Mới đây, trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban An toàn giao thông (ATGT) Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh: “Năm 2016 Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh triển khai Năm văn hóa, văn minh đô thị; trong đó chú trọng trật tự, mỹ quan đô thị, an toàn xã hội và ATGT, xây dựng thành phố an bình”.
Hệ thống đèn tín hiệu tại nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Cách mạng Tháng Tám – cầu Nguyễn Tri Phương chính thức hoạt động sáng 17-3 đã góp phần mang lại bình yên cho người tham gia giao thông. Ảnh: V.P.Q |
Vì sao các bùng binh (đảo giao thông) ở Đà Nẵng lúc thì phình to, lúc lại thu nhỏ? Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hữu Cường giải thích: “Trước đây các nút giao thông ở Đà Nẵng có bùng binh rộng để các phương tiện tự điều tiết giao thông khi đi qua đây. Tuy nhiên, điều này trở nên bất hợp lý khi trong vòng 5 năm trở lại đây thành phố tăng nhanh số lượng ô-tô, mô-tô/xe máy kéo theo lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường, nhất là ở trung tâm thành phố, cũng tăng đột biến theo”.
Khi lượng xe các loại tăng mạnh
5 năm qua (2010 - 2015), theo số liệu của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Đà Nẵng, số ô-tô đã tăng từ 30.802 chiếc lên 51.227 chiếc, số mô-tô/xe máy tăng từ 524.790 chiếc lên 765.549 chiếc. Các con số này chưa dừng lại ở đây, Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư (Sở GTVT) Trần Văn Khánh đưa ra dự báo đến cuối năm 2020 Đà Nẵng sẽ có gần 90.000 ô-tô và gần 1,1 triệu mô-tô/xe máy tham gia giao thông.
Đây là điều khả tín, vì hai nguyên do: (1) từ năm 2018, sau khi hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015, thuế nhập khẩu ô-tô sẽ là 0%; (2) mức thu nhập bình quân đầu người của Đà Nẵng tăng (đến năm 2020 dự kiến đạt 4.000 - 4.500 USD/năm).
Khi phương tiện giao thông tăng mạnh, các bùng binh “khổ lớn” ở Đà Nẵng trở nên mất tác dụng và vô hình trung trở thành “thủ phạm” gây tắc đường, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Để giải bài toán bùng nổ giao thông này, giải pháp khả thi, theo ông Cường, là lắp hệ thống đèn tín hiệu giao thông và thu nhỏ bùng binh để các loại ô-tô, xe máy đi qua đây kịp với chu kỳ đèn.
Đối với các “điểm đen” như giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Cách mạng Tháng Tám, do lưu lượng xe qua đây tăng gấp 4 lần so năm 2015 khiến từ đầu năm 2016 đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe ben, thành phố đã quyết định xóa hẳn bùng binh, làm các đảo dẫn hướng, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu và lắp đặt camera để theo dõi, xử phạt xe ben vi phạm an toàn giao thông.
Khi lưu lượng xe tham gia giao thông ngày một tăng, ông Khánh cho biết, ngành GTVT đã và đang tham mưu, đề xuất UBND thành phố triển khai thực hiện các nội dung liên quan theo đúng quy hoạch được duyệt.
Ngoài việc nghiên cứu cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông hiện hữu và triển khai xây dựng các tuyến đường trục chính đô thị, đường vành đai (phía Tây, phía Nam); phối hợp triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn theo Quy hoạch hệ thống giao thông huyện Hòa Vang đã được phê duyệt; ngành GTVT sẽ triển khai Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020 trong đó tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ, phát triển vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường (các tuyến xe buýt trợ giá, BRT…).
Ở nội thành, khi lưu lượng xe qua các nút giao thông đến độ “quá tải”, các tín hiệu đèn sẽ trở nên “bất lực”, cần phải thay thế bằng các hình thức điều tiết giao thông khác như triển khai đầu tư nút giao thông khác mức (tại giao lộ Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ - Lê Độ), xây dựng hầm chui (đường Trần Phú ở nút phía Tây cầu Sông Hàn),…
Hạ tầng giao thông và an toàn giao thông
Khi nói về nguyên nhân gây tai nạn giao thông, không ít người cho rằng một phần là do đường sá giờ rộng thênh thang, phẳng phiu nên ngồi lên xe là cứ chạy “thả ga” và nguy cơ mất ATGT phát sinh từ đó. Một thành phố không thể gọi là an bình khi ngày lại ngày nghe thấy những tin “xấu” về giao thông.
Trên quan điểm này, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung cho hay, một khi mạng lưới giao thông được nâng cấp, mở rộng, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự, ATGT, hạn chế ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông bền vững.
Trong đó, giải pháp hàng đầu là áp dụng công nghệ tiên tiến trong phân làn, phân luồng giao thông, đặc biệt là ở các nút giao thông; tổ chức các làn đường ưu tiên cho tổ chức giao thông phi cơ giới và xe buýt; triển khai thí điểm giải pháp tổ chức giao thông cho người đi bộ tại các khu vực có khách du lịch tập trung đông người; nghiên cứu đề xuất triển khai lưu thông một chiều trên các tuyến nội thị, chấn chỉnh tình trạng đỗ ô-tô tràn lan trên đường.
Để công tác quản lý Nhà nước về đảm bảo trật tự ATGT ngày càng hiệu quả hơn, theo ông Trung, ngành GTVT đề xuất UBND thành phố trước mắt cho phép triển khai lắp đặt camera giám sát tại các nút giao thông trọng điểm, các tuyến đường có nguy cơ cao về tai nạn giao thông.
Hạ tầng giao thông đã góp phần tạo nên mỹ quan đô thị, mang lại sự thông thoáng cho các loại xe đi lại trên đường. Công dân thành phố đã đến lúc nâng cao hơn ý thức khi tham gia giao thông, vì sự an toàn của chính mình và người chung quanh, nhất là trong bối cảnh 2016 là năm Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh triển khai Năm văn hóa, văn minh đô thị; trong đó chú trọng trật tự, mỹ quan đô thị, an toàn xã hội và ATGT, xây dựng thành phố an bình.
Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung: Mạng lưới đường bộ ở Đà Nẵng phát triển mạnh Thời gian qua, ngành giao thông vận tải Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả khả quan, đáng khích lệ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước và xây dựng, phát triển thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Về mạng lưới đường bộ trên địa bàn, năm 1997 tổng chiều dài chỉ khoảng 420km, phần lớn là đường có chất lượng kém do nhiều năm không được trùng tu, thậm chí gần 21% đường đô thị là đường đất; đường tỉnh (tỉnh lộ) chỉ khai thác mùa khô và chỉ có 9/96km được rải nhựa; chỉ có 3 cầu (từ 25m trở lên) với tổng chiều dài chưa đến 1,3km; Năm 2015, mạng lưới đường bộ toàn thành phố có chiều dài trên 1.200km, hầu hết là đường bê-tông nhựa, đã có 41 cầu (từ 25m trở lên) với tổng chiều dài gần 10,8km. Ở nông thôn, các tuyến đường liên thôn, liên xã được bê-tông hóa và nhựa hóa, một số công trình cầu quan trọng (cầu sông Yên, cầu Tà Lang, cầu Trường Định, cầu Diêu Phong...) được xây dựng hoặc cải tạo nâng cấp đã phát huy hiệu quả, đáp ứng kịp thời sự phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn, giúp kết nối thông suốt mạng lưới giao thông đến các xã, các thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống và thu nhập của nông dân. P.V |
VIÊN PHÚC QUÂN