Một lương y đàn anh, trên tuổi thất thập ở Hà Nội, đang chăm mẹ ốm mấy tháng nay, đã chia sẻ với tôi rằng thời gian qua anh trụ nổi chủ yếu là nhờ vào những cuốn sách của thầy Thích Nhất Hạnh đọc trên YouTube. Nhân tiện anh lưu ý tôi nên tìm hiểu về cây rau rịa, một vị thuốc có nhiều tác dụng quý của người Thượng có nhắc đến trong tập bút ký Nẻo về của ý anh vừa đọc.
Rau bép hay Lá nhíp được trồng xen trong vườn điều ở Bình Phước. (Ảnh: danviet.vn) |
Vị lương y này vốn là tác giả nhiều cuốn sách, hàng trăm bài báo về Đông y, và là con trai trưởng của một cố giáo sư đầu ngành dược liệu. “Rằng quen mất nết đi rồi”, nên khi đọc sách văn chương, đạo học, anh cũng đau đáu vấn đề… truy tìm cây thuốc.
Theo gợi ý của anh, tôi lật lại cuốn Nẻo về của ý, tìm trong chương 5, thấy có mấy chi tiết thế này: “Rau rịa là một thứ lá rừng ăn rất ngon; người Thượng nào cũng ưa thích (…). Ta chỉ có thể hái được những đọt lá non màu hồng tím (…). Người Thượng có thể bán cho người Kinh bất cứ thứ gì họ kiếm được ở rừng: tre, mây, phong lan, thịt nai, măng, v.v... nhưng không bao giờ bán lại rau rịa. Họ nói không ăn rau rịa thì hai chân sẽ nhức mỏi; đi rừng nhấc chân không nổi (…). Họ đem rau rịa giã nát ra, rồi trộn với ít muối. Xong họ đổ thêm nước và đun sôi lên. Thế là họ có món ăn mà họ ưa thích nhất”.
Tiếp tục tra tìm trên Google, tôi lần tìm được tài liệu cho biết theo đồng bào Raglai ở Khánh Hòa, rau rịa (djap viaq) còn gọi là rau dạ chim cu gáy, có thể thay thịt để nấu canh với đọt mây đắng nhưng ăn rất ngọt, thơm. Ở vùng Di Linh, Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) rau Rịa còn gọi lá Nhíp. Người Thượng gọi đọt rịa non là “Biáp nse”, lá rịa già là “Biáp Pù”, món ăn đọt rịa hấp ống tre là “Biáp Prùng”. Danh pháp khoa học là Gnetum gnemon L. (thuộc họ Gắm – Gnetaceae).
Sách Cây cỏ Việt Nam của Phạm Hoàng Hộ, ghi nhận có 3 thứ của loài này gồm: G.gnemon var. domesticum; G.gnemon var. griffithii; G.gnemon var. tenerum, tiếng Việt là gọi là Bét, Gắm, Phác nang.
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam của Võ Văn Chi, thì Gnetum gnemon L. var. griffithii Markgr., có tên chính thức là Rau bép, còn gọi rau ranh (rau danh).
Rau bép là cây nhỏ, cao 2-3m; lá mọc đối, rộng 2-6cm, thuôn, có mép thường song song; cụm hoa ngắn, gồm những vòng sít nhau, cụm hoa đực thoái hóa thành dạng mỏ nhọn; quả gần hình cầu, cỡ 1,4 x 0,9cm, có 1 hạt, có mũi cứng ngắn ở đầu, có lông nhung.
Rau bép là cây ưa bóng hay nơi có ít ánh sáng, mọc rải rác hay thành từng đám ở dưới tán rừng rậm thường xanh cây lá rộng nguyên sinh hay thứ sinh, có khi cả ở rừng lồ ô, đất có tầng dày và ẩm, độ cao khoảng 200 – 1.000m; gặp nhiều ở vùng núi thấp ở Quảng Nam, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Khánh Hòa; còn phân bố ở Bắc Ấn Độ và Malaysia. Ngoài rau bép, còn có rau bép cây hay Gắm cây – G.gnemon L. var. gnemon (G.gnemon L. var. domesticum) cũng cho quả, lá non làm rau ăn tương tự.
Rau bép khi còn non, mỏng và mềm, màu lục nhạt, dùng nấu canh ăn rất ngon, ngọt. Hạt rang lên ăn bùi như đậu phộng.
Nghiên cứu thành phần hóa học cho thấy lá và hạt rau bép đều giàu dinh dưỡng. Trong 100g hạt (70-80 hạt) chứa nước 30g, protein 11g, lipid 1,7g; carbohydrat 50g, tro 1,7g. Lá giàu protein, chất khoáng và vitamin A và C. Cứ 100g (lá non của G.gnemon var. tenerum) có nước 75,1g, protein 6,6g, lipid 1,2g, carbohydra 9,1g, xơ 6,8g, tro 1,3g, phosphor 224mg, calcium 151mg, sắt 2,5mg và vitamin A 10.899 IU.
Kết quả phân tích trong một nghiên cứu mới đây cho thấy trong lá bép có tới 16 loại Amino acid (trong số 20 Amino acid quan trọng không thể thiếu đối với con người) tham gia xây dựng Protein nhằm bảo đảm các chức năng xúc tác, miễn dịch, vận chuyển… cho các hoạt động sống hàng ngày của cơ thể.
Thành phần cũng như hàm lượng các chất khoáng trong lá bép khá cao, trong đó K, Fe, Cu, Zn, Mo, Mg và Mn cao hơn nhiều so với xà lách, bông cải trắng…
Hàm lượng đường trong lá bét cũng đạt 0,93%, do vậy khi nấu canh có vị ngọt; đồng thời với hàm lượng đường khử 0,88% giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ nguồn năng lượng này một cách nhanh chóng.
Các thành phần này ngoài cung cấp nguồn dinh dưỡng còn có khả năng giúp gan thải trừ một số độc chất cho cơ thể.
Như vậy rau rịa hay lá bép là loài rau bổ dưỡng, được đồng bào các dân tộc thiểu số sử dụng lâu đời, và là nguồn thực phẩm quý của cán bộ, bộ đội ta trong chiến khu (“Lá bép rau rừng thêm thắm tình anh nuôi” – lời bài hát “Nổi lửa lên em” của Huy Du). Hiện nay, loài rau rừng này đang được các nhà hàng cao cấp chế biến làm nhiều món ăn đặc sản. Chính vì vậy mà một số tỉnh như Lâm Đồng, Bình Phước đã nghiên cứu và xây dựng một số mô hình trồng rau bép thương phẩm có hiệu quả kinh tế cao.
Theo chúng tôi, thành phố Đà Nẵng cũng nên nghiên cứu học tập áp dụng mô hình trồng rau bép và các loại rau rừng khác để phục vụ cho nhân dân và du khách, nhất là trong bối cảnh phát động “nói không với thực phẩm bẩn” hiện nay.
PHAN CÔNG TUẤN