Đà Nẵng cuối tuần
Máy lạnh và biến đổi khí hậu
Tại sao các nhà đàm phán biến đổi khí hậu đã chuyển sự tập trung vào máy điều hòa nhiệt độ (máy lạnh) của bạn? Bởi vì có thể đó là bước chuyển quan trọng để đạt được thỏa thuận về biến đổi khí hậu trong năm nay.
Đại diện EU Miguel Arias Canete bắt tay với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại cuộc họp ở Vienna (Áo). |
Các nhà đàm phán về biến đổi khí hậu tại Vienna (Áo) vừa qua đã đặt được nền móng cho nỗ lực ngăn chặn sử dụng chất hydrofluorocarbons (HFC) sau 7 năm trời làm việc. Đây là chất tạo ra khí thải cùng tên gây ra hiện tượng ấm lên của địa cầu nên các chuyên gia môi trường cho đây sẽ là bước tiến quan trọng trong việc chống lại sự nóng lên của trái đất. Các nhà đàm phán hy vọng sẽ đạt được hiệp định ở cuộc họp vào tháng 10 tới tại Kigali (Rwanda).
“Sửa đổi Nghị định thư Montreal năm 1987 để hạ HFC xuống là một trong những bước tiến quan trọng mà chúng ta có thể ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu và bảo vệ tương lai con người ở mọi ngóc ngách của thế giới này. Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn những gì chúng ta dự báo.
Hiệp định Paris 2015 không phải là viên đạn bạc”, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói. Xin nhắc lại Nghị định thư Montreal năm 1987 nhằm cắt giảm khí chlorofluorocarbon (CFC) tương đương với việc giảm 11 tỷ tấn CO2 mỗi năm. Nhưng “thành tựu” nổi bật nhất mà nó đem lại là những chất hóa học thay thế CFC là HFC – một chất “siêu” khí nhà kính. Chất HFC dùng trong công nghệ làm lạnh (máy lạnh, tủ lạnh…), chai xịt tóc, mỹ phẩm, là loại khí thải độc hại bị đánh giá tiềm ẩn nguy cơ độc hại hơn carbon dioxide (CO2), nhất là hiện nay các nhà sản xuất điện lạnh đang tăng cường sử dụng.
Đó là một bước tiến rõ trong tiến trình mà toàn thế giới đối phó với biến đổi khí hậu sau Hiệp định Paris hồi năm ngoái. Thực ra, Hiệp định Paris 2015 đặt mục tiêu giảm dần lượng khí thải khí nhà kính vào năm 2100, chủ yếu chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch. Các nước thống nhất hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này dưới 2oC và thúc đẩy nỗ lực để giảm còn 1,5ºC so với thời kỳ trước khi xảy ra cuộc cách mạng công nghiệp.
Khó khăn hiện nay nằm ở chỗ các nước đang phát triển cho rằng như vậy là không công bằng bởi chịu sức ép tài chính quá lớn khi phải thay thế chất HFC bằng chất tốn kém hơn. Một nhóm gồm 100 nước, trong đó có Mỹ, EU, Nhật Bản và nhiều nước phát triển khác cho rằng sử dụng HFC sẽ đạt đỉnh vào năm 2021. Các nước đang phát triển cần thêm một thập niên nữa để thay đổi công nghệ vì chi phí cao và sẽ nhận được tài trợ từ các nước như Mỹ và EU. Ấn Độ mạnh dạn đề nghị thời gian 15 năm trước khi ngừng sử dụng HFC vào năm 2031.
Tổ chức Khí tượng thế giới dự báo nhiệt độ trong năm nay đang trên đà nóng hơn và vượt mức kỷ lục năm 2015. Và nghịch lý xuất hiện càng nóng thì mọi người càng bật máy lạnh nhiều hơn, lượng khí thải HFC ra môi trường càng nhiều hơn...
ANH THƯ (Theo Time, cbc.ca)