Đà Nẵng cuối tuần

Dẫu không mỹ vị cao lương…

07:50, 18/04/2016 (GMT+7)

Tháng tư hây hẩy gió nồm, liếp vườn phần phật xênh xang, bà cắp đôi rổ hái cà khi sáng sớm nắng mới hanh hanh. Dưới đôi phiến lá là những cành nhánh cỗi già, lúc lỉu những chùm trái có khía tròn đong đưa, vỏ trái bóng loáng, chắc lẳn. Bà chỉ nhìn đã biết trái vừa tầm ăn, chọn nhặt hái lấy chứ chẳng vơ váo vặt cả chùm cho lẹ như mấy chị mấy cô.

Lưng lửng hai rổ mà bà nhấc lên nghe nhẹ tênh. Rồi bà ngồi ở thềm giếng, dao cau xẻo nhẹ từng núm cuống, cạo lớp vỏ sót, thoăn thoắt mà tịnh không phạm vào thịt cà. Rồi bà lựa cà pháo, cà bát ra riêng, vừa xinh mỗi thứ một nửa, bày ra mấy chiếc nia to, dàn phơi trên khoảng sân trước nắng chang.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cà hơi heo héo, bà kéo nước giếng, vò rửa kỹ càng, hai chiếc vại nhỡ dốc ngược tráng phơi trên bể nước cũng vừa khô cong. Người ta muối cà bày vẽ những riềng, những tỏi, phèn chua, có khi cả thính ngô, mắm chượp gia giảm. Bà thì quen tay rồi, đơn giản lắm.

Cứ một lớp cà, bà lại xúc rải một bát con muối hạt trắng tinh. Xong xuôi, bà rưới nước mưa vừa tầm xâm xấp rồi dùng vỉ tre cố định, nén chặt bằng hòn đá trơn đã cọ rửa sạch sẽ, hòn đá chẳng còn ai nhớ tuổi.

Sắp hàng dọc theo vách gian nhà trong cùng, có một ô cửa sổ luôn hé mở là đám chum vại từ cao xuống thấp, được kê chân bằng những viên gạch vồ vuông vức, chắc nịch. Chum to bà chứa thóc nếp, ngô ngon. Chum nhỏ đùm túm vừng lạc, đỗ tương, đỗ tằm, khoai khô.

Vại thì túm miến, lá lằng, su hào, củ cải đã phơi deo, cân đường, bánh tráng, ớt bột, ti tỉ những đồ ăn thức uống xếp đặt rổn rang. Mấy vại sành còn lại dùng để muối cà ăn dần. Cà pháo muối đúng cữ vừa miệng ít nhất phải hai tuần, cà bát thì phải gấp đôi thời gian.

Bà nhẩm tính chừng ăn được, đánh dấu cho người nhà bằng cách ngoắc chiếc muôi gỗ sẵn sàng trên vại cà vừa chín tới. Nhưng trẻ nít trong nhà thừa ham ăn, thiếu kiên nhẫn, cà nào chín hẳn đã lơ láo vần đá, lật vỉ. Quả cà pháo chẻ đôi, cà bát thì thái lát mỏng, ruột hạt hãy còn phơn phớt xanh, trộn với tỏi riềng đập dập, ớt hiểm, đường, mì chính, mắm chượp đủ đánh bay cả nồi cơm.

Rồi thể nào cũng háo, tối khuya cũng lục đục dậy tu ừng ực từng ca nước lớn. Quanh năm tứ mùa, hầu như bữa cơm nào cũng có một bát cà nén giòn tan. Những ngày đông rét buốt, quây quần quanh bếp bên nồi cá trắm kho cà pháo chua ngọt, cay nồng hay đơn giản là cà thái đôi chưng mật mía, vừa đun bếp, ăn cơm vừa rì rầm kể chuyện, ê a bài ca dao “Nhà em có vại cà đầy”, cứ mong dại mong khờ cho gió mưa cứ dầm dề mãi thôi.

Cà bát để được lâu hơn cà pháo nhưng muối lâu được ăn, khó được ngon giòn, cũng kén người ăn hơn, kém người mặn mà hơn. Cho nên người ta chỉ quen ăn sống, ăn ghém, ăn xổi. Nhưng hết mùa cà ít lâu, khối người lại háo thèm. Lúc này bà và vài bà già lo xa trong xóm trở thành địa chỉ thường xuyên ghé thăm của các bà bầu ăn dở, những bà, những cô đã ngán thịt, ngán cá muốn đổi bữa hay mập quá muốn kiêng khem ăn chay để giảm cân.

Nhưng lạ, cơm cà mà vẫn cứ phây phây. Ai bảo ăn cà tốn cơm, càng ăn càng thấy ngon, thấy miệng càng thèm lẹm, mãi chưa chắc dạ. Rồi thời buổi đẩy đưa, người già mai một, mỗi độ giêng hai bà vẫn cuốc đất, đánh luống, rắc vôi, gieo hạt, bón phân hoai, tưới nước giải, xới xáo, vun gốc, bấm ngọn. Bà vẫn trữ những đỗ xanh, thóc nếp, ngô, khoai để đùm túm cho con cháu mỗi lần ra phố. Và vẫn đôi vại cà đầy ngoắc chiếc muôi gỗ sậm màu muối mặn theo năm tháng.

Ai đó nói ăn lắm cà nhức đau xương khớp, chỉ biết rằng 80 tuổi trời, dáng bà vẫn nhanh nhẹn, lưng vẫn thẳng, tóc trắng nhưng hãy còn dày, hàm răng nhuộm phai nhưng hãy còn chắc khỏe. Chẳng còn ai ê a “Nhà em có vại cà đầy”…; “Dẫu không mỹ vị cao lương”… nữa nhưng đường xa vạn dặm, chỉ mong bất kể ngày nào, mùa nào, thèm cơm cà còn có bà để mà tìm về…

MỘC ANH

.