.

Nỗi đau con trẻ

.

Giá như các bậc làm cha làm mẹ biết nhún nhường nhau một chút thì xã hội sẽ giảm đi các bi kịch gia đình và rất nhiều con trẻ không phải vướng mắc di chứng từ nỗi đau chia cắt đó.

Trẻ con bao giờ cũng mong ước một gia đình đầm ấm, tràn đầy yêu thương. TRONG ẢNH: Thuyết minh phần thi nấu ăn tại một ngày hội chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam do Hội LHPN quận Liên Chiểu tổ chức. Ảnh: V.T.L
Trẻ con bao giờ cũng mong ước một gia đình đầm ấm, tràn đầy yêu thương. TRONG ẢNH: Thuyết minh phần thi nấu ăn tại một ngày hội chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam do Hội LHPN quận Liên Chiểu tổ chức. Ảnh: V.T.L

Nghe Đội trưởng Đội Giáo vụ - Hồ sơ học sinh Biện Quang Huy của Trường Giáo dưỡng số 3 giới thiệu, tôi nhìn ra phía cửa. Một cậu trai rụt rè đứng nép bên hiên, mắt ánh lên vẻ lo ngại một điều gì đó. Sau cái gục đầu của thầy Huy, cậu bé bước vào, rón rén ngồi lên chiếc ghế thầy vừa kéo ra.

Bóng tối sau những cuộc ly hôn

Đó là em Phạm Văn Th., trông khá trẻ so với tuổi gần 18, trú làng Tpôn, xã Chơ Glong, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Nhờ thầy Huy trước đó đã vắn tắt đôi nét về hoàn cảnh của em, tôi gợi chuyện và Th. trả lời theo cách chuyện nọ xọ chuyện kia, phải kết nối, xâu chuỗi lại mới rõ em muốn nói gì.
Bố (Th. gọi cha mình như thế) có máu mê đỏ đen, lúc đầu còn bán mấy thứ lặt vặt trong nhà, mẹ biết nhưng chỉ cằn nhằn chiếu lệ. Lần đó mẹ phát hiện ra bố đã lén mẹ đem bán 1 hec-ta đất lấy tiền đi đánh bạc. Thế là giọt nước làm tràn ly, “chiến tranh” nổ ra, lúc đầu lớn tiếng cãi vã, sau đó bố đánh đập mẹ bầm tím cả người. Cậu ruột sang can ngăn, bị bố đâm một nhát ngay mạn sườn phải đi nhập viện. Nhà như có tang…

Nhà có 5 chị em, Th. là con út. Mới 9 tuổi đầu, cái tuổi đang dần khôn lớn, em đã phải sớm chiều nghe lời chì chiết của bố mẹ. Ngay cả nửa đêm nửa hôm, khi cả làng đang chìm vào giấc ngủ, đôi lúc hai người cũng lôi nhau ra mắng nhiếc, xỉa xói, rồi động tay động chân. Không ai chịu được ai, cuối cùng cả hai đưa nhau ra tòa đành đoạn cắt đứt lời hẹn thề trăm năm đầu bạc răng long.

10 tuổi, chán cảnh gia đình, học hai năm vẫn không qua được lớp 2, Th. rủ thêm 3 đứa bạn có “nghề” ăn cắp vặt ở làng đón xe đi Sài Gòn, dù chưa biết đó là đâu. Vào đó, cả nhóm ngày đi “hành nghề”, tối về ở nhà trọ. Đêm đêm nằm co ro giữa nơi xa lạ, trái tim của đứa bé lên 10 mách bảo Th. về một tình yêu không thể chia lìa đối với người mẹ chịu bao nỗi cơ cực ở quê. Em điện thoại về, mẹ bảo bố mẹ đã ra riêng hết rồi, hãy về ở với mẹ.

Về mái nhà xưa, nhưng cảnh gia đình đầm ấm ngày nào không còn nữa. Th. lại suốt ngày đi lang thang và sa vào cái “nghề” trộm cắp. Có lần em cả gan trộm cả súng của Công an xã và huyện Kông Chro ra quyết định đưa em vào trường, hiện tiếp tục học văn hóa. Ngày 29-9 tới, em sẽ hết thời hạn chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Em bảo, về sẽ học nghề cơ khí để kiếm sống.

Trường Giáo dưỡng số 3 đóng tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, hiện có 64 học sinh (hầu hết có hành vi trộm cắp tài sản), toàn bộ là nam, trong đó có 7 học sinh ở Đà Nẵng, số còn lại ở các tỉnh bạn. Trong số 11 học sinh có bố mẹ ly dị đang học ở trường, Phạm Văn Th. là một trong hai em hằng ngày phải chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã, bạo hành; số còn lại, khi bố mẹ lục đục và chia tay, hãy còn quá nhỏ hoặc còn nằm trong bụng mẹ.

Em Phan Văn Th. (phải) trong giờ học văn hóa ở Trường Giáo dưỡng số 3.
Em Phan Văn Th. (phải) trong giờ học văn hóa ở Trường Giáo dưỡng số 3.

Thầy Huy cho rằng, khi bố mẹ chia tay thì bóng tối để lại trong lòng con trẻ, dù trẻ đã chút ít nhận biết hay trẻ còn nằm trong bụng mẹ, đều như nhau. Như em Alăng L., 16 tuổi, người dân tộc Cơtu ở thôn Abông, xã Mà Cooih, huyện Động Giang, tỉnh Quảng Nam; ama (tiếng Cơtu, nghĩa là cha) và amế (mẹ) đã chia tay nhau từ khi em còn bé tí. Giờ thì cả hai đã có vợ có chồng khác, em ở với bà nội. Thấy nội già cả, em muốn giúp mà không biết làm thế nào. Chưa hết lớp 6, em nghỉ học đi phụ xe khách tuyến đường Đông Giang - Đà Nẵng, kiếm tiền về cho nội. Nhưng “thu nhập” cũng chẳng là bao, em chuyển sang “nghề” trộm mật ong, trộm rất nhiều lần, nhớ không xuể. Sau nhiều lần bị bắt quả tang mà em vẫn không thay đổi, Tòa án Nhân dân huyện đã ra quyết định đưa em vào trường.

Bi kịch và nỗi đau

Thường thì thời gian mâu thuẫn của vợ chồng kéo dài khoảng từ 1 đến 3 năm sau đó mới dẫn đến xin ly hôn. Theo phân tích của Phó Chánh án Tòa án Nhân dân một quận ở Đà Nẵng (xin không nêu tên), đây là khoảng thời gian cả hai thường xuyên cãi vã, xúc phạm nhau, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ. Có khi một trong hai người trút giận lên con bằng cách đánh con khi con không có lỗi gì lớn, chửi con cho hả cơn tức giận với vợ hoặc chồng, thậm chí bỏ bê con để chọc tức người kia (không chăm sóc bữa ăn giấc ngủ cho con chu đáo như trước đây, không chở con đi học, không quan tâm đến con…). Có trường hợp vợ hoặc chồng sống ly thân bỏ nhà đi, không có trách nhiệm với gia đình, với con cái, không chu cấp cho con dẫn đến con thiếu thốn về vật chất và hụt hẫng về tinh thần.

Bi kịch gia đình và nỗi đau con trẻ bắt đầu từ đó.

Khi Tòa án giải quyết ly hôn, theo Luật Hôn nhân và Gia đình, nếu con trên 7 tuổi, Tòa phải hỏi ý kiến của con là xin ở với ba hay mẹ. Đây là quyết định rất khó khăn của con trẻ, vì nếu ở với người này thì có cảm giác như người kia không còn thương yêu mình, nhưng bắt buộc phải lựa chọn. Ba mẹ ly hôn, con ở với mẹ thì thiếu tình cảm của ba và ngược lại; nếu con cái đứa ở với ba, đứa ở với mẹ thì tình cảm anh chị em bị chia rẽ. Hụt hẫng, bơ vơ, cuộc sống và tính cách của trẻ sẽ nhanh chóng thay đổi và thay đổi theo hướng tiêu cực.

Cũng có trường hợp, mẹ lúc đầu nhận nuôi con nhưng sau đó lại xây dựng gia đình với người đàn ông khác và đưa con về cho bà ngoại nuôi. Thế là con trở thành trẻ không cha, không mẹ, như cây lớn lên trong môi trường hoang dã, không được dạy dỗ nên dễ hư hỏng, bỏ bê học hành, theo bạn bè ăn chơi lêu lổng, sử dụng ma túy đá, thậm chí lao vào con đường phạm tội như trộm cắp, cướp giật tài sản hoặc cố ý gây thương tích…

Một người mẹ (giấu tên) ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, từng lên thăm con ở Trường Giáo dưỡng số 3, mỗi lần nghĩ đến những tháng ngày tươi đẹp cũ của gia đình mình lại cảm thấy xót xa, ân hận. Giá như các bậc làm cha làm mẹ biết nhún nhường nhau một chút thì xã hội sẽ giảm đi các bi kịch gia đình và rất nhiều con trẻ không phải vương mắc di chứng từ nỗi đau chia cắt đó…

“Tình trạng phụ nữ bị chồng thường xuyên đánh đập, hành hạ với mức độ càng ngày càng nghiêm trọng hơn luôn là nguyên nhân dẫn đến ly hôn. Những đứa trẻ biết đến tình trạng bạo lực, chứng kiến cảnh bạo lực xảy ra giữa bố mẹ mình thường có cảm giác buồn rầu, lo lắng, sợ hãi...

Trước mắt, trẻ em sống trong gia đình có bạo lực thường có tâm trạng rụt rè, thiếu tự tin thậm chí là cô lập với mọi người, việc học hành của các em ở trường có thể bị ảnh hưởng. Về lâu dài, trẻ em trai có xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn trong các mối quan hệ với bạn bè. Khi lập gia đình, trẻ em trai có xu hướng bắt chước rập khuôn cách cư xử của bố mình để giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ gia đình bằng bạo lực. Các em gái, khi lập gia đình, thường hay nhút nhát, thiếu tự tin và có xu hướng chấp nhận bạo lực như mẹ của mình”.

Luật sư Trần Xuân Vinh, Trưởng văn phòng Luật sư Hòa Phát, thành phố Đà Nẵng

Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.