Dù không ít lần bị người trong cuộc “mắng vốn” nhưng họ - những người làm công tác phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) - vẫn bền bỉ với công việc hàn gắn, giữ gìn hạnh phúc vợ chồng khi nó đang chông chênh bên bờ vực thẳm.
Buổi tập huấn công tác phòng chống bạo lực gia đình tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu. Ảnh: VĂN THÔNG |
Cời than giữ lửa
Hơn 20 năm làm cán bộ phụ nữ, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) Trần Thị Bích Liên vẫn giữ cho mình nét nông dân chân chất, không phấn son chải chuốt, không quần là áo lượt, gương mặt hằn lên những nếp nhăn của người phụ nữ chân quê. Chồng mất sớm, một tay chị chăm sóc đứa con đầu lòng khi chưa đầy 2 tuổi, vừa nhiệt tình tham gia công tác Hội. Không những thế, để kiếm tiền nuôi con, trang trải cuộc sống, chị Liên còn tranh thủ thời gian làm bất cứ việc gì, từ phụ hồ, phân loại phế liệu đến gặt lúa, làm công…
Trân trọng những phút giây đủ vợ đủ chồng dưới mỗi nếp nhà, bao nhiêu năm làm công tác Hội là bấy nhiêu năm chị được gọi là “chị Liên hòa giải”. Bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm, kể cả khi đang ăn cơm chị cũng bỏ đũa chạy đi nếu hay tin ở đâu đó có trường hợp chồng đánh vợ, mẹ đánh con, vợ chì chiết người chồng say xỉn… Căn nhà nhỏ của chị cũng từng là nơi ẩn nấp của những người vợ, người con của gia đình có người bạo hành. Thậm chí, nhiều người tin tưởng còn nhờ chị giữ giúp tài sản, tránh trường hợp chồng mang đi đánh bạc, rượu chè. Chị Liên chia sẻ: “Chồng mất sớm nên tôi hiểu khi thiếu vợ, thiếu chồng cuộc sống sẽ chông chênh như thế nào. Vì thế, chẳng cớ gì khi vợ chồng sống bên nhau, đầu ấp tay gối, có với nhau những đứa con chung lại có lúc hành hạ nhau thừa sống, thiếu chết. Là phụ nữ, tôi cảm thấy như thế là bất nhẫn”.
Với những người làm công tác PCBLGĐ như chị Liên, việc làm đầu tiên là “giải cứu” nạn nhân và sau đó là hành trình “hàn gắn”, chia sẻ cũng như đi tìm “thuốc giải” cho từng trường hợp. Tất nhiên, không phải cuộc “hàn gắn” nào cũng dễ dàng. Nhiều gia đình chị phải đi lại nhiều lần, cả mấy tháng trời mới có kết quả. Bởi, có người chồng vừa thấy chị xuất hiện trước cổng đã vội xua tay khóa trái cửa hay lấy cớ vác cuốc ra đồng không chịu tiếp chuyện, có người tiếp tục đay nghiến, “dằn mặt” vợ trước mặt chị, có người chạm vào nỗi đau của chị khi nói thẳng “cô đang sống một mình thì biết gì về cuộc sống vợ chồng mà đứng đây nói phải không”… Cứ thế, chị quen dần với việc lắng nghe và chia sẻ để rồi trút hết gan ruột, hiểu biết của mình mà khuyên nhủ, tỏ bày.
Chị N. nhà ở phường Hòa Thọ Tây cho biết việc chị từng bị chồng bạt tai, chửi bới, đay nghiến khi rượu vào. Nhiều năm, cách xưng hô giữa vợ chồng chị không còn anh - em như hồi mới cưới mà thay vào đó là mày - tao, mi – tau hay nặng hơn là đồ con đĩ, con mẹ mày, con ranh… Thời gian đầu chị còn nhịn, nhưng “con giun xéo lắm cũng quằn”, chị phản ứng lại bằng cách “ăn miếng trả miếng”. Nhưng càng phản ứng, chị càng nhận những cú đánh đau điếng từ chồng. Có lần, chồng nhậu về say xỉn chửi bới, bực mình chị cũng nói lại, chồng lao vào đánh đấm rồi vác dao rượt chị chạy quanh sân, chị phải trốn ngoài vườn bắp, đến khuya, chồng ngủ say mới dám bước vào nhà.
Rồi chị Liên biết chuyện, khuyên nhủ đủ điều, rằng phụ nữ “lạt mềm buộc chặt”, một điều nhịn chín điều lành, chồng giận thì vợ bớt lời và vợ nên là người cời than giữ lửa hạnh phúc chứ đừng đổ thêm dầu vào ngọn lửa đang giận dữ sục sôi. Thương con, chị N. cố gắng nhẫn nhịn, chồng đi làm về chị hỏi han vài câu, đi nhậu về chị ít xét nét tra hỏi, trải chiếu treo màn cho chồng ngủ… Những lần đầu chồng chị thấy lạ, cứ luôn miệng “mi bữa ni lạ hè, mi muốn chi?” nhưng chị cứ lờ đi không nói gì. Cứ thế, bằng sự quan tâm rất nhỏ, chị dần “cảm hóa” được anh chồng ngang ngược, giờ đi đâu làm gì, chồng cũng gọi điện báo trước với vợ, nhậu say về leo lên giường đi ngủ, không hoạnh họe như xưa.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong khi giới trí thức thường bạo hành tinh thần bằng cách nói chuyện không - lọt - lỗ - tai thì người lao động chân tay thích xả cơn giận dữ bằng đòn roi. Dù hình thức nào, bạo hành gia đình cũng mang đến sự tổn thương cho người trong cuộc. Đến nay, 100% thôn, xã trên địa bàn huyện Hòa Vang có tổ phản ứng nhanh với hơn 200 thành viên thuộc các ban, ngành, đoàn thể, công an, tổ dân phố, dân phòng… Hầu hết các thành viên đều tham gia các khóa tập huấn về Luật PCBLGĐ, kỹ năng xử lý tình huống, hoạt động theo phương châm “kịp thời, chủ động, kiên trì”, có mặt ngay lập tức tại “điểm nóng” để xoa dịu tình hình và làm chỗ dựa tinh thần cho nạn nhân bị bạo hành.
Hãy lên tiếng để được bảo vệ
Chị Nguyễn Thị Mười, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang cho biết, trước đây, PCBLGĐ của các cấp, hội chỉ dừng lại ở việc khuyên nhủ, giải hòa ngay lúc xảy ra sự việc rồi “để đó” nên không ít người vợ, người chồng cho rằng sự xuất hiện của người ngoài chỉ là nguyên nhân “đổ thêm dầu vào lửa”, là cái cớ để vợ - chồng tiếp tục hành hạ nhau vì “chuyện trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường”. Do đó, không ít chị vợ dù mặt mày bị đánh bầm tím, vẫn đi năn nỉ mấy chị phụ nữ giữ kín chuyện, không được tìm đến gặp chồng vì sợ chồng đay nghiến. Nay, các Tổ phản ứng nhanh chủ động can thiệp khi phát hiện có bạo hành chứ không chờ đến khi nạn nhân lên tiếng cầu cứu.
Không chỉ phụ nữ làm công tác vận động, hòa giải, PCBLGĐ, mà đội ngũ nam giới cũng tích cực tham gia hoạt động này. Anh Đặng Công Quang, Bí thư Đoàn xã Hòa Phong, Chủ nhiệm “CLB nam giới tiên phong trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” (gọi tắt là CLB) cho biết, 70% thành viên CLB là thanh niên chưa lập gia đình nên chưa va vấp nhiều trong cuộc sống. Để công tác tuyên truyền có hiệu quả, trong các buổi sinh hoạt, anh luôn đưa những tình huống thực tế để từng thành viên cùng nhau phân tích, mổ xẻ hướng giải quyết hợp lý hợp tình nhất. Sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, 22 thành viên CLB trở thành những cá nhân tích cực trong việc PCBLGĐ và là người hòa giải cho chính người thân trong gia đình họ khi có lời qua tiếng lại.
Cùng với những tình huống đưa ra được đúc rút từ thực tiễn cuộc sống, thành viên CLB có cơ hội tiếp cận với bộ giáo án do Dự án UN Women (Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và Nâng cao quyền lực cho phụ nữ) có 4 nội dung là bạo lực kinh tế, bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất và bạo lực tình dục. Có thể nói, những cụm từ đó tuy không mới nhưng đã làm sáng rõ hơn khái niệm về bạo lực gia đình, rằng bạo lực không chỉ là dùng nắm đấm, mà còn có nhiều hình thức khác dẫn đến những dạng thương tổn khác nhau.
Có vô vàn nguyên nhân dẫn đến hành vi BLGĐ. Nhiều vụ bạo hành người phụ nữ phải chịu nhiều tổn thương về tinh thần, thể chất, không ít người suy sụp, không còn tin vào tình yêu, tình cảm gia đình, cuộc sống rơi vào bế tắc, chán nản. Những lúc như thế, sự xuất hiện của đội ngũ PCBLGĐ giúp người phụ nữ, người con trong gia đình có thêm một chỗ dựa để vượt qua và tìm lại ngày hạnh phúc. Nói như chị Nguyễn Thị Lê Na, Chủ tịch Hội LHPN phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, nhiều năm tham gia công tác PCBLGĐ đã cho chị hiểu và thông cảm hơn với từng trường hợp, từng câu chuyện dưới mỗi nếp nhà. Nhiều phụ nữ vẫn sống cam chịu, chưa dám bày tỏ hoặc nói thẳng, nói thật vì sao chồng đánh mình dẫn đến công tác hòa giải gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nếu người làm công tác hòa giải biết lắng nghe, chia sẻ bằng tấm lòng và sự cảm thông, bằng hiểu biết về pháp luật, bằng kiên trì và quyết tâm có thể sẽ giúp những người trong cuộc nhận ra điều chưa đúng để cùng người bạn đời chung tay gìn giữ mái ấm gia đình.
Những năm qua, Đà Nẵng có rất nhiều mô hình hay trong công tác PCBLGĐ như Ngày hội gia đình “Yêu thương và chia sẻ”, CLB Phụ nữ với pháp luật, “Gia đình không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”... Cụ thể, hiện nay có hơn 70 CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc” với 2.763 thành viên, 47 CLB “Phòng, chống bạo lực gia đình”, 639 địa chỉ tin cậy và 178 tổ, đội, nhóm PCBLGĐ để giúp đỡ và hỗ trợ những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Từ cơ sở này, các cấp Hội đã giúp hòa giải, tư vấn và giải quyết đơn ly hôn cho hàng trăm trường hợp liên quan đến bạo lực và mâu thuẫn gia đình. |
TIỂU YẾN