.

Thanh-thiếu niên và mối nguy trực tuyến

.

Một cuộc thăm dò ý kiến của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef) cho thấy phần lớn thanh-thiếu niên cảm nhận được sự nguy hiểm khi “lang thang” trên Internet.

Thanh-thiếu niên rất dễ gặp nguy hiểm trên mạng Internet.
Thanh-thiếu niên rất dễ gặp nguy hiểm trên mạng Internet.

Đó là cuộc thăm dò ý kiến mang tên “Hiểm họa và tiềm năng: Lớn lên trong thế giới Internet” được thực hiện bởi Unicef và công ty chuyên khảo sát thị trường thế giới là Ipsos hồi tháng tư vừa qua. Cuộc khảo sát có quy mô lên tới hơn 10.000 thanh-thiếu niên ở 25 quốc gia.

Kết quả của cuộc thăm dò được công bố ngày 7-6 như sau: 8/10 người ở độ tuổi 18 trên thế giới thừa nhận chính các em và bạn bè các em gặp những hành vi nguy hiểm khi ở trên Internet như bạo lực trực tuyến, lạm dụng tình dục; bóc lột; 2/3 thanh-thiếu niên ở Mỹ Latinh, Caribbean và vùng hạ Sahara ở châu Phi thừa nhận bị đe dọa tình dục hoặc bị hăm dọa trên mạng; 33% ở Trung Đông và Bắc Phi cũng cảm nhận như vậy. 78% thanh-thiếu niên châu Á tin rằng họ không phải là mục tiêu của bạo lực, lạm dụng tình dục trên mạng; tỷ lệ này ở Mỹ và Anh là 54%. 54% thanh-thiếu niên chia sẻ với bạn khi cảm thấy thiếu an toàn, 48% sẽ nói với cha mẹ, 20% nói với thầy cô giáo. 36% cho biết sẵn sàng phản ứng nếu người bên kia nói dối về danh tính.

Hơn 80% tự tin đủ sức phản ứng lại những lời lẽ mang ý nghĩa tình dục trên mạng. Thanh-thiếu niên ở lứa tuổi 18 ở Anh và Mỹ tự tin nhất về khả năng tránh được nguy hiểm trên mạng khi có tới 94% cho rằng chúng có thể tự bảo vệ mình trên mạng xã hội.

Có một thực tế mà Phó Giám đốc bảo vệ trẻ em của Unicef là Cornelius Williams tiết lộ: Internet và điện thoại di động đem lại cuộc cách mạng thông tin cho giới trẻ. 1/3 người sử dụng Internet là trẻ con! Nói như thế để thấy nguy cơ bị ức hiếp trên mạng Internet đối với trẻ em là rất nhiều. “Mặc dù giữa bạo lực trực tuyến cho tới thực tế ngoài đời còn khoảng cách khá xa (tức là những người tương tác qua mạng không có nhiều cơ hội gặp nhau ngoài đời) nhưng trẻ em cần được trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình và biết chỗ kêu gọi để hỗ trợ mình. An toàn kỹ thuật số sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy và cha mẹ nên nói chuyện với con cái về sự an toàn khi lướt web và cách phản ứng như thế nào khi trẻ con và bạn bè của chúng gặp nguy hiểm”, Cornelius Williams nói.

Unicef khuyến cáo chính phủ các nước cần phối hợp tốt giữa luật pháp, nhà trường và nhà cung cấp dịch vụ Internet nhằm bảo vệ trẻ em tốt hơn khỏi sự ức hiếp trực tuyến. Dự án WeProtect được tài trợ chính bởi Anh quốc đã tài trợ cho Unicef 40 triệu bảng trong năm nay để chống lại tình trạng trẻ em bị bắt nạt, hăm dọa trực tuyến. Tổ chức từ thiện liên minh quyền trẻ em châu Á đã phát hành tài liệu giáo dục cho trẻ em nhằm giúp chúng biết cách tự bảo vệ mình trên mạng Internet. Tài liệu này có nhiều bài viết do chính các em tuổi 18 là tác giả.  

ANH THƯ (Theo International Business Times)

;
.
.
.
.
.