Đà Nẵng cuối tuần
"Đốt tiền" vào đám tang
Về chuyện hiếu nghĩa ngày nay, nếu đem so với ý kiến của Phan Kế Bính (1875 – 1921) trong Việt Nam phong tục “Sự thương cốt ở trong lòng. Chỉ ứa hai hàng nước mắt là đủ...” thì nói “đốt tiền” quả chẳng ngoa.
Vẫn có không ít người cho rằng tổ chức đám tang đơn giản cũng là một cách thiết thực báo hiếu với cha mẹ. (Ảnh có tính minh họa) Ảnh: V.T.L |
Không ai khen đám cưới, chẳng ai cười đám ma. Dân gian bảo vậy, nhưng thực tế đã có không ít người (nhất là những người có “vai vế’ trong xã hội) lại muốn tổ chức đám tang cho thân nhân mình thật rình rang để được tiếng ở đời.
“Đốt” tiền tỷ vào vòng hoa
Xe cộ, liễn đối, vòng hoa được cho là ba “tiêu chí” để “xếp hạng” một đám tang. Không ít đám có mấy chục chiếc xe nhưng nhiều chiếc chỉ chở lèo tèo một vài người; liễn đối, vòng hoa thì lớp trong lớp ngoài, chở đến mấy xe mới hết.
Về vòng hoa, bà Đặng Thị Thu Hà, Phó trưởng ban Nghĩa trang Đà Nẵng, cho biết giá hiện nay từ 1 – 1,2 triệu đồng/cái (hoa tươi), 400.000 – 500.000 đồng/cái (hoa nhựa). Vòng hoa phúng điếu quá lãng phí. Theo số liệu của Ban Nghĩa trang Đà Nẵng, đã có đám tang lớn nhất với 600 vòng hoa, nếu bình quân mỗi vòng hoa 800.000 đồng thì đã lãng phí đến gần nửa tỷ đồng!
Tỷ suất chết thô (CDR – Crude Death Rate) của Việt Nam hiện là 4‰. Đà Nẵng có gần 1 triệu dân, vậy mỗi năm chết khoảng 4.000 người. Nếu tính “đổ đồng” một đám tang khoảng 20 vòng hoa, thì mỗi năm Đà Nẵng đã “đốt” vào đám tang trên 60 tỷ đồng! Đó là chưa kể mất thêm 600 triệu đồng cho việc đốt/rải vàng mã (150.000 đồng x 4.000 đám tang).
Quả là một sự lãng phí quá lớn! Số tiền mua vòng hoa này có thể xây được 1.500 nhà đại đoàn kết cho người nghèo với giá 40 triệu đồng/nhà.
Từng trực tiếp tổ chức nhiều đám tang lớn, Phó trưởng ban Nghĩa trang Đà Nẵng Phùng Quýt không khỏi “sốc” trước các loại vòng hoa chất cao như núi. Nếu khi còn ở nhà thì trang trọng đặt có thứ lớp theo “vai vế” của người đi viếng, lên mộ rồi thì vứt chổng vó cái nọ chồng lên cái kia, xập xệ, xác xơ... Đúng là trước cái chết mọi... vòng hoa đều bình đẳng!
Ông Lê Đình Phúc, nhân viên Ban Nghĩa trang Đà Nẵng, kể có lần ra Hà Nội dự một đám tang. Mấy trăm vòng hoa được xe đưa lên nghĩa trang, người ta chỉ mang một vài cái tượng trưng vô mộ, còn lại đổ hết qua xe tải đưa đi… tái chế. Việc tận dụng này chỉ làm lợi cho một số người, nhưng số tiền đã “đốt” vào vòng hoa thì vẫn vĩnh viễn không lấy lại được.
Để đỡ mất tiền tỷ, Ban Nghĩa trang Đà Nẵng đã đề xuất giải pháp thực hiện “vòng hoa luân phiên”. Các đơn vị/cá nhân đến viếng sẽ được một người túc trực tại đám tang viết tên mình lên băng-rôn đính vào vòng hoa đã được ban lễ tang chuẩn bị sẵn rồi mang vào phúng điếu. Sau đó, các băng-rôn sẽ được tập hợp lại, đặt ở nơi trang trọng trong nhà rồi chuyển lên nghĩa trang. Tang chủ lập riêng một “thùng công đức” để những ai không muốn “đốt tiền” vào vòng hoa có thể đặt tiền vào đấy để dành vào các công việc từ thiện xã hội.
Hiện chỉ Ban lễ tang cấp thành phố mới bố trí “vòng hoa luân phiên”, chứ cấp quận/huyện thì chưa. Tuy nhiên hình thức cực kỳ tiết kiệm này vẫn chưa khả thi. Theo phân tích của ông Quýt, là do người mình còn mang nặng “bệnh sĩ”. Nhiều tang chủ muốn có thiệt nhiều vòng hoa, nhiều xe cộ, liễn đối để “nở mày nở mặt” với người ta.
Về phía cơ quan, đơn vị đi viếng cũng thế, vô lẽ một cơ quan lại không sắm được một vòng hoa để đi viếng cho nó bề thế thì còn gì là thể thống! Thêm vào đó, cách phúng viếng mới này vẫn chưa phổ biến thành lệ, một số cơ quan, đơn vị muốn chung tay với toàn xã hội thực hành tiết kiệm trong việc tang, nhưng không biết là đến nơi có “vòng hoa luân phiên” hay không (không có là rầy rà to) nên đặt mua luôn một cái vòng hoa cho… chắc!
Đám tang ở Hàn Quốc rất đơn giản, mỗi người đến viếng được nhận một cành hoa ngay ngoài cửa để tự mình mang vào làm lễ phẩm tiễn đưa người đã khuất và chia buồn cùng tang quyến. Có lẽ chỉ khi nào người Việt không “sĩ” như người Hàn thì mới xuất hiện những tin buồn kèm theo dòng ghi chú nhỏ: Đến viếng vui lòng không gửi vòng hoa.
Hỏa táng để “tiết kiệm” đất
Theo quan niệm hiện đại, hỏa táng là một hình thức rất hợp vệ sinh, bảo vệ môi sinh, không mất đất, rất tiết kiệm vì giảm được nhiều vấn đề như: xây mộ, tảo mộ, bảo quản mộ, cải táng, di dời… Với mục tiêu này, Trung tâm hỏa táng An Phước Viên được xây dựng ở Nghĩa trang Hòa Sơn và đi vào hoạt động từ năm 2010.
Trong 6 năm qua, Trung tâm đã thực hiện 2.544 trường hợp hỏa táng, gồm 1.928 cải táng và 616 từ trần. Thống kê cho thấy số người Đà Nẵng từ trần được hỏa táng tăng dần theo từng năm, từ 24 (năm 2010) tăng lên 136 (năm 2015), riêng trong quý 1-2016 là 37 trường hợp.
Tuy số lượng các ca hỏa táng tăng dần, nhưng theo đánh giá của Trưởng Trung tâm hỏa táng An Phước Viên Lương Trọng Khánh, nếu đem so với TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội thì chẳng đáng là bao, An Phước Viên vẫn còn vắng vẻ. Về nguyên nhân, theo giải thích của Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng Thái Đình Hoàng tại các hội nghị tuyên truyền về hỏa táng, là do tập tục hỏa táng còn khá mới mẻ đối với người dân miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng, nhiều người nghĩ hỏa táng là một việc ghê gớm và nặng nề nên e ngại. Thêm nữa, đất đai còn rẻ và thành phố còn cấp đất miễn phí cho người Đà Nẵng qua đời nên chưa ai mặn mà với hình thức hỏa táng.
Trước đây có một ông sống ở Huế, nguyên cán bộ Ban Dân y Quảng Đà dặn con cháu nếu có qua đời thì đưa về Đà Nẵng hỏa táng, ông làm đơn nêu nguyện vọng gửi cho Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng. Kể lại chuyện này, ông Phùng Quýt cho rằng thực tế vẫn có người chọn hình thức hỏa táng, nhưng việc tuyên truyền chưa được chú trọng nên người dân chưa hiểu rõ rằng hỏa táng là một hình thức mai táng nhẹ nhàng cho cả người đã khuất và người ở lại, không ảnh hưởng đến tâm linh.
Địa táng, thoạt nhìn thì nó không “đốt” nhiều tiền của con cháu người chết, nhưng lại “đốt” vào quỹ đất của thành phố.
Mỗi năm Nghĩa trang Hòa Sơn mất gần 300 triệu đồng cho việc thu dọn vệ sinh, thu gom rác thải các loại, trong đó nhiều nhất và phản cảm nhất là vàng mã. Ảnh: V.T.L |
“Đốt tiền” mua hư danh
Đám tang ở nhà vất vả trăm chiều cho cả tang chủ lẫn hàng xóm. Ngoài chuyện tốn kém, còn gây ảnh hưởng môi trường, làm phiền lòng hàng xóm. Có nhiều người cẩn thận dặn con cháu nếu ông mất đừng đánh nhạc, mình có chuyện buồn mà ò e miết là vừa làm mất đi sự nghiêm trang của lễ tang, vừa gây sự xáo trộn trong cuộc sống của lối xóm. Có đám 3-4 giờ sáng đã dậy chạy xe quanh xóm đánh kẻng ầm ầm. Nghĩa tử nghĩa tận, dù rất chi là không vừa ý nhưng hàng xóm ai cũng bấm bụng làm thinh, nói ra mích lòng.
Đối với các đô thị lớn, giải pháp tối ưu để tránh các phiền hà nói trên và thực hiện văn minh đô thị là xây dựng các nhà tang lễ. Hà Nội có 7 nhà tang lễ nằm rải rác trên địa bàn, đáp ứng cho nhu cầu lễ tang của xã hội, trừ các đám tang ở vùng quê xa hẻo lánh. Đà Nẵng vẫn chưa tạo được thói quen này. Nhà tang lễ ở 103 Quang Trung mỗi tháng chỉ tổ chức một vài đám tang, chủ yếu là của các cán bộ trung, cao cấp.
Hướng đến một Đà Nẵng văn minh, hiện đại, ngày 27-10-2015, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ ký Công văn số 8405/UBND-QLĐTư về việc chủ trương đầu tư công trình Nhà tang lễ với kinh phí gần 2 tỷ đồng tại số 86 Lê Đại Hành, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Theo ông Quýt, Nhà tang lễ mới ở cơ sở 2 của Ban Nghĩa trang Đà Nẵng này là một khu khép kín với khuôn viên trên 800m2 gồm nhà hành lễ, hệ thống lạnh bảo quản tử thi, nơi nghỉ ngơi của bà con thân quyến ở xa và các dịch vụ kèm theo…
Đã đến lúc người Đà Nẵng phải hướng đến một cộng đồng văn hóa, văn minh, trước mắt là trong việc tang – lĩnh vực còn nhiều hủ tục. Ông Nguyễn Duy Thiện, Trưởng ban Nghĩa trang Đà Nẵng, ví như nghi tế “đồ trung”, ngày trước khiêng ma toàn đi bộ, ông bà bày ra lễ tế giữa đường này để dân khiêng được nghỉ ngơi, uống ly nước mà lấy sức đi tiếp, tranh thủ cúng một lễ cho đỡ “chết sân khấu”. Chừ xe cộ chạy ầm ầm, nên bỏ cái lệ xưa này đi cho đỡ cản trở giao thông, đỡ vàng mã bay đầy đường.
Người ta nói trước cái chết mọi người đều bình đẳng, nhưng qua đám tang ngày nay thấy rõ chênh lệch giữa giàu và nghèo, giữa quan chức và dân thường. Hiện vẫn có một số gia đình quan chức chưa gương mẫu trong việc tang, phúng viếng quá nhiều vòng hoa, liễn đối đắt tiền, nhiều xe ô-tô đưa tiễn. Như thế thì làm sao tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh.
Dân gian có câu “Khi sống thì chẳng cho ăn. Đến khi thác xuống làm văn tế ruồi”. Hiếu nghĩa thực lòng là phải biết cung kính, chăm sóc ông bà, cha mẹ từ khi các vị còn sống như lời dạy của người xưa “Thần hôn định tỉnh” – phận làm con là phải sớm chiều thăm hỏi sức khỏe của cha mẹ. Cha mẹ lúc sống không ai đoái hoài, chết xuống con cái làm đám rình rang thì chỉ “đốt tiền” (của mình và người khác) mua hư danh chứ không thể với tới đạo hiếu đúng nghĩa được.
VĂN THÀNH LÊ