Đà Nẵng cuối tuần

Cái đẹp của người xưa

07:33, 24/07/2016 (GMT+7)

Những ai đã thạo cuộc rong chơi với cổ vật thì đều ngấm truyền khẩu về các tiêu chuẩn để đánh giá cổ vật là: “Nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi”. Đó là nguyên tắc chung, song với mỗi người chơi cổ vật thực sự, lại có một cách “quý” và lựa chọn cách chơi riêng.

Theo nhà sưu tập Hồ Anh Tuấn, không phải những cổ vật đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mới là quý.
Theo nhà sưu tập Hồ Anh Tuấn, không phải những cổ vật đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mới là quý.

Say mê thôi chưa đủ

Đối với nhà sưu tập (NST) Hồ Anh Tuấn (quận Hải Châu) - chủ nhân của hàng ngàn cổ vật Chăm quý hiếm - giá trị của cổ vật đôi khi không nằm ở sự “toàn hảo” các tiêu chí, mà đơn giản chỉ bởi một bức tranh tuyệt đẹp, một nét chữ, một dòng bút pháp, câu cách ngôn quý giá, một câu chuyện, tâm tình… của người xưa. Như một chiếc đĩa cổ đã sứt mẻ, tróc men, niên đại Đạo Quang nhà Thanh (Trung Quốc) được tìm thấy tại Hội An, những dòng chữ ghi trên đĩa cho thấy đây là bài “Lê minh tức khởi” của Chu Dụng Thuần (1617-1688) thời Minh mạt Thanh sơ,  người Giang Tô biên soạn. Nội dung chủ yếu là những lời dạy về lập thân xử thế, khuyến khích cần kiệm trị gia, an phận thủ thân và chú trọng luân thường, có đoạn:  “… Một bát cháo, một hạt cơm, nên nghĩ kiếm được không dễ/ Nửa tấm vải, nửa sợi vải, phải nhớ làm ra rất khó/ Trù bị lúc còn chưa mưa, chớ đợi đến lúc khát mới đào giếng/ Tự dâng biếu phải kiệm ước, thết đãi khách chớ liên miên/ Đồ dùng đơn sơ mà sạch sẽ, chậu sành hơn vàng ngọc/ Ăn uống giản dị mà tinh túy, rau vườn hơn món lạ…”. Người chơi - vì vậy, theo ông Tuấn, phải say mê cổ vật một cách sâu sắc, có tâm hồn yêu, tâm huyết thực sự với cổ vật.

Hiện có một xu hướng chơi cổ vật của một số người đó là thích sưu tập những đồ “độc”. Theo NST Hồ Anh Tuấn, đây là một cách chơi có chút tính chất “trọc phú”, muốn người khác nể, sợ mình, không thể gọi là người chơi cổ vật thực sự. Tuy nhiên, nói như thế không có ý phủ nhận những giá trị căn bản, hiển nhiên, quý hiếm, độc đáo của cổ vật. Chẳng hạn, những cổ vật thuộc dòng gốm Celadon (giả ngọc), đời Tống, một loại men nổi tiếng toàn cầu, bởi nó có những tính chất có thay thế ngọc như mát lạnh, màu sắc giống ngọc và có tính huyền thoại: đựng đồ ăn không thiu (đúng ra là chậm thiu), có khả năng phát hiện, báo hiệu đồ ăn có độc tố… thì giá trị là không thể phủ nhận và hiện ở Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung không nhiều người trong giới cổ ngoạn sở hữu được những cổ vật thuộc dòng gốm sứ quý hiếm này.

Chiếc chum trường Biên Hòa theo mô-típ gốm hoa nâu đời Lý đặc biệt quý hiếm của nhà sưu tập Nguyễn Thuận.Ảnh: T.T
Chiếc chum trường Biên Hòa theo mô-típ gốm hoa nâu đời Lý đặc biệt quý hiếm của nhà sưu tập Nguyễn Thuận.Ảnh: T.T

Cái đẹp tùy vào sự cảm nhận

Lựa chọn một dòng cổ vật để chơi phù hợp điều kiện, sở thích thay vì sưu tập tràn lan cũng là một biểu hiện của “quý hồ tinh” trong giới cổ ngoạn Đà Nẵng. Ở Đà Nẵng, tiêu biểu cho xu hướng này là bộ sưu tập cổ vật Chăm độc đáo của NST Hồ Anh Tuấn. Bên cạnh cổ vật Chăm, đồ gốm Nam Bộ cũng là một xu hướng được nhiều người chọn trong những năm gần đây. NST trẻ Lê Vũ Bảo  đặc biệt mê  gốm Nam Bộ bởi sự mộc mạc, gần gũi, đượm hồn dân tộc. Gốm Nam Bộ rất phong phú, ngoài những đòi hỏi khách quan, đồ gốm sứ Nam Bộ cũng “quý” theo quan niệm, sở thích của mỗi người. “Có người thích những gam màu đằm, sậm tối, họa tiết đơn giản, riêng mình thích sặc sỡ. Càng sặc sỡ càng sinh động, có hồn”, Lê Vũ Bảo bộc bạch. Qua hơn 4 năm đến với gốm Nam Bộ, anh đã sưu tập được chừng 50 món ưng ý.

Cùng chung niềm đam mê này, với bề dày sưu tập từ đời cha để lại, NST Nguyễn Thuận tự hào “khoe” chúng tôi những món đồ gốm Nam Bộ đặc biệt quý hiếm như: Bình trà chữ Phúc; chum trường Biên Hòa theo mô-típ gốm hoa nâu đời Lý, đường kính 70cm, cao 80cm; cặp tranh gốm Mùa gặt còn nguyên bản thảo… Anh Thuận cho biết, để sưu tập được hàng trăm món đồ gốm Nam Bộ còn khá nguyên vẹn như hiện nay là cả quá trình mày mò, tìm kiếm suốt mấy chục năm qua. Cùng là công chức bận rộn ở Đà Nẵng, hai NST Nguyễn Thuận và Lê Vũ Bảo phải tranh thủ “mọi kênh” để có thể sưu tập được những món cổ vật thỏa đam mê, trong đó, để tiết kiệm thời gian, công sức, cách mua qua những người bán uy tín, qua mạng là khá phổ biến.

Chỉ mới bước vào thú chơi này chưa đầy một năm, nhưng với đam mê và hiểu biết, ông Hồ Trung Quang (quận Sơn Trà) sở hữu được hàng trăm món đồ cổ khá đa dạng màu sắc, chủng loại, trong đó có món có niên đại hơn 800 năm tuổi. Với vài trăm ngàn, ông có thể mua những món đồ sứt mẻ nhưng cổ xưa và hiếm như những món đồ thời Đường rồi về phục chế, thành cổ vật có một vẻ đẹp riêng. “Nhà có vài món đồ cổ đặt ở nơi trân trọng tạo nên một không gian rất tĩnh lặng, sâu lắng”, ông Quang nói. Theo ông, chuẩn “nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi” là của người mua bán. Người chơi không nghĩ đến chuyện mua bán thì có chuẩn khác. Họ nhìn ngắm nét tài hoa của người xưa khi tạo ra tác phẩm. Xưa và đẹp. Mà đẹp thì không có chuẩn, nó tùy vào thẩm mỹ từng người. Chiếc bát đời Đường sứt mẻ, tróc men ông vẫn ngắm hoài không chán, chiếc bình thời Đường bể vụn ngồi dán lại hiện dần lên những khổ công của kỹ thuật lò nung. Hay từ cái bình đựng vôi ăn trầu, cái thố đựng cơm được trang trí, bát, chén, đĩa hoa văn “mai cài thọ” cầu kỳ cho thấy một lối sống rất thong dong, sang trọng, nền nếp của người Việt xưa. Nhìn chiếc bình đựng trà để cảm nhận dấu ấn bàn tay người sử dụng có thể thấy biết bao ưu tư, tâm sự của người xưa… Đó đều là những nét đẹp, vốn quý của đồ cổ. Đồ vào cung đẹp kiểu này thì đồ dân dã đẹp kiểu khác. Có món người này quý, người kia thấy thường, điều này phụ thuộc một phần vào thẩm mỹ, và phần chủ yếu là hiểu biết của người chơi cổ vật.

Theo đúc rút của những người chơi thực thụ, sưu tập cổ vật thành công chỉ khi hiểu ra: Sưu tập và nghiên cứu cổ vật là hai lĩnh vực không thể tách rời trong quá trình chơi cổ vật. Có một số người với chuyên môn ngành học của mình nên họ rất mê cổ vật, nhưng do điều kiện khách quan, họ chỉ có điều kiện sưu tầm các mẫu vật là mảnh, là đồ dập vỡ rồi phục dựng thành một sưu tập riêng. Những bộ sưu tập ấy cũng rất đáng quý. Rồi cũng có một số người lại chỉ chuyên nghiên cứu, để có kiến thức viết sách giới thiệu những dòng cổ vật, nêu lên cái đẹp, cái quý của các cổ vật Việt Nam để giúp kiến thức cho cộng đồng, đó cũng là việc làm đáng trân trọng. Sưu tập cổ vật khác hẳn sưu tập khảo cổ học. Muốn thành người sưu tập cổ vật có tay nghề thì ngoài việc trang bị những kiến thức cơ bản về lịch sử, địa lý, khảo cổ, văn hóa… cần tự học qua sách báo và phải biết chạm tay xem thực tế các cổ vật. Có vậy mới có kiến thức để đủ nhận biết được giá trị cao, thấp của mỗi cổ vật.

THANH TÂN

.