Đà Nẵng cuối tuần
Xuôi về Nam Ô
Nói đến Đà Nẵng, người ta thường nghĩ đến một dòng Hàn giang chảy giữa lòng thành phố với những cây cầu duyên dáng bắt qua sông. Nhưng lại ít người biết đến một dòng Cu Đê hiền hòa xanh mát nằm phía tây bắc thành phố ngày đêm xuôi về cửa biển Nam Ô. Cũng như sông Hàn, dòng Cu Đê mang trong mình những câu chuyện hào hùng của quê hương xứ sở…
Đua thuyền trên đoạn sông Cu Đê đổ ra biển. Ảnh: V.T.L |
Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Ở cách huyện Hòa Vang 8 dặm về phía bắc có hai nguồn: Một từ ngọn núi Đại Giáo Lao thuộc phủ Thừa Thiên, chảy đến đổ vào vực ngã ba, đấy là đường nước phía tây bắc nguồn Cu Đê, một ngọn từ núi Trà Ngạn ở trong Man chảy đến, cũng đổ vào vực ngã ba, đấy là nguồn nước phía tây nam nguồn Cu Đê; hai ngọn hợp lưu ở vực ngã ba, chảy qua xã Cu Đê, đến đây có nước sông Hoa Ổ chảy vào làm sông Cu Đê, đổ ra cửa biển Cu Đê”.
Điều đó cho thấy, sông Cu Đê là hợp lưu của hai nhánh sông Bắc và sông Nam, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ. Phải chăng vì vậy mà đoạn ngã ba sông, nơi khởi đầu của dòng Cu Đê quanh năm sôi tăm sủi bọt nên có tên là Vũng Bọt? Mang theo âm ba của núi rừng Trường Sơn, nên những thác Ba, thác Dài trên sông Cu Đê mênh mang sóng nước. Rồi đột nhiên con sông trở nên dịu dàng hé lộ cái vịnh nước khá dài và rộng xanh ngắt đôi bờ.
Cư dân thượng nguồn Cu Đê chủ yếu là người Cơtu, sống tập trung ở hai thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) nằm dọc theo triền sông. Nghe nói cái tên Giàn Bí có từ những năm 1945, khi một đơn vị bộ đội đóng quân tại đây; họ trồng trọt, sản xuất rất nhiều và chủ yếu là trồng bí, nên có tên Giàn Bí từ đó. Đoạn sông ngăn cách hai thôn có tên là sông Cầu Sụp, vì chiếc cầu do người Pháp bắc qua khi mở đường giao thông (nay là đường ĐT601) đã sụp đổ bởi dòng lũ cuồng nộ từ thời nào vẫn còn lưu dấu. Tháng 5-2010, cây cầu có vốn đầu tư 11 tỷ đồng mang tên hai thôn xa nhất phía tây bắc thành phố này được đưa vào sử dụng, chấm dứt sự ngăn cách mỗi khi con lũ tràn về.
Trên hành trình xuôi dòng về cửa biển Nam Ô, sông Cu Đê đi qua một bãi sỏi rộng khoảng vài héc-ta nằm về phía hữu ngạn mang tên Bến Sạn, xã Hòa Bắc. Trên bờ, vào mùa xuân, hoa rù rì nở đỏ cả khúc sông. Đá và hoa cứ đan xen nhau giữa màu nước biếc tạo nên một bến sông đẹp tựa gấm hoa. Không chỉ là non nước hữu tình, mà thượng nguồn sông Cu Đê có khá nhiều loài cá, trong đó chủ yếu là cá chình hoa, phao, chạch đá, chạch đuôi đỏ, bống đen, bống sạn…
Sông Cu Đê xuôi về biển, mang theo bao phù sa, tạo sự phẳng lặng của một khúc sông khi chảy qua thôn Trường Định (xã Hòa Liên) để sông mang theo tên làng làm say lòng bao người như câu thơ của Lưu Trùng Dương viết từ năm 1947: “Rượu không say, anh say nước sông Trường”.
Khách xuôi ngược trên sông, có lẽ không chỉ say lòng vì dòng nước bình yên mà còn đắm mình trong dòng chảy đầy huyền tích của một thuở cha ông mang gươm đi mở cõi.
Trong sách Đồng Khánh dư địa chí cuối thế kỷ XIX, Trường Định là một trong 31 xã thôn thuộc tổng Hòa An Thượng, huyện Hòa Vang. Nhiều tài liệu ghi rằng đất Trường Định vốn là nơi ngày xưa chúa Nguyễn đã từng đóng quân. Nơi đây còn lưu nhiều dấu vết của hành dinh Bến Giá thời chúa Nguyễn và một số địa danh ghi dấu về thời kỳ đó vẫn còn được dân gian nhắc đến tận ngày nay như vườn Đồn, vườn Lẫm (kho), vườn Hành (hành cung)...
Tác giả Trần Viết Điền trong bài viết “Trường Định - Một địa danh lịch sử độc đáo” đăng trên Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng số 11+12-2010, cũng xác nhận rằng Trường Định có bề dày lịch sử, gắn bó khá sâu sắc với Huế.
Ngay từ thời Nhà Nguyễn ở thế kỷ XIX, dưới triều Gia Long, nơi sông Cu Đê tiếp giáp với cửa biển đã được lập làm “tấn biển” Cu Đê, đặt một viên “thủ ngự” và cắt cử “thủ dân” để tuần phòng ngoài biển. Đến năm 1851, tấn Cu Đê bị cho là “cửa biển nông hẹp, vua Tự Đức bỏ tấn Cu Đê, rút viên tấn thủ đi nơi khác, còn thủ dân thì giao về làng chủ quản ghi vào sổ đinh để làm sai dịch.
Dù chỉ khoảng nửa thế kỷ tồn tại với tư cách là một tấn biển, nhưng cửa Cu Đê trở thành một phần của lịch sử hệ thống hải phòng ở vịnh Đà Nẵng, và tên gọi cửa tấn Cu Đê đã ăn sâu vào tâm khảm mọi người, là niềm tự hào từ bao đời nay của người dân vùng cửa sông phía bắc thành phố Đà Nẵng.
Sách Lịch sử Đảng bộ quận Liên Chiểu (1930-2005) ghi rằng, một thời cửa sông Cu Đê tấp nập cảnh buôn bán trên bến dưới thuyền, là nơi trao đổi, kết nối các sản vật miền biển và miền núi của vùng tây bắc huyện Hòa Vang, từ đó hình thành nên thị tứ Nam Ô vang bóng một thời. Nam Ô chính là một trong những ngôi làng được hình thành khá sớm ở cửa sông Cu Đê vậy.
Nơi cửa sông này có một bến đò gọi là bến Bà Tân. Theo nhà nghiên cứu Đặng Phương Trứ, một cư dân của Nam Ô, tên gọi này gợi nhớ đến một bà Tân phi người họ Mai trong làng, là vợ vua Khải Định (ở ngôi từ 1916 - 1925). Tương truyền rằng sau khi vua Khải Định băng hà, Đức Từ Cung (Huệ phi của vua) cho bà hồi hương; bà đã làm nhà cư ngụ ở đây cho đến khi qua đời và bến sông mang tên bà Tân phi của vua từ đó.
Hằng năm, nơi cuối sông Cu Đê, đến ngày 9 tháng Giêng âm lịch, quận Liên Chiểu lại tổ chức giải đua thuyền truyền thống mở rộng, thu hút các đội thuyền đến từ các quận, huyện ở Đà Nẵng và huyện Phú Lộc bên kia đèo Hải Vân. Ngày hội sông nước này gửi lời cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa ngay nơi dòng sông dài gần 40km hòa con nước vào biển cả mênh mông.
NHƯ HẠNH