về sách, nói chuyện về sách, về văn hóa - lịch sử. Sân chơi vì thế sẽ chuyên sâu hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn và có nhiều ý nghĩa hơn cho người đọc”, Quỳnh chân thành chia sẻ.

BÌNH AN

;
.
.
.
.
.