Đà Nẵng cuối tuần
Vì "ngôi nhà chung" sạch, đẹp
Tiếp nhận và xử lý ngay thông tin người dân phản ánh qua đường dây nóng hay báo chí; các đội kiểm tra quy tắc đô thị thường xuyên ra quân tuyên truyền, chấn chỉnh các hoạt động buôn bán trên vỉa hè, chiếm dụng lòng đường ngày càng được các cấp chính quyền ở Đà Nẵng triển khai quyết liệt, nhằm đưa lại một cuộc sống yên bình, môi trường trong lành cho người dân.
Trong khi rất nhiều con đường được quản lý trật tự, vỉa hè sắp xếp có quy củ, thì vỉa hè, lòng đường đường Ngô Trí Hòa (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) vẫn xảy ra tình trạng chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi để xe, buôn bán (ảnh chụp sáng 11-7-2016). |
Chung tay xây dựng trật tự đô thị
Với quyền thông tin rộng rãi đến mọi đối tượng bạn đọc, báo chí trở thành kênh phản ánh ý kiến người dân một cách nhanh nhạy, kịp thời. Theo ý kiến của nhiều người dân và chính những phóng viên thường xuyên tiếp nhận và xử lý thông tin của người dân gửi đến báo chí, thì những vấn đề về trật tự, mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường hay bức xúc của người dân về chuyện trụ điện đứng giữa đường, những đàn bò gây cản trở giao thông… sau khi phản ánh trên báo chí sẽ được các cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết hơn.
Ngày 9-6-2016, Báo Đà Nẵng đăng thông tin bạn đọc phản ánh qua đơn thư gửi đến báo, với nội dung trên tuyến đường Vương Thừa Vũ nối giữa đường Võ Nguyên Giáp và Hà Kỳ Ngộ (thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) cỏ mọc um tùm, phủ kín cả dải phân cách, trở thành nơi đổ và đốt rác thải của người dân, gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.
Ngay sau khi báo đăng, UBND phường Phước Mỹ giao Đội Kiểm tra quy tắc đô thị phường kết hợp với cán bộ chuyên trách môi trường ra quân tổng dọn vệ sinh tuyến đường, thuê xe dọn hết những đống xà bần. Phường cũng có thông tin phản hồi gửi đến Báo Đà Nẵng, thông báo biện pháp khắc phục. Ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ chuyên trách tổng hợp của UBND phường Phước Mỹ cho rằng, điểm đổ xà bần không có trong quy hoạch trong khi người dân có nhu cầu sửa chữa nhỏ cũng là điều khiến các địa phương đau đầu trong giải quyết vệ sinh môi trường, nhất là ở những nơi còn đất trống, chưa được xây dựng.
Hay điểm đặt thùng rác trước cổng phụ chợ Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà hiện nay được đưa vào khu vực riêng có tường bao, rác được thu gom 2 lần/ngày. Chuyển biến này có được sau khi Báo Đà Nẵng tháng 6-2015 có bài phản ánh tình trạng ô nhiễm ở đây sau khi nhận thông tin từ người dân qua đường dây nóng; dù trước đó có nhiều kiến nghị gay gắt từ người dân, đại diện lãnh đạo quận Sơn Trà từng có cuộc làm việc với các bên liên quan nhằm tìm giải pháp khắc phục. Sau đó Xí nghiệp Môi trường quận Sơn Trà thực hiện mỗi ngày có 2 chuyến thu rác trước chợ, không để rác ứ đọng dẫn đến ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.
Anh Trần Văn Diệu, Trưởng phòng Bạn đọc Báo Đà Nẵng cho biết, các báo Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn khi phản ánh bất kỳ vấn đề bức xúc nào của người dân cũng được các cơ quan, ban, ngành giải quyết triệt để, trên tinh thần hợp tác và xây dựng. Những thông tin này phản ánh đúng sự thật, khách quan, tất cả đều mong muốn muôn mặt đời sống đô thị được khang trang, sạch đẹp hơn, bớt đi những phiền hà không đáng có. Đặc biệt là với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng là thành phố môi trường và thực hiện Năm văn hóa văn minh đô thị người dân quan tâm hơn đến môi trường sống và những chuyện không đẹp xảy ra bên ngoài nhà mình. Sự phản ánh của người dân chính là sự chung tay, sự đồng lòng để xây dựng một thành phố an toàn, văn minh, đáng sống.
Ông Nguyễn Hữu Nam, Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, cho biết khi chưa có Chỉ thị 43-CT/TU, phường tập trung vào vấn đề trật tự đô thị và quản lý vỉa hè; hiện nay phối hợp thêm các phường An Hải Bắc, Mân Thái quản lý vấn đề hàng rong, môi trường. “Bất kỳ vấn đề nào chúng tôi tiếp nhận phản ánh của người dân qua báo chí hay đường dây nóng, thư điện tử của Chủ tịch UBND thành phố, các đơn vị liên quan ở cấp phường (nếu vấn đề vượt tầm quản lý, chúng tôi nhờ cấp quận cùng giải quyết) đều xử lý rốt ráo và trả lời cho dân biết. Như thế lần sau gặp vấn đề bức xúc người dân mới phản ánh, phối hợp giải quyết. Mọi việc xảy ra trên địa bàn chưa tốt hay được xử lý như thế nào, chúng tôi đều phải nhờ một phần vào ý kiến người dân”.
Đơn thư phản ánh vụ việc và phản hồi vấn đề Báo Đà Nẵng nêu đã được giải quyết được gửi đến Phòng Bạn đọc của báo. Ảnh: H.L |
Cần có “thuốc đặc trị”
Lực lượng kiểm tra quy tắc đô thị (KTQTĐT) được thành lập cách đây 18 năm với nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường. Sau đó ít lâu được giao thêm hai nhiệm vụ là quản lý trật tự du lịch và trật tự vỉa hè. Các đội KTQTĐT quận, huyện và các phường đã góp phần nòng cốt trong lập lại trật tự văn minh đô thị, đảm bảo trật tự vỉa hè, chống đeo bám, chèo kéo du khách… Năm 2015 và tiếp năm 2016, thành phố quyết định chọn là Năm văn hóa, văn minh đô thị”. Cùng với việc thực hiện Chỉ thị 43, thì công việc ở các địa phương cũng nhiều lên. Đây là điều dễ hiểu vì vấn đề văn hóa văn minh đi sâu vào nhiều khía cạnh của cuộc sống, thậm chí ảnh hưởng đến cả vấn đề mưu sinh của nhiều người lâu nay vốn xem vỉa hè là nơi kiếm sống.
Ông Huỳnh Văn Rân, Đội trưởng Đội KTQTĐT quận Hải Châu đưa ra con số: Thực hiện Chỉ thị 43, năm 2015, đội của ông đã xử lý trên 10.000 trường hợp vi phạm và xử phạt trên 400 trường hợp với số tiền trên 420 triệu đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, có trên 700 trường hợp bị xử lý vi phạm trên địa bàn quận Hải Châu, 263 trường hợp bị phạt hành chính với số tiền trên 320 triệu đồng. Số lượt vi phạm hành chính trong trật tự vỉa hè, xây dựng… ở Hải Châu của năm 2015 tăng 50% so với năm 2014, tăng cả về số vụ vi phạm và số tiền phạt. Ông Rân cho biết, năm ngoái ông và các cộng sự đưa ra hướng giải quyết là nếu ai vi phạm các hành vi do Đội KTQTĐT quản lý, yêu cầu viết cam kết không tái phạm, phạt cảnh cáo và phạt tiền ở mức thấp. Bên cạnh đó là tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Nhưng sau một năm tuyên truyền, ông quyết định xử phạt các trường hợp vi phạm và không cho cam kết sửa chữa nếu tái phạm; áp dụng hình thức tăng nặng với những người vi phạm lần 2, bởi đã có một năm tuyên truyền, cho cam kết chứ không xử phạt. “Theo tôi, chế tài xử phạt rất nặng chứ không nhẹ (phạt từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng/vụ việc/tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, theo Nghị định 171 năm 2013 của Chính phủ - PV). Nhưng pháp luật của Việt Nam nặng về tính giáo dục, răn đe, nên việc tái phạm của một số người vẫn có dấu hiệu lặp lại, khiến cho việc quản lý của các Đội KTQTĐT nhiều chứ không giảm. Chưa kể việc tồn tại một nền “kinh tế vỉa hè” (thuật ngữ không hề có trong các văn bản chính quy-PV) rất khó xử lý, như một tồn tại xã hội, nên không thể xử lý triệt để các vụ việc vi phạm”, ông Rân nhấn mạnh.
Những hành vi bị cấm nơi công cộng vẫn chưa được một bộ phận người dân quan tâm, khiến cho những hình ảnh nhức nhối như đổ xà bần, rác thải, dán quảng cáo rao vặt lên tường, trụ điện hay lấn chiếm vỉa hè… vẫn tồn tại nhiều năm qua mà chưa có những bài thuốc “đặc trị”. Cũng không biết bao nhiêu năm nữa những hình ảnh chưa đẹp ấy được dẹp bỏ. Chỉ mong mỗi người dân, vì nếp sống văn minh, vì phấn đấu cho một đô thị đẹp, hiện đại sẽ chung tay cho một đô thị sạch, đẹp, văn minh.
HIỀN LƯƠNG