.
Nghĩ

Tìm đâu thực phẩm sạch

Mỗi tối, trước chương trình thời sự lúc 19 giờ, Đài Truyền hình Việt Nam lại đều đặn phát đoạn phim tuyên truyền với thông điệp tẩy chay thực phẩm bẩn. Trong đoạn phim đó, một phụ nữ quả quyết: “Tôi không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc cho gia đình”.

Giờ phát đoạn phim cũng là giờ cơm tối của nhiều gia đình. Xem đoạn phim kéo dài chỉ 2-3 phút đó, có lẽ không ít bà nội trợ lại ngẩn ngơ ao ước: Làm sao mình được như người phụ nữ kia? Mình tìm thực phẩm rõ nguồn gốc ở đâu cho con, cho chồng ăn?

Để “biết” được nguồn gốc của thực phẩm, các mẹ, các chị không còn cách nào khác ngoài… hỏi người bán, dẫu rằng, câu hỏi đó là vô nghĩa. Mít Thái qua miệng người bán cũng sẽ thành mít quê; mỗi loại trái cây lại từ một miền Tổ quốc đưa về nhưng tuyệt nhiên không có loại nào đến từ Trung Quốc dẫu cho thùng cạc-tông đựng bên ngoài ghi tiếng Trung; miếng thịt heo nần nẫn nạc “dán” vào lớp da mỏng tựa giấy luôn từ Đại Lộc, Quảng Nam ra, do mối quen nuôi, đảm bảo không tiêm thuốc tăng trọng; mớ rau muống, rau cải non mướt, xanh um hay quả cà tím ngắt, bóng thẫm từ cuống đến ngọn đa phần từ vườn nhà ra… Thật thà hơn, một số người bán lại chọn câu trả lời gián tiếp: “Đến cả gạo còn phun thuốc thì đừng hỏi nhiều làm gì!”… Và các mẹ, các chị thôi không hỏi nữa, chỉ còn biết tần ngần, do dự nâng lên, đặt xuống nải chuối, trái cam, mớ rau, miếng thịt rồi thể nào cũng phải kêu người bán tính tiền!

Khi thông tin dưa cải muối, măng tươi có chứa chất vàng ô được đăng tải trên phương tiện truyền thông, món ăn này vẫn không vắng mặt hay giảm giá tại các chợ, người bán luôn miệng cam đoan thậm chí… thề rằng thau dưa mình muối không có loại chất độc chết người đó. Và người mua vin vào lời thề của người bán để tự trấn an mình khi đối mặt với nỗi sợ dành cho dưa muối nói riêng và tất cả các thực phẩm khác bán tại chợ nói chung.

Chương trình thời sự trên truyền hình gần đây đưa tin, đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài, bên cạnh việc tuân thủ các quy định về kỹ thuật trồng trọt, chất lượng sản phẩm, Việt Nam phải chiếu xạ để đảm bảo những sản phẩm này không có vi khuẩn. Những mặt hàng nông sản này không chỉ không có thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng mà còn không có cả vi khuẩn, sạch tuyệt đối. Như vậy, Việt Nam vẫn có thể sản xuất nông sản sạch, tiệt trùng, tuy nhiên, những sản phẩm đó không dành cho người Việt. Cũng là người nhưng không hiểu vì sao người dân mình lại phải chịu thiệt thòi như vậy…

Đất nước đã qua rồi thời “gạo châu, củi quế”, kinh tế ngày một dư dả, người Việt có lẽ đã đủ tiền để lo cho việc ăn - nhu cầu cơ bản nhất của con người, thế nhưng, dù giàu hay nghèo, tất cả đều phải đối mặt với nguy cơ thực phẩm bẩn như một điều hiển nhiên. Không biết ai, cơ quan chức năng nào phải chịu trách nhiệm khi bữa ăn của mỗi gia đình bị đầu độc mỗi ngày? Không biết ai sẽ giúp con số đáng sợ vừa được Bộ Y tế công bố ngày 12-4-2016 giảm xuống khi mỗi năm nước ta có khoảng 150.000 người mới mắc bệnh ung thư và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư. Như vậy, trung bình mỗi ngày 205 người chết vì ung thư…

Tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 4 (mở rộng), ngày 13-4, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh đã yêu cầu thành lập lại Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố và triển khai các hoạt động siết chặt quản lý thực phẩm bẩn. Theo đó, sẽ áp dụng chế tài mạnh đối với những tiểu thương kinh doanh thực phẩm bẩn, lấy đây làm nền tảng cho việc xây dựng thành phố “4 an”: “an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội”. Những chỉ đạo đó của Bí thư Thành ủy cần được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả để thực sự loại khỏi hệ thống chợ trong thành phố những thực phẩm bẩn và cả những người buôn bán đặt lợi nhuận lên trên sức khỏe cộng đồng.

NHẬT XUÂN

;
.
.
.
.
.