Đà Nẵng cuối tuần
Rút dần khoảng cách
Khoảng cách được chơi một cách an toàn giữa trẻ ở phố và ở quê đang dần được rút ngắn. Trẻ con ở vùng ngoại thành, vùng nông thôn đang được hưởng những trò chơi giữa ngày hè chan nắng, với những cảm xúc chân thực
Trẻ em trên địa bàn xã Hòa Tiến có thêm điểm vui chơi tại Nhà văn hóa xã. Ảnh: H.N |
Con là… thiên tài môn cầu lông
“Mỗi tuần con đi học hè 3 buổi, gọi là ôn lại kiến thức. Còn những ngày khác thì đi chơi, buổi sáng và chiều thì chơi cầu lông, từ 6 giờ đến 7 giờ chiều đá banh, đạp xe. Lâu lâu, tức là những hôm trời nóng quá thì ba mẹ chở đi Công viên Châu Á, đi Helio. Đến đó con chơi đủ trò, như đánh trống nè, chơi trong nhà banh, trò đạp nước nữa. Con đánh cầu lông từ năm ngoái đến giờ. Con là thiên tài đó cô!”, Trần Khánh Đông, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Lê Kim Lăng, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang liệt kê một loạt danh sách những việc cậu đã làm trong kỳ nghỉ hè của mình với giọng đầy tự hào.
Các bạn trong nhóm chơi cầu lông, đá bóng của Đông là Võ Văn Nam và Võ Ngọc Dũng được ba mẹ cho học thêm môn võ thuật; Phùng Gia Hiếu thì đăng ký học bơi được gần một tháng nay ở tận bên xã Hòa Tiến, nên phải nhờ ba hoặc mẹ chở đi. “Ngày nào tụi con cũng đi với nhau. Tụi con học cùng trường, ở chung xóm nên chơi chung hết. Buổi tối tụi con còn đi sinh hoạt ở nhà họp thôn Đông Hòa, do mấy anh chị thanh niên tổ chức. Chỉ có chừng 30 người thôi nhưng chơi đủ các trò, còn tập múa dân vũ nữa”, Đông cho biết thêm. Nhà họp thôn Đông Hòa như lời các bạn kể có xích đu, một số máy tập thể dục, có thể dùng cho cả người lớn và trẻ con. Và đây là điểm vui chơi “số 1” của các bạn nhỏ.
Trong khi trẻ con ở phố suốt mùa hè có thể bị ba mẹ “nhốt” trong lớp học thêm kiểu bán trú ở nhà cô giáo, giải trí trước màn hình ti-vi, thỉnh thoảng được chở đi dạo phố, ra biển, thì mùa hè của trẻ ở vùng ven ngoại thành, vùng nông thôn thực sự là một mùa hè đầy trải nghiệm, với những trò chơi do các con tự sáng tạo ra, những cảm xúc chân thực khi được chơi với bạn bè đủ mọi lứa tuổi. Những ngày hè ấy sách vở không phải là việc trọng, mà là những giờ đi dang nắng, khám phá mọi ngóc ngách ở vùng quê nơi mình sống, sau khi phụ ba mẹ quét nhà, tưới cây. Là những giờ con được kết nối với bạn bè. Và có thể sau này khi lớn lên, những kỷ niệm này ở luôn trong tim các con, theo chúng đến cùng trời cuối đất.
Từ khi khu vui chơi kết hợp vườn dạo ở khu vực trước Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Tiến đưa vào sử dụng hơn một tháng nay, hàng trăm em nhỏ ở đây thực sự có một chỗ chơi an toàn, sạch đẹp với nhiều thiết bị chơi ngoài trời như xích đu, bập bênh, vòng xoay… Phạm Phú Hiếu, học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Phú Hường “bật mí”: khu vui chơi này mới có từ khi tụi con nghỉ hè, nên ngày nào cỡ 3 giờ chiều là tụi con hẹn nhau ra đây chơi. Hồi trước chỉ có sân cỏ để chơi đá banh, bóng ném, thi chạy, giờ thì tụi con có nhiều trò chơi hơn. Hồi trước tụi con muốn thả diều thì chạy ra con đường bên này (bên hông trụ sở UBND xã Hòa Tiến), bữa nay thì vô luôn trong khu vui chơi này thả. Buổi tối ở đây còn có nhà hơi, nhà banh, có chỗ câu cá, tô tượng, đạp xích lô, lái xe ô-tô đồ chơi. Chơi ở đó phải mất tiền. Hôm nào vắng khách họ cho tụi con chơi miễn phí”.
Từ khi khu vui chơi này đi vào hoạt động, không chỉ trẻ con ở quanh khu vực này đến chơi, buổi tối cha mẹ các bé ở những thôn như Yến Nê 1, Yến Nê 2, An Trạch, La Bông, Lệ Sơn… cách đó nhiều cây số chở con về đây vui chơi. Theo lời Hiếu thì buổi tối có cả trăm người đến đây chơi. Cũng từ mùa hè này, Trường tiểu học số 1 Hòa Tiến tổ chức dạy bơi cho trẻ em, theo số liệu từ Đoàn Thanh niên xã thì có đến 480 em đăng ký học bơi.
Đầu tư thêm nhiều chỗ chơi cho trẻ
Ông Đỗ Thanh Tân, quyền Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang cho biết từ năm 2014, từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình khác, huyện Hòa Vang đầu tư xây dựng được 6 nhà văn hóa ở các xã Hòa Tiến, Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Bắc. Nhà văn hóa đóng ở khu vực gần trường học hoặc khu vực đông dân cư, thuận tiện về giao thông, gồm nhiều hạng mục như phòng làm việc, phòng thư viện, bàn ghế, âm thanh, khu vui chơi (dành cho cả người lớn và trẻ con). Ông Tân cho hay là những khu vui chơi do huyện Hòa Vang đầu tư cả chục năm trước hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, phá sản. Những công trình văn hóa mới được đầu tư lần này được làm bài bản hơn, thiết bị phù hợp hơn có thể thổi một luồng gió mới vào không khí vui chơi, sinh hoạt cho trẻ con vùng nông thôn vốn không có nhiều chỗ vui chơi đẹp như ở phố. Như hồi giữa tháng 5, trong một chuyến đi Hòa Bắc, chúng tôi chứng kiến hàng chục em học sinh Trường tiểu học Hòa Bắc say sưa chơi xích đu giữa trời nắng. Lúc đó nhà văn hóa xã Hòa Bắc mới xây dựng xong.
Chỉ cần người lớn đầu tư khu vui chơi, thiết bị phù hợp cho các em thì khoảng cách được chơi một cách an toàn giữa trẻ ở phố và ở quê dần được rút ngắn. Năm 2014, Hội LHPN thành phố cũng đã đầu tư 3 khu vui chơi cho trẻ với tổng trị giá trên 600 triệu đồng ở thôn Cẩm Nê (xã Hòa Tiến), ở phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) và phường Hòa Cường Nam. Tuy nhiên, chị Lê Thị Mỹ Hạnh, Trưởng ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng cho biết, nếu được đầu tư nhiều hơn, sẽ tạo ra hiệu quả cao hơn.
Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hòa Tiến Nguyễn Quang Tuyến cho biết, mùa hè năm nay học sinh các trường trên địa bàn đều tham gia sinh hoạt ở địa phương, được xác nhận qua phiếu sinh hoạt hè, nên các chi đoàn ở thôn phải nghĩ ra nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút các em tới 2-3 buổi/tuần. Như đầu hè, các bạn tổ chức những buổi dạy kỹ năng xử lý khi có đuối nước, say nắng hay sơ cấp cứu ban đầu; chương trình dạy học Ánh sáng văn hóa hè ở những thôn có nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn. Và 5 năm qua, hàng trăm đoàn viên xã Hòa Tiến duy trì việc cắm trại vào dịp 27-7 hằng năm. Đây là dịp để các em học các kỹ năng giao tiếp, giao lưu với bạn bè và thắp nến tri ân các liệt sĩ.
Việc cho con một mùa hè bổ ích, để con được tự chơi, tự học và trưởng thành qua việc chơi và giao lưu, tự xử lý các tình huống với bạn bè đang là ước mơ của nhiều bậc cha mẹ. Và xem ra trẻ con ở vùng nông thôn, ngoại thành có cơ hội thực hiện điều này hơn trẻ con ở phố.
HOÀNG NHUNG