.

Đa dạng dịch vụ đường thủy

.

Đà Nẵng đang từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông đường thủy nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch, kinh tế biển.

Cảng Đà Nẵng tập trung phát triển các loại hình dịch vụ trong cảng theo hướng cảng container. Ảnh: T.Y
Cảng Đà Nẵng tập trung phát triển các loại hình dịch vụ trong cảng theo hướng cảng container. Ảnh: T.Y

Từ tiền cảng đến thương cảng

Vào giữa thế kỷ XVI, khi Hội An là thương cảng, hình thành các khu mua bán sầm uất thì Đà Nẵng được xem là tiền cảng.

So với Cửa Đại (Hội An) thì vịnh Đà Nẵng có nhiều lợi thế hơn. Hệ thống núi Hải Vân ở phía Bắc, bán đảo Sơn Trà ở phía Nam đã tạo nên một vịnh Đà Nẵng kín gió, án ngữ cửa sông Hàn, có diện tích rộng chừng 116km2, chu vi 46km, độ sâu trung bình từ 10 đến 15m. Với những lợi thế trên, suốt nhiều thế kỷ qua, vịnh Đà Nẵng trở thành nơi tàu bè ẩn nấp khi gặp sóng to gió lớn.

Theo mô tả của một nhân viên trong sứ đoàn nước Anh, do Macartney (1737-1806) dẫn đầu, khi ghé Đà Nẵng vào năm 1793, “người ta có thể cho thuyền chạy khắp bờ biển mà không gặp tai nạn. Đáy biển sâu đều đặn từ 17 đến 20 sải. Vịnh Đà Nẵng xứng đáng mang danh là cảng lớn và vững chắc nhất (mà sứ đoàn) đã trông thấy. Nó rất sâu, nên khi cần thiết phải di chuyển, các tàu bè vẫn yên ổn dù gió to bão lớn. Đáy biển đầy bùn nên thuyền bỏ neo rất bám”.

Từ vị trí tiền cảng cho Hội An, Đà Nẵng dần trở thành thương cảng, cửa ngõ quốc tế của kinh đô Huế. Từ năm 1802, “cửa tấn” Đà Nẵng được thiết lập, các công trình quân sự bảo vệ vùng biển Đà Nẵng liên tiếp được nhà Nguyễn xây dựng. Đà Nẵng trở thành hải cảng chính thức và duy nhất thực thi chính sách ngoại giao của nhà Nguyễn với các nước đến quan hệ qua đường biển, và là một thương cảng lớn bậc nhất miền Trung.

Cho đến những năm 1930-1940, cảng Đà Nẵng bao gồm một bến tàu dài 360m, rộng 9.868m2 cùng 6 bến phụ để cho các loại tàu trọng tải lớn có thể vào ra. Tại cảng luôn có khoảng 2.000 công nhân khuân vác làm việc suốt ngày đêm.

Cùng với cảng Đà Nẵng, từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, sông Hàn là con đường nội thương nối Đà Nẵng với Hội An. Theo báo cáo tháng 11-1902 của Phòng Thương mại Trung Kỳ - được Pháp thành lập năm 1897, trực tiếp quản lý cảng Đà Nẵng - thì “thành phố này có một con sông tuyệt vời. Từ 15 năm nay (từ 1887), con sông và các thủy lộ đều lưu thông được. Đường nhỏ dùng cho thuyền buồm có đáy sâu đến 1,5m. Đường lớn dùng cho các tàu hơi nước nhỏ có trọng tải từ 100 đến 200 tấn”.

Các con sông chảy về xuôi hợp thành những dòng sông lớn chảy ra biển cả, như sông Trường Định, sông Hàn… các cửa sông là nơi tụ họp chợ búa, trên bến dưới thuyền, tấp nập người buôn bán.

Thời điểm trước ngày giải phóng, có khoảng 25 thuyền máy hoạt động đò dọc trên các tuyến sông Túy Loan, sông Yên, sông Cu Đê và nhiều đò chèo hoạt động đò ngang trên các tuyến sông, tập trung chủ yếu ở sông Hàn. Tuy nhiên khi đó đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên yếu tố du lịch đường sông gần như bị bỏ trống.

Tìm lại vị thế cho cảng Đà Nẵng

Cách đây 30 năm, cảng biển ở Đà Nẵng đã được xem là cảng đầu mối khu vực, cơ sở hạ tầng đầu tư đồng bộ. Đơn cử, cảng Tiên Sa có 2 cầu nhô, mỗi cầu dài 183m, rộng 27,4m, độ sâu mớm nước 11m. Diện tích khu vực 18,3ha gồm 90.000m2 bãi chứa hàng và 15.945m2 nhà kho, có thể tiếp nhận tàu 28.000 - 30.000 DWT nếu giảm tải và lợi dụng triều cường. Ngoài ra, còn có các cảng Sông Hàn, cảng Liên Chiểu, cảng 234 có năng lực tiếp nhận tàu từ 1.000 - 7.000 DWT...

Hệ thống cảng biển Đà Nẵng hiện gồm Tiên Sa, Liên Chiểu và Nam Thọ (chỉ dùng cho tàu dầu). Hiện có khoảng 50 công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ vận tải biển tại Đà Nẵng, trong đó có 22 hãng tàu container nước ngoài. Lượng hàng qua cảng Đà Nẵng năm 2015 khoảng 6,4 triệu tấn, đạt mức doanh thu 525 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng Nguyễn Hữu Sia cho biết, do chiều dài cầu cảng và diện tích kho bãi đã phát huy hết công suất, nên công tác tiếp nhận hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn. Cùng với mục tiêu xây dựng cảng Đà Nẵng thành cảng biển tiêu chuẩn quốc tế, thời gian qua, khu bến cảng Tiên Sa được đầu tư nâng cấp, mở rộng giai đoạn 2 lên 86.674m2, xây dựng 2 cầu tàu với tổng chiều dài 520m, gồm một cầu tàu 310m và một cầu tàu 210m, chủ yếu phục vụ hàng container.

Trong vòng 5 năm tới, cảng Đà Nẵng tập trung phát triển các loại hình dịch vụ trong cảng theo hướng đón tàu container, tàu khách, tàu chuyên dụng có trọng tải lớn. Bên cạnh đó là dịch vụ logistics (dịch vụ ngoài cảng) gồm hệ thống kho bãi và dịch vụ phụ trợ vận tải, đóng gói, container, dịch vụ phân phối hàng đến kho thu hàng, kho thuê hải quan… Hiện cảng đã có 5ha kho bãi và dự kiến mở rộng thêm 1,6ha, phát triển 20ha tại xã Hòa Nhơn thành khu vực hậu cần. Mục tiêu đến năm 2020, sản lượng hàng container qua cảng sẽ đạt 550.000 – 600.000TEUs và đến 2025 đạt 800.000TEUs.

Phát triển du lịch đường thủy

Trên toàn thành phố đang có 254 phương tiện thủy nội địa như tàu khách, ca nô, tàu hàng, sà lan, trong đó có 28 tàu du lịch đang hoạt động do Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng quản lý. Từ năm 2013, thành phố đã phê duyệt 9 vị trí bến đỗ du thuyền và cầu tàu du lịch trên sông Hàn nhưng đến nay chỉ có 1 cầu tàu của Công ty CP DHC đã hoàn thiện nhưng chưa đưa vào khai thác.

Do chưa có cầu tàu cố định nên thời gian qua, các đội tàu du lịch vẫn phải neo đậu ở cảng Sông Hàn (cũ). Cách đây không lâu, Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng phối hợp tư vấn đề xuất phương án đầu tư xây dựng các bến mềm phục vụ khách du lịch tại bãi Cát Vàng, bến CT 15 (cạnh Trạm Biên phòng công trình 15), bến K20, bến Chùa Quán Thế Âm, bến Túy Loan và Thái Lai (sông Túy Loan) theo chủ trương của UBND thành phố về việc đầu tư, khai thác phát triển tour, tuyến du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Cùng với lợi thế sẵn có, Đà Nẵng đang tiến hành khai thác 3 tuyến du lịch đường thủy nội địa gồm tuyến cảng Sông Hàn – cửa biển – bán đảo Sơn Trà; cảng Sông Hàn – cầu Trần Thị Lý – cầu Thuận Phước; cảng Sông Hàn – bán đảo Sơn Trà – Cù Lao Chàm. Bên cạnh đó là các tour du ngoạn sông Hàn về đêm, lặn biển ngắm san hô, khám phá Bãi Cát Vàng Sơn Trà, khám phá Hòn Chảo (Đảo Ngọc)…

Theo ông Lê Thành Hưng, Chánh Văn phòng Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng, cái khó của Đà Nẵng trong khai thác du lịch đường thủy là các điểm đến du lịch đường thủy nội địa mới được hình thành nên hạ tầng giao thông (luồng, bến) vẫn còn trong giai đoạn quy hoạch.

Đồng quan điểm trên, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, để khai thác tốt tiềm năng du lịch đường thủy, Đà Nẵng cần khẩn trương xây dựng cầu tàu đón - trả khách. Ở các điểm đến mới nổi, nâng cấp hoặc xây mới nhà chờ, nhà điều hành, hệ thống cấp nước, nhà vệ sinh công cộng, thùng rác, nhà bán vé, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng… nhằm đáp ứng cơ sở vật chất tối thiểu để phục vụ du khách.

Thời gian gần đây, hằng năm Đà Nẵng đón tiếp và phục vụ bình quân khoảng 25 lượt tàu khách du lịch quốc tế. Thông tin từ Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, từ tháng 11-2016, đội tàu du lịch biển Star Cruise (Malaysia) với chiều dài 335m, chở theo 3.000 du khách và 1.500 thủy thủ đoàn sẽ cập cảng Tiên Sa mỗi tuần một chuyến – có thể nâng lên 4 chuyến/tuần – nếu cảng đáp ứng được các yêu cầu như có hệ thống cầu cảng chuyên dụng bảo đảm tàu cập bến an toàn, lối đi riêng dành cho du khách. Hành trình dự kiến Quảng Châu - Hồng Kông – Hạ Long - Đà Nẵng -  Singapore. Đây thực sự là cơ hội lớn cho du lịch và dịch vụ du lịch Đà Nẵng phát triển nếu cảng Tiên Sa nâng cấp chiều dài bến tàu từ 210m lên 335m như yêu cầu từ phía đối tác.

Cùng với tiềm năng về phát triển kinh tế, hướng đi của Đà Nẵng thời gian tới là đa dạng hóa loại hình dịch vụ trên cơ sở phát triển cảng Đà Nẵng theo hướng container hóa, dịch vụ tàu khách, tàu hàng khô có tải trọng lớn, đồng thời đầu tư mở rộng các loại hình du lịch biển nhằm khai thác tốt tiềm năng hệ thống sông, biển của thành phố.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.