Khi cuộc sống của mình đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần, hãy để tâm đến những mảnh đời bất hạnh chung quanh bạn, những người rất cần đến sự sẻ chia, nâng đỡ của những trái tim hồng, những tấm lòng vàng…
Anh Nguyễn Bồng bị cụt một cánh tay làm nhiệm vụ cân mâm xe bằng máy vi tính tại Công ty Ân Điển. (Ảnh do đơn vị cung cấp) |
Người từ chối giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
Chị Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Ân Điển là một trong những người có cách tuyển nhân viên... không giống ai. Người đến xin việc, chỉ cần ghi “mồ côi cha mẹ” trong hồ sơ là coi như đã được chị đồng ý đến 60%. Ngoài ra, chị còn ưu tiên nhận người khuyết tật (NKT) vào làm việc và bố trí công việc phù hợp.
Lĩnh vực kinh doanh chính của Ân Điển là mua bán các loại lốp, mâm xe, bình điện ô-tô và thiết bị văn phòng. 8 năm qua, chị đã nhận 6 nhân viên là NKT. Hai anh làm bảo vệ, một khoèo tay, một nói ngọng. Các nơi khác chọn bảo vệ với nhiều tiêu chuẩn khắt khe, chị thì chỉ cần các anh làm một số công việc như: coi ngó xe, quét bụi trên xe của khách hàng; thu dọn ốc vít rơi vãi trên sàn; phụ trách chấm công, nhắc nhở công nhân làm việc...
Một anh cụt tay được chị nhận vào nhưng chưa biết bố trí công việc gì. Tháng đầu chị vẫn trả lương nhưng để anh đến xem cụ thể các hoạt động của công ty và tự tìm công việc thích hợp. Được một thời gian, anh xin nhận nhiệm vụ đi giao hàng, trực tiếp đưa hóa đơn cho khách xác nhận đã nhận hàng đúng chất lượng và đủ số lượng.
Một anh khác cụt một cánh tay phụ trách cân mâm xe bằng máy vi tính… Nói chung, chị bố trí người nào việc nấy phù hợp với điều kiện sức khỏe của từng người. Thấy họ quen dần với công việc, chị cảm thấy bằng lòng vì họ cũng có những đóng góp nhất định cho xã hội.
Cả công ty chỉ có 18 người, trong đó có 6 nhân viên là NKT. Theo quy định của pháp luật về thuế, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Chị Liên kể, một cán bộ công tác ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng khuyên chị nên làm thủ tục để được miễn thuế, lấy số tiền này về giúp lại cho lao động là NKT của công ty.
Chị không làm thế, bởi nghĩ mình nhận NKT vào làm là từ tấm lòng chứ không phải để mang tiếng là lợi dụng họ để được miễn thuế và cũng không muốn bản thân NKT nghĩ sai về mình, rằng “nhờ tụi tôi mà bà thu được lợi nhuận trong kinh doanh”.
Ghi nhận “tấm lòng vàng” của chị, tại Hội nghị biểu dương NKT, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ 5 tổ chức hôm 8-4 vừa qua tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã trao tặng chị Bằng khen.
Làm từ thiện cho… Trung tâm Từ Thiện
Không khỏi ngạc nhiên khi điện thoại cho Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp Từ Thiện (Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng) Lê Tấn Hồng thì anh bảo từ đầu tháng 11 năm ngoái, trung tâm đã chuyển từ cơ sở cũ trên đường Lê Văn Hiến về địa điểm mới gần UBND phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Cơ ngơi mới khang trang với khối nhà 3 tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm cho 60 thanh-thiếu niên mồ côi, khuyết tật (câm điếc, động kinh, khuyết tật vận động, chậm phát triển trí tuệ…).
Trung tâm hoạt động dựa trên một phần nỗ lực tự thân và chủ yếu là kinh phí vận động từ các tổ chức từ thiện như: Brittany’s Hope Foundation (BHF), Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF), Fida International – Phần Lan…
Ông Hồng kể, qua Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng, BHF đã khảo sát và đồng ý hỗ trợ kinh phí dạy nghề cho NKT tại trung tâm từ tháng 1-2010. Đây là nguồn quỹ do giáo sư các trường đại học ở Mỹ đã nghỉ hưu
đóng góp, chủ yếu giúp cho Việt Nam. BHF hỗ trợ mỗi chu kỳ 3 năm, nếu năm đầu mà trung tâm thực hiện không đạt theo yêu cầu đặt ra thì BHF sẽ “cắt” dự án.
Mỗi quý, BHF hỗ trợ 70 triệu đồng để trung tâm chi trả một phần phụ cấp cho 4 giáo viên dạy nghề và tiền ăn cho 15 – 20 học viên. Ngoài ra, BHF còn hỗ trợ trang thiết bị tùy theo nhu cầu bức thiết của việc dạy nghề cho NKT tại trung tâm. Chẳng hạn như năm 2013, BHF trang bị 5 máy làm hương, 5 máy may công nghiệp, 2 máy vắt sổ…
Khi trung tâm chuyển về địa điểm mới, nước ăn, uống đã có hệ thống cấp nước sạch riêng, nhưng nước sinh hoạt thì bị nhiễm phèn nặng. Theo đề xuất của lãnh đạo trung tâm, BHF đã cử người đến kiểm tra thực tế và sau đó hỗ trợ lắp đặt một máy lọc phèn trị giá 13 triệu đồng để các em có nước tắm rửa, giặt giũ. Dịp này, BHF còn tặng thêm các em trang phục và giày thể thao.
Nguồn hỗ trợ của BHF chiếm khoảng 30% – 40% kinh phí hoạt động hằng năm của trung tâm. Ngoài ra, các chùa, các nhà hảo tâm (chủ yếu ở Đà Nẵng) ủng hộ vật dụng các loại, lương thực thực phẩm; có năm lên đến 60% kinh phí của trung tâm.
Mỗi năm trung tâm tự trang trải được 15 – 20% kinh phí, trong đó phần lớn từ hỗ trợ của Sở LĐ-TB&XH thành phố qua việc cung cấp hương trị giá trên 100 triệu đồng cho các nghĩa trang liệt sĩ trực thuộc Sở. Các tiệm bán đồ tang lễ, các chùa nhận ký gửi hương, liễn đối do các em thêu và kết cườm. Một số đơn vị như Xí nghiệp 309 (Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Vạn Tường) đặt in các biểu mẫu vật tư, Công ty TNHH Tứ Xuân đặt may các túi đựng đồ trang sức…
Chung lòng chia sẻ nỗi đau
Nhiều tổ chức từ thiện trao tặng phương tiện sinh kế cho NKT như máy may, tủ bán bánh mì… Cuối năm 2015, Hội Bảo trợ NKT và Trẻ mồ côi Đà Nẵng cho ra đời Công ty TNHH Tâm Ánh Minh nhằm dạy nghề, tạo thu nhập cho chính bản thân NKT từ 1,5 – 4 triệu đồng/tháng. Biết rõ cuộc sống của những cảnh đời bất hạnh này còn nhiều khó khăn, nên các nhà hảo tâm thỉnh thoảng tài trợ cho họ các chuyến tham quan du lịch, các buổi sinh hoạt giao lưu, tặng quà lưu niệm... Chưa phải là nhiều, nhưng cũng đã góp phần làm họ vơi đi nỗi buồn thân phận.
Có lần, người viết chứng kiến một bà mẹ ôm đứa con bị di chứng chất độc da cam nhờ anh xe thồ đưa đi tìm một địa chỉ nhân đạo theo giới thiệu của người quen. Đến nơi này người ta lại chỉ đi chỗ khác, hai mẹ con lả người giữa trưa nắng. Một vài người đi đường biết mình không giúp được gì, chỉ lén giúi vào tay người mẹ chút tiền gọi là…
Khi cuộc sống của mình đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần, hãy để tâm đến những mảnh đời bất hạnh chung quanh bạn, những người rất cần đến sự sẻ chia, nâng đỡ của những trái tim hồng, những tấm lòng vàng. Đà Nẵng đang phấn đấu trở thành “Thành phố đáng sống” mà một trong những tiêu chí là người bất hạnh được sẻ chia, được sống trong một cộng đồng giàu tình thương từ những trái tim, những tấm lòng nhân ái.
VĂN THÀNH LÊ