.

Nghề tay trái

.

Đôi khi nghề tay trái không chỉ giúp chúng ta vượt qua chuyện áo cơm thường nhật mà còn thắp lửa cho nghề tay phải thăng hoa…

Tình nghĩa thầy trò là một trong những lý do để giáo viên không bỏ nghề, dù thu nhập “nghề tay trái” có cao đến đâu. Ảnh: N.H
Tình nghĩa thầy trò là một trong những lý do để giáo viên không bỏ nghề, dù thu nhập “nghề tay trái” có cao đến đâu. Ảnh: N.H

Gian khó một thời

Thật khó có thể quên được những ngày sống cùng tem phiếu và đồng lương ba cọc ba đồng. Mọi người lăn ra kiếm việc làm thêm để sống. Hình ảnh các mẹ, các chị ngày ấy khi đi làm, họp cơ quan hay xếp hàng mua hàng bằng tem phiếu bao giờ cũng kè kè cái túi... đồ nghề. Họ vừa làm việc vừa thoăn thoắt đan len, móc sợi cho các cơ sở xuất khẩu, hay bỏ hàng chợ cũng giúp cho bữa cơm gia đình nhỏ thêm chút chất tươi. Không chỉ có người lớn tham gia vào làm thêm kiếm sống mà trẻ con sau giờ đến trường, thì về nhà bóc vỏ đậu, nhặt và phân loại cà-phê, dán bì giấy, dán gáy sách…

Có người khi nhớ lại thời gian khổ ấy đã đùa rằng, hồi đó mà có sách Ghi-nét thì mình đã đăng ký kỷ lục vừa đọc báo cáo vừa đan len nhanh không kém máy móc đâu nhá!

Ngày đó, khu tập thể của giáo viên Trường cấp 3 Hòa Vang giống như một phân xưởng sơ chế của công ty nông sản huyện. Gia đình nào cũng nhận đậu phộng về bóc vỏ, phân loại… Thế là sau giờ lên lớp, tối đến bên ngọn đèn dầu tù mù, vợ chồng, con cái chúi đầu bóc vỏ đậu cho đến khi ngủ gục lúc nào không hay!

Các thế hệ giáo viên Trường THPT Phan Châu Trinh sẽ không bao giờ quên câu chuyện “Trứng gà và tô phở” của thầy Tán Ngọc, dạy môn Sinh nay đã nghỉ hưu. Hồi ấy, thầy cũng như bao nhiêu giáo viên khác, chọn cách nuôi gà để tăng thu nhập. Một bữa khi đang nhận tiền bán trứng từ chủ quán phở, thầy nhìn thấy hai vợ chồng cô giáo dạy văn cùng trường đang ăn phở… trứng gà. Vì tủi thân, xót phận, thầy đã rất ngại khi gặp mặt đồng nghiệp. Sau này thầy mới biết, cô giáo vì ốm nghén, không ăn được cơm nên chồng chở đi ăn phở. Vì giá tiền khá đắt, nên anh chồng chỉ đủ tiền mua một tô cho vợ, còn mình thì ngồi ngắm… vợ ăn!

Tận dụng nghề tay phải để làm… tay trái

Những năm tháng đó đã lùi xa và trở thành hoài niệm, bây giờ người ta đã biết tận dụng nghề tay phải để… làm nghề tay trái một cách hiệu quả hơn và ngược lại.

Cùng một công việc chuyên môn nhưng có thể làm cho nhiều mối khác nhau. Kế toán, có thể nhận làm thêm sổ sách cho công ty khác; giáo viên, ngoài thời gian trên lớp có thể dạy cho trung tâm hoặc dạy ở nhà; phóng viên, có thể viết bài cộng tác cho nhiều báo; bác sĩ, nếu không mở được phòng khám riêng thì hãy viết bài tư vấn sức khỏe; làm thiết kế thì nhận thêm tất cả những công việc liên quan đến thiết kế…

Một thực trạng khá bẽ bàng trong ngành giáo dục là tiền lương của rất nhiều cặp vợ chồng giáo viên không đủ đóng tiền học, trả tiền ăn, sinh hoạt phí ở trường cho con trẻ. Thế là cặp đôi “giáo
viên - dạy thêm” ra đời. Giáo viên sau giờ lên lớp lại tiếp tục “bán cháo phổi” tại trung tâm luyện thi hoặc lớp dạy thêm ở nhà. Không chỉ cô giáo trẻ Đỗ Hà Quỳnh, giáo viên Văn Trường THPT Thái Phiên mà nhiều thầy cô giáo khác đều cho rằng, dạy thêm không chỉ tăng thu nhập mà còn là động lực thôi thúc họ nâng cao tay nghề. Bởi học sinh luôn tìm học ở những giáo viên giỏi chuyên môn chứ không phải vì cả nể…

Không phải ai cũng có thể dạy thêm và sống được bằng nghề dạy thêm, nhất là các giáo viên dạy môn phụ. Nhiều thầy cô giáo làm nghề tay trái ở những lĩnh vực khá bất ngờ. Riêng ở Trường THPT Phan Châu Trinh, số lượng giáo viên làm nghề tay trái không đếm xuể. Cô Cẩm Ly dạy tiếng Pháp có hẳn một cửa hàng lụa tơ tằm chuyên tư vấn và phục vụ may áo dài cho giáo viên nữ trong thành phố. Thầy Võ Anh Khoa, tổ Tin học mạnh dạn thuê mặt bằng mở cửa hàng hoa cây cảnh. Cô Bùi Thị Thùy Lâm, tổ Toán làm đại lý bán lẻ cho nhãn hàng mỹ phẩm O Hui, Hàn Quốc…

Việc kinh doanh đối với giáo viên cũng không dễ dàng gì. Cô giáo Võ Thị Trâm, giáo viên môn Văn Trường Phan Châu Trinh là một ví dụ. Khi Hội An, quê chồng cô trở thành một điểm đến lý tưởng của khách du lịch trong và ngoài nước. Cô đã nhanh chóng  vay mượn gia đình, bạn bè xây dựng một nhà lưu trú (home stay) trên mảnh đất của cha mẹ chồng tại Cẩm Thanh. Cuộc sống bây giờ của cô là sáng lên lớp ở Đà Nẵng, chiều về Hội An điều hành nhà nghỉ. Những hôm bận bịu việc trường, cô điều hành qua điện thoại, mạng Internet… Bạn bè đùa rằng, làm bà chủ nhiều tiền hơn, tiếc gì với đồng lương giáo viên còm cõi. Cô tâm sự rất thật lòng rằng, dù nghề tay trái có kiếm nhiều tiền bao nhiêu đi nữa, cô vẫn không bỏ nghề dạy học. Vì đó là nghề cô đã chọn và sẽ theo nó đến hết cuộc đời.

Bởi vậy mới nói, đôi khi nghề tay trái không chỉ giúp chúng ta vượt qua chuyện áo cơm thường nhật mà còn thắp lửa cho nghề tay phải thăng hoa…

LÊ NHƯ

;
.
.
.
.
.