Đà Nẵng cuối tuần
Đẹp từ vỉa hè
Vỉa hè là một phần của kiến trúc đô thị, ngoài phản ánh trình độ phát triển của một thành phố còn là nơi mưu sinh của một bộ phận người lao động nghèo.
Đường Nguyễn Văn Linh là một trong những con đường có vỉa hè đẹp và thông thoáng của thành phố. Ảnh: Q.T |
1. Về mặt mỹ quan đô thị, có lẽ nhiều người không “đánh giá cao” vỉa hè, xem đó chỉ là một chi tiết nhỏ trong tổng thể kiến trúc thành phố. Tuy nhiên, cứ nhìn con đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng (những con đường có vỉa hè đẹp) sẽ thấy, sức hút của những con đường này đến từ đâu. Trong khi ở những tuyến phố khác, người đi bộ phải “lách người như cá” do vỉa hè được trưng dụng cho nhiều hoạt động sinh hoạt đô thị thì ở các tuyến đường này, hoạt động đi bộ được đặt lên hàng đầu. Trước đây vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành tập trung nhiều điểm bán cá tôm của ngư dân. Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm gây mất hình ảnh về một tuyến đường du lịch. UBND quận Thanh Khê lúc đó đã xem việc giải quyết tình trạng buôn bán trên vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành là nhiệm vụ trọng tâm và cắt cử cán bộ quy tắc đô thị túc trực thường xuyên để xử lý vi phạm. Nhờ ra quân quyết liệt, hiện nay, việc buôn bán hải sản trên vỉa hè đã giảm được nhiều phần. Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết, thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU về “Năm văn hóa văn minh đô thị”, người dân và chính quyền quận Thanh Khê sẽ tiếp tục chung tay đẩy lùi tình trạng buôn bán trên vỉa hè, góp phần đưa đường Nguyễn Tất Thành trở thành con đường điểm về văn hóa, văn minh của thành phố.
Một con đường đẹp không kém nằm giữa trung tâm thành phố là đường Nguyễn Văn Linh. Với vỉa hè rộng 6 mét, xe máy được đậu sát cửa hàng và sát lề đường, 2 mét ở giữa dành cho việc đi bộ. Là tuyến đường nằm trải dài qua 4 phường Bình Hiên, Phước Ninh, Nam Dương (quận Hải Châu) và Vĩnh Trung (quận Thanh Khê), để có được vỉa hè đẹp như hiện nay là sự phối hợp của 4 phường. Hằng ngày, mỗi phường đều cử 2 cán bộ quy tắc đô thị “túc trực” để nhắc nhở, sắp xếp cho “bộ mặt” của vỉa hè. Ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Nam Dương cho biết, việc quản lý một con đường ở khu vực giáp ranh như vậy rất khó. Tuy nhiên, các phường đều cố gắng vì mục tiêu chung cho một con đường đẹp của thành phố.
2. Tuy vậy, số lượng các con đường có vỉa hè đẹp còn rất khiêm tốn. Bởi đã là đô thị lớn thì không tránh khỏi việc phải “cưu mang” hàng nghìn người lao động nghèo bám vỉa hè mưu sinh. Trên con đường Võ Văn Tần (quận Thanh Khê), chợ Siêu thị đã chuyển sang địa điểm mới cách chợ cũ vài trăm mét, các lô hàng được bố trí rộng rãi, hợp lý, nhưng nhiều tiểu thương không vào chợ mà thuê luôn mặt bằng vỉa hè của nhiều nhà bên đường làm nơi mua bán. Bà Mười (bán trầu cau tại một góc vỉa hè) móm mém nói: Mỗi ngày bà chỉ bán vài quả cau, lá trầu thôi, vô chợ làm chi. Bạn hàng của bà là mấy bà lưng còng, chân mỏi rồi, họ đi bộ ngang qua mua giúp bà vái lá là “hung” rồi, răng mà lội chợ được. Ông Trần Tấn Lực, Đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Thanh Khê bày tỏ, những người buôn bán trên vỉa hè đa số là người lao động nghèo. Không phải ai trong số họ cũng có đủ tiền để mua một chỗ ngồi trong chợ. Do đó, để giữ gìn đường phố, vỉa hè thông thoáng thì ông cùng đồng nghiệp quyết liệt nhắc nhở, xử lý nhưng “nhiều khi cũng bứt rứt lắm”!
Ở một chừng mực nào đó, nếu chỉ giữ khư khư ý nghĩ: vỉa hè là nơi hoàn toàn dành cho hoạt động đi bộ thì vô hình trung, chúng ta đã triệt tiêu sự sinh động cần có của vỉa hè. Trên thực tế, vỉa hè còn là không gian của cây xanh, thảm cỏ, là nơi lắp đặt các thiết bị đèn chiếu sáng, thùng rác; đậu xe máy; là một phần sinh hoạt đô thị và hoạt động kinh tế vỉa hè. Riêng đối với những hoạt động kinh tế nhỏ trên vỉa hè, hình thức này đã giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận người dân nghèo. Đối với những đối tượng này, nếu sự xử lý không mềm dẻo sẽ làm phát sinh mâu thuẫn không thể giải quyết giữa cấp quản lý và người dân. Bà Lê Hồng Thu, Chánh Văn phòng Sở xây dựng thành phố cho rằng, không nên triệt tiêu các hoạt động buôn bán trên vỉa hè bởi nếu làm như vậy thì phố thị chỉ còn những vỉa hè thiếu sức sống. Tuy nhiên, các hoạt động trên vỉa hè cần được quản lý theo quy chế để tránh tình trạng lộn xộn, nhếch nhác. Hiện nay, quy định về quản lý và sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng được thực hiện theo Quyết định số 55/2014/QĐ-UBND ngày 31-12-2014 của UBND thành phố, trong đó quy định cho phép sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông, không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
3. Với biết bao người dân Đà Nẵng, những hàng quán vỉa hè đã trở thành một phần kỷ niệm mà nếu ai đi xa, hẳn phải vương vấn nhiều. Nhiều người đi xa, nếu trở về Đà Nẵng thế nào cũng dành thời gian đến “thăm” lại quán ốc-sắn dừa của cô Ba (đường Lý Thái Tổ). Cô Ba bám trụ tại góc vỉa hè nhỏ này 40 năm. Biết bao thế hệ học trò đã gắn bó với góc đường này. Nếu phải nghỉ bán, hẳn là cô sẽ buồn nhiều lắm và nhiều người sẽ nhớ cô, nhớ món ăn theo mình một thuở.
Biết bao hàng quán nho nhỏ vỉa hè đã gây thương nhớ như vậy. Nằm ngay góc ngã ba đường Lê Lai - Lê Lợi, quán nước mía Phúc Lai nức tiếng gần xa nhiều năm qua. Người ta nói, muốn ăn ngon cũng phải có hội có hè, vì vậy, khách đến đây không chỉ để nhâm nhi vị thanh ngọt của nước mía. Người già đến đây để cùng nhau chơi vài ván cờ, người trẻ đến đây để hàn huyên và ngắm phố xá... Những buổi gặp mặt họp lớp của bao thế hệ học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh đã diễn ra ở góc vỉa hè này.
Nhiều nơi như Hà Nội, Hội An, việc buôn bán trên vỉa hè còn là một nét văn hóa. Hà Nội có bao nhiêu thứ nổi tiếng xa gần và “Hà Nội trà đá vỉa hè” còn là thương hiệu của xứ kinh kỳ. Còn ở phố cổ Hội An, hình ảnh những du khách Tây lê la vỉa hè, ghé lại những quán ven đường và ngồi xổm trên “ghế đòn” thưởng thức chén chè, bánh bèo đã không còn xa lạ.
QUỲNH TRANG