Đà Nẵng cuối tuần

Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động: Như muối bỏ bể

06:25, 08/05/2016 (GMT+7)

Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một trong những nội dung bắt buộc của công tác bảo hộ lao động, nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho người lao động (NLĐ), xử lý những tình huống trong quá trình sản xuất… Tuy nhiên, kết quả công tác này so với yêu cầu thực tế hiện còn một khoảng cách khá xa.

Hiện công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động còn khoảng cách khá xa với yêu cầu thực tế.  TRONG ẢNH: Hội nghị tập huấn an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ Công đoàn cơ sở. (Ảnh do Công đoàn Các khu công nghiệp và Chế xuất thành phố cung cấp)
Hiện công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động còn khoảng cách khá xa với yêu cầu thực tế. TRONG ẢNH: Hội nghị tập huấn an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ Công đoàn cơ sở. (Ảnh do Công đoàn Các khu công nghiệp và Chế xuất thành phố cung cấp)

Doanh nghiệp chờ thông báo mới đi… huấn luyện

Xưởng cơ khí V.S (đã được đổi tên) chuyên hàn, gia công các loại sắt, thép dân dụng trên đường Dũng sĩ Thanh Khê đi vào hoạt động từ tháng 2-2014, với 8 nhân công hợp đồng, song cả chủ và thợ tại xưởng này, đến nay vẫn chưa học qua một lớp huấn luyện về ATVSLĐ nào, dù chỉ là lớp ngắn ngày. “Chưa, chỗ tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc cho thợ đi huấn luyện ATVSLĐ, cũng không nghe ai thông báo phải đi cả”, anh T.Q.H – chủ xưởng, thật thà nói.

Tìm hiểu tại một số doanh nghiệp nhỏ, lẻ chuyên sản xuất, gia công các loại đồ gỗ, sắt, thép... có đăng ký kinh doanh khác, chúng tôi nhận được câu trả lời chung: chưa biết huấn luyện ATVSLĐ là gì! Theo chủ các doanh nghiệp này, lý do họ chưa cho nhân công đi học, vì nhân công của họ chủ yếu là lao động thời vụ, trả lương theo ngày công.

Họ không biết rằng, theo Điều 102, Bộ luật Lao động quy định: trước khi nhận việc, NLĐ, kể cả người học nghề phải được hướng dẫn, huấn luyện ATVSLĐ và được huấn luyện định kỳ ít nhất mỗi năm một lần, thời gian huấn luyện ít nhất 2 ngày; NLĐ làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ phải được tham dự khóa huấn luyện ATVSLĐ, được kiểm tra, sát hạch và được cấp thẻ an toàn trước khi nhận việc, thời gian huấn luyện ít nhất 3 ngày…  Các chủ xưởng cũng không biết rằng, bản thân họ cũng bắt buộc phải qua các lớp huấn luyện, đào tạo ATVSLĐ khi bắt đầu sản xuất. “Thực tình chúng tôi chỉ lo xin giấy phép, được rồi thì lao đầu vào kinh doanh, chứ không nắm rõ hết luật”, chủ một xưởng gia công đồ gỗ nội thất nói.

Theo số liệu tổng hợp từ các đơn vị tổ chức huấn luyện ATVSLĐ trên địa bàn, trong năm 2015, tổng số NLĐ (thuộc nhóm 3, 4) được học qua các lớp huấn luyện là 11.251 người và số người làm công tác quản lý (nhóm 1, 2) được huấn luyện chỉ 761 người.

Trong khi đó, theo Sở LĐ-TB&XH, hiện có gần 15.000 doanh nghiệp lớn, nhỏ đang sản xuất kinh doanh trên toàn thành phố. Như vậy, trung bình gần 20 doanh nghiệp mới có 1 doanh nghiệp cử 1 quản lý đi học huấn luyện ATVSLĐ và có doanh nghiệp có đến hàng trăm, hàng ngàn nhân công nhưng chỉ có 1 người lao động đi học. Trong khi đó, “Theo tinh thần Thông tư 27, chúng ta đang hướng tới mục tiêu “phủ sóng” toàn bộ, nghĩa là 100% người lao động được huấn luyện”, một cán bộ sở LĐ-TB &XH nói.

Người lao động thời vụ tại các xưởng sản xuất, gia công nhỏ lẻ thường không được huấn luyện an toàn lao động.
Người lao động thời vụ tại các xưởng sản xuất, gia công nhỏ lẻ thường không được huấn luyện an toàn lao động.

Khó quản chất lượng huấn luyện

Theo nhìn nhận của một giảng viên đã và đang tham gia giảng dạy nhiều lớp huấn luyện ATVSLĐ uy tín trên địa bàn thành phố, đối tượng quản lý (nhóm 1, 2) tham gia các khóa huấn luyện “đúng tinh thần học tập”, chủ yếu thuộc các khối doanh nghiệp Nhà nước, một số chủ doanh nghiệp lớn, có tâm; còn lại, phần lớn đều tham gia các lớp học theo kiểu chỉ đến để “điểm danh”. Chủ các doanh nghiệp kinh doanh nhỏ, lẻ hầu như rất ít.

Cũng theo giảng viên này, đối tượng người trực tiếp lao động (nhóm 3, 4), khi đã tham gia thì học hành rất tích cực, nhưng trình độ tiếp thu của một số người còn hạn chế. “Có NLĐ tham gia 1-2 khóa học rồi, nhưng khi được hỏi ATVSLĐ nghĩa là gì, thì một số vẫn hồn nhiên trả lời nghĩa là quét dọn chỗ làm việc sạch sẽ sau giờ làm”, vị giảng viên dẫn chứng.

Theo ông Nguyễn Anh Ánh, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở LĐ-TB & XH Đà Nẵng), từ khi Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư 27 (năm 2013), quy định quyền tổ chức huấn luyện không chỉ thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước, công tác huấn luyện ATVSLĐ trên toàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều cán bộ quản lý, người lao động được học tập các khóa huấn luyện bài bản. Nội dung huấn luyện vừa bảo đảm các nguyên tắc chung, vừa gắn với đặc thù những ngành nghề cụ thể; có đầy đủ các lớp huấn luyện mới, huấn luyện định kỳ…

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức hết tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ đối với sự an toàn tính mạng, sức khỏe người lao động, cũng như bảo đảm an toàn về tài sản của doanh nghiệp nên chưa thực hiện  hoặc chỉ thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ theo cách đối phó: theo kết quả một số đợt thanh tra, có đến khoảng 80% doanh nghiệp trên địa bàn chưa đáp ứng các yêu cầu về huấn luyện!

Từ sau Thông tư 27, ngành  LĐ-TB & XH không phải gồng mình gánh cả trọng trách đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ như trước, nhưng vấn đề khiến cơ quan chủ quản này “đau đầu” là việc giám sát, kiểm tra, thẩm định chất lượng huấn luyện VSATLĐ trên địa bàn. Có những đơn vị tổ chức huấn luyện được cấp phép hoạt động, đủ điều kiện mở lớp tại Đà Nẵng, song trụ sở chính lại ở Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh. Và không phải đơn vị nào khi đến Đà Nẵng huấn luyện cũng có thông báo khi bắt đầu hoặc kết thúc khóa học.

“Họ đến huấn luyện nội dung gì, bao nhiêu ngày, chất lượng ra sao, chúng tôi không hề biết”, ông Nguyễn Anh Ánh nêu thực trạng. Theo phản ảnh của ông Ánh, chúng tôi có gọi điện, tìm hiểu một số địa chỉ trung tâm huấn luyện có quảng cáo trên mạng, nhưng khi đến nơi thì đó chỉ là một phòng của khách sạn, một nhà hàng, hoàn toàn không tồn tại một trung tâm huấn luyện nào với đầy đủ các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, giảng viên như luật định.

Theo ông Lê Văn Khoa, Phân viện phó Phân viện Bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường miền Trung (1 trong 6 đơn vị huấn luyện có trụ sở tại Đà Nẵng), bên cạnh các yêu cầu về cơ sở vật chất, nội dung huấn luyện, thì chất lượng giảng viên là vấn đề đáng bàn. Hiện các giảng viên huấn luyện ATVSLĐ hầu hết có kiến thức, chuyên môn nhưng kỹ năng sư phạm thì còn rất hạn chế. Muốn người sử dụng lao động, cũng như người lao động hiểu đủ, hiểu đúng tầm quan trọng của công tác bảo đảm VSANLĐ, cách truyền đạt của người dạy đóng vai trò cực kỳ quan trọng!

Theo Thông tư 27/2013/TT-BLĐTBXH, đối tượng huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động gồm 4 nhóm sau:

Nhóm 1: Người làm công tác quản lý gồm: Giám đốc, phó giám đốc các doanh nghiệp; người đứng đầu và cấp phó các chi nhánh trực thuộc doanh nghiệp; người phụ trách công tác hành chính, nhân sự; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương; chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hợp tác xã; chủ hộ kinh doanh cá thể; chủ hộ gia đình có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; thủ trưởng và cấp phó các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị thuộc quân đội nhân dân, công an nhân dân; tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế đóng trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Nhóm 2: Cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn lao động, vệ sinh lao động của cơ sở; người làm công tác quản lý kiêm phụ trách công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Nhóm 3: Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Nhóm 4: Người lao động không thuộc 3 nhóm nêu trên (bao gồm cả lao động là người Việt Nam, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và người học nghề, tập nghề, thử việc để làm việc cho người sử dụng lao động).

THANH TÂN

.