Đà Nẵng cuối tuần

Giữ bình yên bên gác chắn

18:08, 22/05/2016 (GMT+7)

Vào ca, những người làm nghề gác chắn đường sắt phải bảo đảm lộ trình tàu chạy đúng giờ, chuyến tàu chạy qua an toàn, người dân tuân thủ quy tắc điều hành của trạm gác. Với hơn 20 nhân viên nữ đảm nhận công việc này trên cung đường sắt đi qua Đà Nẵng, những khó khăn, nhọc nhằn của nghề không làm họ giảm phần yêu nghề, say mê với công việc.

Ngô Thị Khánh Linh với công việc hằng ngày tại gác chắn tàu trạm Ngô Thì Nhậm.
Ngô Thị Khánh Linh với công việc hằng ngày tại gác chắn tàu trạm Ngô Thì Nhậm.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Giao thông vận tải 2, chuyên ngành Gác chắn, Ngô Thị Khánh Linh (23 tuổi), công nhân trạm chắn ngang Km 784+895, tuyến đường sắt Ngô Thì Nhậm đã có 5 năm gắn bó với nghề. Công việc diễn ra hằng ngày, hằng giờ, bắt buộc chị phải thường trực tại ga để canh giữ bình yên cho mỗi chuyến tàu. Trong gia đình, ngoài Linh, hai bác của chị hiện đang làm việc tại trạm chắn Phước Tường. Tuổi thơ của Linh đầy ắp tiếng còi tàu reo vang trong những ngày theo bác ra trực ở trạm gác chắn, thế rồi mến cái nghề này lúc nào không hay.  

Cùng nghề với Linh, Nguyễn Thị Phương (21 tuổi) làm tại trạm chắn Km 785+323 đường Nguyễn Sinh Sắc. Phương cũng tốt nghiệp chuyên ngành Gác chắn tại Trung tâm Dạy nghề quận Liên Chiểu. Ba năm qua là khoảng thời gian để cô gái quê Hà Nam thích nghi với công việc và môi trường sinh hoạt ở Đà Nẵng. Như Linh, Phương cũng có một người cậu cùng nghề, ông có 50 năm gắn cuộc đời mình theo từng đoạn đường sắt. Chị chia sẻ: “Công việc của mình là trực ban, nghe điện thoại nhận thông tin tàu tới, ghi chép giờ giấc lộ trình để kéo còi cho đúng giờ quy định. Khi tàu đi qua an toàn và không gặp phải trở ngại gì, lúc đó Phương mới thở phào nhẹ nhõm”.

Công việc tưởng chừng đơn giản này lại đòi hỏi nghiêm ngặt về mặt thời gian. Trung bình một ngày có 17-18 chuyến tàu nhưng vào dịp lễ, Tết thì áp lực nhân lên gấp đôi vì tàu tăng thêm chuyến. Có những chuyến, thời gian chạy tàu không cố định nên trong đầu chị cũng luôn thường trực hai chữ tỉnh táo. Nếu không nắm rõ thông tin từ nhà ga, không kịp thời đóng chắn sẽ rất dễ gây tai nạn. Một tuần, các chị phải trực đêm 3-4 buổi, từ 5 giờ 30 đến 7 giờ sáng hôm sau. Ngoài những chuyến tàu, chỉ có tách cà-phê làm bạn với các chị trong những đêm trắng.

Những bữa cơm xa gia đình, những cái Tết không trọn vẹn dần trở nên quen thuộc với họ. Giữa tiết trời nắng nóng ngày hè hay đêm đông lạnh giá, họ vẫn âm thầm lặng lẽ với tinh thần trách nhiệm của mình. Ngoài giờ trực, các cô gái còn phân công lao động dọn vệ sinh dọc đường sắt để giữ cảnh quan đường tàu luôn sạch đẹp.

Giúp đỡ người tham gia giao thông qua lại đường ngang và giải quyết các chướng ngại trên đường luôn là nhiệm vụ mà tổ gác chắn đưa lên hàng đầu. Tuy nhiên, không ít người thiếu ý thức bất chấp chuông và đèn báo, ngang nhiên xô đẩy rào chắn hoặc bắt ép người kéo gác phải tháo cửa rào để họ băng qua đường. Gặp trường hợp này, các chị kiên quyết không mở rào để bảo vệ tính mạng cho người tham gia giao thông.

Tổ gác chắn của Phương có ba nữ. Ba chị em thương yêu nhau, san sẻ khó khăn trong công việc cũng như sinh hoạt, với Phương tình cảm đó giúp cô nguôi ngoai nỗi nhớ gia đình, và thêm vững tin hơn để tiếp tục giữ an toàn cho mỗi chuyến tàu qua.

MINH THÀNH - CẨM DUYÊN

.