.
Tuyển sinh 2016

Lưu ý chính sách ưu tiên và điều kiện tuyển sinh

.

Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, có nhiều trường hợp thí sinh vừa cầm giấy thông báo trúng tuyển đến các trường ĐH làm thủ tục nhập học thì cũng là lúc biết mình bị trượt do sai sót trong cộng điểm ưu tiên. Bắt đầu từ ĐH Huế với 55 thí sinh đang từ đỗ trở thành trượt, sau đó là ĐH Đà Nẵng rồi đến một số trường ĐH ở phía Nam công bố một loạt danh sách những thí sinh rơi vào “sự cố” tương tự do khai không đúng chế độ ưu tiên khu vực hoặc đối tượng.

Thí sinh làm thủ tục trước khi vào phòng thi, kỳ thi THPT quốc gia 2015, cụm thi ĐH Đà Nẵng chủ trì.
Thí sinh làm thủ tục trước khi vào phòng thi, kỳ thi THPT quốc gia 2015, cụm thi ĐH Đà Nẵng chủ trì.

“Lỗi 06, 01”

Trong số 55 trường hợp thí sinh từ đỗ thành trượt của ĐH Huế, có 25 trường hợp do sai đối tượng ưu tiên trong quá trình thí sinh khai hồ sơ xét tuyển. Số lượng thí sinh buộc phải thay đổi nguyện vọng, chuyển ngành, chuyển trường hoặc từ đỗ thành trượt trong đợt tuyển sinh 2015 vừa qua của ĐH Đà Nẵng còn nhiều hơn thế.

Hầu như các cơ sở giáo dục đại học thành viên của ĐH Đà Nẵng, trường nào ít thì có khoảng từ 5 - 10 thí sinh, có trường lên tới 44 trường hợp thay đổi kết quả tuyển sinh do không còn được cộng điểm ưu tiên. Theo thống kê của các trường ĐH, những sai sót, nhầm lẫn phổ biến của thí sinh trong khai hồ sơ cộng điểm ưu tiên thường là sai đối tượng ưu tiên 06 và đối tượng 01.

GS, TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhận xét: “Hầu hết, thí sinh hiểu sai minh chứng để được hưởng đối tượng ưu tiên 06. Các minh chứng sai chủ yếu là: Có quyết định trợ cấp một lần do Quân khu cấp chứ không phải là của Sở LĐ-TB&XH cấp.

Có các loại huân, huy chương khác với các loại huân chương, huy chương quy định trong Nghị định 31/2013/NĐ-CP gồm Huân chương Kháng chiến hoặc Huân chương Chiến thắng; Huy chương Kháng chiến hoặc Huy chương Chiến thắng.

Một sai sót nữa thường gặp là thí sinh hiểu sai đối tượng con thương binh, theo đó nhiều thí sinh nhầm lẫn giấy chứng nhận tai nạn lao động của cha mẹ, kể cả tai nạn lao động trong thời gian trong quân ngũ được hưởng chính sách của con thương binh.

Cũng có nhiều trường hợp khai không đúng đối tượng là con của người dân tộc thiểu số để được hưởng ưu tiên”. Như trường hợp của SV L.T.T.H., theo hồ sơ, T.H. khai là con thương binh, đối tượng 4, được hưởng 2 điểm ưu tiên đối tượng và trúng tuyển vào ngành Hệ thống thông tin quản lý, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng. Nhưng theo như kết quả kiểm tra sau khi nhập học thì hồ sơ minh chứng là con của người mất sức lao động chứ không phải là con thương binh, không được cộng điểm ưu tiên nên không trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế, buộc phải thôi học chỉ sau một tháng nhập học.

Nghiên cứu kỹ quy chế tuyển sinh

Theo quy chế mới, năm 2015, các trường ĐH, CĐ chỉ kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ gốc của các em sau thời gian nhập học, thí sinh phải chịu trách nhiệm trước những kê khai của mình nên mới xuất hiện tình trạng trên. Từ năm 2014 trở về trước, các trường ĐH, CĐ trực tiếp nhận hồ sơ dự thi của thí sinh và bộ phận xử lý hồ sơ đã kiểm tra, giúp HS điều chỉnh trước khi tổ chức kỳ thi và báo gọi nhập học nên ít xảy ra sai sót.

Về mặt chủ quan, theo như phân tích của PGS, TS Lê Văn Anh - Phó GĐ ĐH Huế, có thể sai sót do khi làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia, thí sinh không nghiên cứu kỹ các quy định về chính sách ưu tiên nên khai không chính xác về khu vực ưu tiên hoặc đối tượng ưu tiên; hoặc do một số thầy cô ở các trường THPT do không nắm kỹ hoặc chưa thật chu đáo khi hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi nên dẫn đến việc khai không đúng với quy chế.

Như trường hợp 15 thí sinh đến Trường ĐH Sư phạm Huế làm thủ tục nhập học theo giấy báo trúng tuyển thì được thông báo trượt ĐH vì hạnh kiểm 3 năm không đạt loại khá trở lên. Nguyên nhân xuất phát từ chính thí sinh khi làm hồ sơ đăng ký nguyện vọng vào trường đã không nghiên cứu kỹ các điều kiện kèm theo của trường trong quy chế tuyển sinh.

Trong các chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm nay, các chuyên gia tư vấn đến từ Bộ GD&ĐT, các trường ĐH lưu ý rất kỹ với thí sinh cần cẩn trọng trong khai các chế độ cộng điểm ưu tiên, tránh bị trượt oan như một số thí sinh mắc phải như năm vừa rồi. Theo đó, khi làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia, thí sinh cần nghiên cứu kỹ các quy định về chính sách ưu tiên khu vực và đối tượng để khai đúng với quy chế.

Cũng rút kinh nghiệm từ mùa tuyển sinh năm 2015, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, thì thí sinh phải chú ý trong việc kiểm tra lại thông tin cá nhân sau khi đã nhập dữ liệu để việc chỉnh sửa thông tin được diễn ra sớm hơn. Mỗi thí sinh đều có tài khoản cá nhân để kiểm tra thông tin nhưng hầu như rất ít thí sinh thực hiện thao tác này, dẫn đến việc chỉnh sửa các sai sót tiến hành muộn, vừa ảnh hưởng đến tâm lý thi cử của thí sinh cũng như các khâu sau đó của toàn hệ thống.

Riêng về tài khoản đăng nhập phần mềm quản lý thi, để bảo mật thông tin, thí sinh nên thay đổi ngay mật khẩu sau khi nhận được tài khoản. Tài khoản này được thí sinh dùng để đăng nhập vào phần mềm quản lý thi từ khi đăng ký dự thi đến khi xem kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT, xét tuyển sinh ĐH, CĐ nên cần giữ kín tài khoản và mật khẩu của mình.

HÀ TRẦN

;
.
.
.
.
.