.

Lựa chọn bình dân

.

Với tâm lý “ăn nhiều ở bao nhiêu”, nhiều du khách đến Đà Nẵng chọn các khách sạn bình dân làm chỗ nghỉ buổi tối là chính, để dành thời gian cả ngày khám phá thành phố biển.

Du khách
Du khách "Tây ba-lô" thường chọn nhà nghỉ, khách sạn bình dân. Ảnh: Q.T

Đặt phòng trực tuyến

Nhiều du khách xác định: đến Đà Nẵng chủ yếu để tắm biển, đi chơi các nơi như Hội An, Mỹ Sơn, Bà Nà, tối về, chỉ cần nơi ngả lưng thoáng đãng, sạch sẽ. Do đó, xu hướng hiện nay khi đi du lịch đến Đà Nẵng là ở tại các khách sạn 1-2 sao, có tiện nghi tối thiểu, bao ăn sáng, giá phòng dao động từ 250.000-500.000 đồng/ngày đêm/phòng 2 giường. Người viết từng có cơ hội trải nghiệm dịch vụ tại một khách sạn mini với giá 180.000 đồng/phòng đơn. Phòng tuy nhỏ nhưng được bố trí gọn gàng, ngăn nắp, giường nệm trải ga trắng tinh sạch sẽ. Trong phòng có 1 tủ lạnh nhỏ với các loại nước uống, còn có cả ti-vi và Internet. Theo thống kê từ Sở Du lịch Đà Nẵng, thành phố hiện có 438 khách sạn từ 2 sao trở xuống với 9.646 phòng. Nếu như các khu nghỉ dưỡng và khách sạn 4-5 sao thỉnh thoảng có thời điểm vắng khách thì phân khúc khách sạn bình dân này đón lượng khách ổn định suốt cả năm. Tuy giá thành thấp hơn nhiều so với khách sạn hạng sang, nhưng không vì thế mà chất lượng dịch vụ của khách sạn 1-2 sao kém.

Hiện nay, các khách sạn mini, nhà nghỉ đều có liên kết với các trang mạng để bán hàng. Với phương thức này, du khách có thể đặt phòng sớm để được phòng chất lượng với giá cả rẻ hơn so với đặt trực tiếp. Anh Hồ Văn Thắng (du khách ở TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ kinh nghiệm du lịch tại Đà Nẵng trong 5 ngày chỉ với số tiền 3 triệu đồng: “Khi có kế hoạch đi chơi, tôi thường đặt phòng trước qua chính website của khách sạn hoặc các website trung gian như Agoda.com, Kayak.com, Tripadvisor.com… để tiết kiệm tiền. Bởi vào một số thời điểm trong năm, các trang điện tử này giảm giá phòng đến 30%”.

Khác với việc mua vé máy bay, tại các đại lý thường đắt hơn tại hãng, dịch vụ đặt phòng khách sạn thì ngược lại. Khi đặt phòng trực tuyến qua các trang liên kết bán hàng thì du khách gần như luôn hưởng mức giá thấp hơn so với đặt trực tiếp. Dù các trang mạng này thường hưởng 20-30% hoa hồng trên mỗi hóa đơn đặt phòng thì giá phòng không vì thế mà bị đẩy lên cao. Khá nhiều khách hàng thường tìm cách liên lạc trực tiếp đến khách sạn để kiểm tra giá phòng rồi so sánh nhưng thường xuyên thấy giá đặt trực tiếp cao hơn so với các trang mạng.

Ngoài ra, khi đặt phòng trực tuyến, du khách có thể xem phần nhận xét khách quan của các khách hàng đã từng ở khách sạn trước đó. Dựa vào những nhận xét này, du khách có thể tìm ra điểm độc đáo, thú vị của từng khách sạn mà chọn lựa theo nhu cầu, sở thích của bản thân và gia đình. Một lợi thế nữa khi sử dụng công cụ này đó là chính sách hủy đơn hàng khi chưa thể sử dụng dịch vụ.

Nâng cao chất lượng

Trong thời buổi cạnh tranh, khi mà chất lượng dịch vụ, giá tiền phòng ốc “ngang cơ” nhau, du khách sẽ hướng đến lựa chọn những khách sạn chú trọng đến sự tương tác với khách hàng. Truy cập vào một số trang tin điện tử xem phần “review”, không ít du khách bên cạnh để lại bình luận hài lòng/không hài lòng về chất lượng dịch vụ của khách sạn thì phần được bình luận sôi nổi nhất là khách sạn có tư vấn địa điểm vui chơi, ăn uống giá rẻ không, có gọi xe giúp không, nhân viên am hiểu về địa bàn như thế nào… Thực tế, nhiều du khách đến Đà Nẵng muốn bắt taxi đi Hội An, Bà Nà phải tự thương lượng giá cả, không biết chọn cách nào hợp lý. Ví dụ đi Bà Nà, nên theo đoàn do bên Bà Nà tổ chức, bao trọn gói 1 ngày gồm vé và ăn trưa giá 850.000 đồng hay tự thuê xe và mua vé giá 600.000 đồng nhưng tự lo ăn? Từ thực tế này, hiện nay, một số khách sạn đã bắt đầu quan tâm và xem việc tương tác với khách hàng là một tiêu chí dịch vụ. Đơn cử một du khách đến Đà Nẵng du lịch vào tháng 3 vừa rồi đã nghỉ ngơi tại khách sạn Haya, sau chuyến đi, cô ấy đăng bình luận: Chuyến nghỉ dưỡng vừa qua của gia đình mình tại Đà Nẵng thật tuyệt vời. Nhờ sự thân thiện, cởi mở và hỗ trợ đặt tour đi Bà Nà của anh Quân (quản lý khách sạn) mà gia đình mình không phải mất công tính toán. Vì đi Bà Nà phải lên núi nên anh ấy tư vấn gia đình nên chọn đi theo tour. Vé trọn gói 850.000 đồng/người bao gồm vé cáp treo 600.000 đồng, buffet 70 món giá 200.000 đồng, xe du lịch đưa đón tại khách sạn, có hướng dẫn viên, nước uống và tham gia các trò chơi trên Bà Nà. Cả gia đình thực sự đã trải qua những ngày nghỉ đáng nhớ. Không chỉ du khách trên, rất nhiều người đã để lại bình luận khen ngợi anh Quân về thái độ tương tác, giúp đỡ khách hàng.

Một số khách sạn hiện nay còn lập hẳn trang thông tin điện tử, ngoài giới thiệu về địa chỉ, giá phòng, chất lượng… còn cung cấp các địa điểm ăn uống, mua sắm tại Đà Nẵng. Đơn cử là trang caibatvang.com (do bà Trần Thị Hồng Anh làm giám đốc). Bà Hồng Anh cũng là chủ 2 khách sạn mini ở Đà Nẵng. Trên trang tin này, bên cạnh việc đăng thông tin chi tiết về 2 khách sạn của mình, bà Anh cũng đăng tải hàng trăm khách sạn tại Đà Nẵng được chia ra theo cụm “Gần trung tâm”, “Gần khu giải trí”, “Gần bãi biển” để du khách dễ dàng chọn lựa. Ngoài thông tin về khách sạn, trang này có vai trò như một cẩm nang cho du khách muốn tìm hiểu về Đà Nẵng trước khi bắt đầu chuyến du lịch. Bởi nó hướng dẫn chi tiết phương tiện đi lại, địa điểm vui chơi, ăn uống tại Đà Nẵng.

Bà Hồng Anh cho biết, bà thường xuyên nhắc nhở đội ngũ nhân viên, ngoài thời gian làm việc phải thường xuyên lên mạng tìm hiểu về du lịch Đà Nẵng, sẵn sàng tư vấn cho khách hàng những địa điểm “ngon, bổ, rẻ” nhất. “Ngoài tạo cho du khách cảm giác an toàn, thân thiện khi lưu trú tại khách sạn thì hướng phát triển lâu dài là các khách sạn nên có kết nối với các điểm đến, các phương tiện di chuyển nhằm mang đến cho du khách sự trải nghiệm “trọn gói” với mức chi phí phải chăng nhất”, bà Hồng Anh nói.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.