.

Yêu thương thôi, chưa đủ

.

Để góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) và xây dựng gia đình văn hóa, xã hội hạnh phúc, các cấp Hội Phụ nữ xây dựng nhiều mô hình, câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ. Tuy vậy, các mô hình này vẫn chưa thể lan tỏa sâu rộng trong đời sống người dân.

Một buổi sinh hoạt của CLB “Nam giới tiên phong trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” của phường Hòa Cường Bắc. Ảnh: Q.T
Một buổi sinh hoạt của CLB “Nam giới tiên phong trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” của phường Hòa Cường Bắc. Ảnh: Q.T

Những mô hình sáng tạo

Nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Tuyết Nga, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) dùng chính ngôi nhà của mình (ở số 148 đường Nguyễn Văn Cừ) làm nơi tạm trú cho chị em bị bạo hành. Trong nhà, chị chuẩn bị sẵn một căn phòng với giường, tủ, quạt máy và một số vật dụng cần thiết. Dù lúc nào cũng trong “tâm thế sẵn sàng” nhưng chị Nga lại mong “đừng ai phải đến ở”. “Tôi hay nói vui với các chị cán bộ trong hội rằng, mong là căn phòng đó sẽ “ế” khách. Cũng như bác sĩ, có bao giờ mong có bệnh nhân đâu, hay cảnh sát chữa cháy, có bao giờ mong có cháy xảy ra đâu. Tôi cũng vậy”, chị Nga chia sẻ.

Sau 4 năm thành lập, mô hình “Địa chỉ tin cậy” của phường Hòa Hiệp Bắc được phụ nữ địa phương xem là chỗ dựa mỗi khi gia đình gặp sóng gió. Chị Nga kể, nhiều lần mới 5, 6 giờ, vừa mở cửa ra đã thấy có chị ngồi chờ. Có khi đêm khuya, họ cũng tìm tới tận nhà hoặc điện thoại để tâm sự, chia sẻ. Bao nhiêu năm làm công tác “gỡ rối”, hòa giải, chị Nga chẳng thể nhớ hết tên người mình từng giúp đỡ. Thậm chí, nhiều người đến tìm chị, chị cũng chẳng hỏi tên bởi theo chị, “hỏi làm chi, chẳng ai muốn người ngoài biết “đích danh” hay chuyện trong nhà mình”.

Cùng với mô hình “Địa chỉ tin cậy”, các cấp Hội Phụ nữ ở địa phương cũng thành lập nhiều câu lạc bộ (CLB) phòng chống BLGĐ. Trong đó, CLB “Nam giới tiên phong trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” của phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) là một trong những CLB hoạt động năng nổ nhất.

Ông Đặng Đông, Chủ nhiệm CLB bày tỏ, từ ngày thành lập đến nay, chưa một người bị bạo hành nào ở địa phương tìm đến CLB nhờ giúp đỡ nhưng ông không lấy đó làm buồn. Bởi mỗi CLB có một tiêu chí hoạt động khác nhau. Nếu như “Địa chỉ tin cậy” là chỗ dựa cho phụ nữ, là nơi lánh nạn, “Tổ phản ứng nhanh” can thiệp tức thời khi có bạo lực xảy ra thì CLB của ông hoạt động trên tinh thần tuyên truyền làm thay đổi nhận thức ở nam giới. Đây là công việc “mưa dầm thấm lâu”.

Đến nay CLB tổ chức được 14 buổi sinh hoạt (trong tổng số 16 buổi/năm/chương trình do Hội Phụ nữ đề ra). Nhiều người dân sinh sống trước cổng UBND phường Hòa Cường Bắc quen dần với những buổi họp chỉ toàn “quý ông” mỗi tháng/lần của CLB. Mỗi buổi sinh hoạt là một chủ đề, chủ yếu tập trung vào các vấn đề như: kiến thức gia đình, kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình, giới thiệu các văn bản pháp luật, chính sách mới của Đảng, nhà nước liên quan đến phòng, chống BLGĐ… Anh Hoàng Văn Đức, một thành viên của CLB, chia sẻ, trước đây, anh hoàn toàn không ý thức được việc vợ chồng phải bình đẳng mà luôn nghĩ việc nhà, việc chăm sóc con cái là của vợ, đàn ông chỉ có nhiệm vụ kiếm tiền. Qua nhiều buổi tham gia sinh hoạt, anh mới trăn trở, suy nghĩ về những áp lực phụ nữ phải chịu trong cuộc sống. Do đó, anh càng thương và quý trọng vợ mình hơn.

Đã “chạm” đến cộng đồng?

Theo báo cáo của Hội LHPN thành phố, hiện nay trên địa bàn thành phố có 682 Địa chỉ tin cậy; 6 Ban chỉ đạo phòng chống BLGĐ; 47 CLB “Phòng, chống BLGĐ”; 3 CLB “Cha mẹ học sinh phòng chống BLGĐ”; 4 CLB “Nam giới tiên phong trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”. Các mô hình đã tích cực trong việc thực hiện tuyên truyền phòng, chống BLGĐ, tư vấn, hòa giải, giúp đỡ các vụ mâu thuẫn nhỏ, ngăn chặn phát triển thành bạo lực.

Tuy nhiên, dù ý tưởng thành lập ban đầu rất nhân văn nhưng thực tế, các mô hình đều chật vật duy trì và chưa phát huy hiệu quả như mong đợi. Thứ nhất, các thành viên tham gia mô hình không hề có quyền hạn trong tay. Khi xảy ra BLGĐ, họ thường nhờ cậy đến lực lượng công an khu vực đi cùng chứ không dám “tác nghiệp” một mình. Một chị cán bộ phụ nữ của mô hình Địa chỉ tin cậy (xin được giấu tên) cho biết, dù là cán bộ, các chị cũng chỉ là phụ nữ chân yếu tay mềm. Gặp những ông chồng hung hăng cũng… khiếp vía. Đó có thể là lý do mỗi khi gia đình có xung đột, nạn nhân thường tìm đến công an chứ không gọi Hội Phụ nữ. Thêm vào đó, tâm lý “tốt khoe, xấu che” khiến nhiều chị em không dám tìm đến cán bộ phụ nữ địa phương chia sẻ chuyện gia đình, để đến khi mâu thuẫn nổ ra thành bạo lực mới cầu cứu chính quyền.

Thứ hai, kinh phí hạn hẹp cũng “bó” sự hoạt động của các mô hình. Chị Mai Thị Ngọc Khánh (cán bộ Phòng Luật pháp chính sách, Hội LHPN thành phố) cho biết, năm 2012, Dự án “Năng lực tài chính nhằm giảm thiểu BLGĐ” do Cơ quan hợp tác quốc tế Tây Ban Nha tài trợ cho 27 Địa chỉ tin cậy của thành phố. Trong đó có nhà tạm lánh, giường, tủ và 200.000 đồng tiền điện thoại/tháng cho chủ nhiệm địa chỉ.

Nhưng dự án chỉ tài trợ được 2 năm thì… rút. Hiện nay, trên địa bàn thành phố chỉ còn 1 nhà tạm lánh đặt tại nhà chị Nguyễn Thị Tuyết Nga. Do đó, mỗi khi địa phương có xảy ra BLGĐ, nạn nhân thường phải trú tạm nhà của một người có uy tín tại địa phương. Việc cung cấp thức ăn, các phụ phẩm cần thiết cho nạn nhân vì thế cũng là… tùy tâm của người dân.

Hay như mô hình “Nam giới tiên phong trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” ở phường Hòa Cường Bắc, mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên tham gia sẽ nhận được 30.000 đồng. Tuy nhiên, kinh phí chỉ đủ phát cho 22 người. Nếu đi nhiều hơn cũng chịu! Thêm vào đó, dù đã hoạt động gần 2 năm nhưng CLB cũng chỉ quy tụ được những cán bộ về hưu của địa phương, người trẻ nhất cũng đã… 56 tuổi, hoàn toàn không thu hút được người trẻ tham gia. Ông An Văn Sình, thành viên CLB chia sẻ, đối tượng cần tuyên truyền nhất là người trẻ, người lao động thì lại không tham gia sinh hoạt. Nếu chỉ có cán bộ tham gia thì nội dung tuyên truyền dù có hay, có thu hút bao nhiêu đi nữa thì sức lan tỏa cũng sẽ hạn chế.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.