Đà Nẵng cuối tuần
Yêu thương và chia sẻ
Bắt đầu từ năm 2014 đến nay, dự án “Một bức tranh, nhiều hy vọng” đã tổ chức được 40 chương trình vô cùng ý nghĩa. Điều đáng nói, dự án không chỉ dừng lại ở những bức ảnh đẹp, như tên gọi ban đầu, nhằm mang đến không gian tâm lý tốt nhất cho các bệnh nhân Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng mà còn hình thành phong trào hát cho bệnh nhân tôi nghe, vẽ tranh, tặng sách báo hay dọn dẹp vệ sinh khu vực xung quanh bệnh viện.
Lời ca, tiếng hát phần nào giúp những bệnh nhân ung thư quên đi nỗi đau thể xác. Ảnh: H.L |
Hát cho bệnh nhân tôi nghe
Cách đây chừng 2 năm, dự án “Một bức tranh, nhiều hy vọng” do Khoa Quản lý dự án, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) thực hiện đi vào hoạt động đã mang lại phương pháp điều trị tâm lý tích cực cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Bằng việc sử dụng các phương tiện như hội họa, nhiếp ảnh, sách báo, mỹ thuật, âm nhạc…, dự án đã đưa văn hóa yêu thương và chia sẻ đến với tất cả mọi người.
Anh Hồ Dương Đông (32 tuổi), giảng viên khoa Quản lý dự án, Trường ĐH Bách khoa, người khởi xướng dự án cho biết chính sự đón nhận của bệnh nhân cũng như sự tham gia tích cực của đội ngũ tình nguyện viên và nhà hảo tâm đã giúp phong trào ngày càng lớn mạnh. Sau 2 đợt phát động, dự án đã nhận được 376 bức ảnh và 87 bức tranh đủ thể loại của tác giả khắp cả nước gửi về, trong đó có nhiều tác phẩm mang giá trị nghệ thuật cao. Số lượng tranh, ảnh dồi dào đã mang lại màu sắc tươi vui, nhẹ nhàng trên khắp các hành lang thuộc Bệnh viện Ung bướu.
Trong đó, chương trình “Hát cho bệnh nhân tôi nghe” tạo nên một phong trào cùng hát, cùng múa, cùng chia sẻ tại tiền sảnh bệnh viện vào các tối thứ 2, 4, 6 và chiều chủ nhật hằng tuần. Trong một buổi tối tham gia chương trình này cùng các bạn sinh viên, tôi đặc biệt chú ý đến Thượng sĩ Nguyễn Văn Duy, đang công tác tại Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố Đà Nẵng, trong trang phục ngành đang say sưa đệm đàn guitar hát phục vụ bệnh nhân. Hòa chung vào tiếng guitar ấy là tiếng hát lúc trầm bổng, lúc to nhỏ của những con người đang ngày đêm chống chọi với sự tàn phá khủng khiếp của căn bệnh ung thư. Những nụ cười, những tràng pháo tay, những cái vỗ vai động viên giúp bệnh nhân say sưa trong điệu nhảy của bài ca sôi động hay ngân dài nhịp điệu trong bản boléro ngọt ngào.
Gần 6 tháng qua, Nguyễn Văn Duy thường xuyên có mặt trong chương trình “Hát cho bệnh nhân tôi nghe”. Tính cách sôi nổi, trẻ trung, ân cần cùng giọng hát khỏe và ấm đã giúp Duy chiếm được cảm tình của nhiều cô chú bệnh nhân lớn tuổi. Duy chia sẻ, chính nụ cười và sự yêu thương của bệnh nhân là phần thưởng quý giá nhất của Duy trong mỗi đêm hát. Không ít lần, Duy đệm đàn, động viên bệnh nhân tự tin thể hiện giọng ca của mình.
Đến thời điểm này, “Hát cho bệnh nhân tôi nghe” được xem là một trong những mô hình thành công nhất của dự án “Một bức tranh, nhiều hy vọng” khi tạo được sức lan tỏa và đang được các bạn trẻ thực hiện ở một số địa phương khác như Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh…
Vượt qua nỗi buồn bệnh tật, bệnh nhân ung thư đang say sưa với bức vẽ của mình. |
40 và hơn thế nữa…
Không phải ngẫu nhiên dự án “Một bức tranh, nhiều hy vọng” lại chọn Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng làm nơi tổ chức cho mỗi hoạt động từ thiện. Ở nơi sự sống của con người như chông chênh, sự quan tâm của các bạn trẻ, dù nhỏ thôi, cũng tạo ra sức mạnh diệu kỳ giúp người bệnh quên đi nỗi đau, lạc quan và vững tin hơn vào cuộc sống.
Sau một thời gian hoạt động tích cực, đến nay dự án “Một bức tranh, nhiều hy vọng” đã trải qua 40 chương trình vô cùng ý nghĩa. Điều đáng nói, dự án không chỉ dừng lại ở những bức ảnh đẹp mang chủ đề khác nhau như tên gọi ban đầu, mà còn hình thành phong trào “Hát cho bệnh nhân tôi nghe”, vẽ tranh, tặng sách báo hay dọn dẹp vệ sinh khu vực xung quanh bệnh viện. Tính nhân văn và hiệu quả tích cực từ biện pháp tâm lý đối với quá trình điều trị căn bệnh ung thư đã giúp “Một bức tranh, nhiều hy vọng” được bệnh nhân đón chào.
Anh Trần Minh Toại, một thành viên dự án cho biết, dự án đã đi một quãng đường dài. Khi người cũ rời dự án cũng là lúc người mới đến. Sau hơn 2 năm, dù có sự thay đổi về con người và có thêm nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ khác nhưng ý nghĩa của dự án vẫn luôn được anh cùng đội ngũ tình nguyện viên gìn giữ và phát huy hơn nữa.
Ông Lê Văn Tửu, bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng chia sẻ, vài tháng trước khi phát hiện mình bị ung thư, ông đã suy sụp chẳng muốn ăn uống hay nói chuyện cùng ai. Từ một người hoạt ngôn, ông trở nên trầm tính và luôn cáu gắt. Thế rồi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật bất ngờ xuất hiện thường xuyên tại hành lang bệnh viện mang đến cho ông bầu không khí mới, bớt ảm đạm và bi quan. Không chỉ nghe hát và được hát, ông Tửu còn tham gia vẽ tranh, tô màu và đọc sách báo.
Những lời ca, tấm thiệp mang thông điệp yêu thương, những bức tranh được vẽ, tô màu từ chính tay bệnh nhân khiến cho dự án “Một bức tranh, nhiều hy vọng” thêm phần ý nghĩa. Anh Đinh Gia Hoàng Việt, Trưởng phòng Hành chính, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng nói rằng dự án đã thổi một luồng không khí tươi mát và ấm áp vào không gian bệnh viện. Thời gian tới, dự án “Một bức tranh, nhiều hy vọng” tiếp tục kêu gọi xã hội hỗ trợ để xây dựng thêm một phòng đọc sách “Niềm tin” để bệnh nhân có thể vào đăng ký mượn đọc ngay tại chỗ; đồng thời duy trì chương trình tặng tóc giả giúp bệnh nhân nữ tự tin hơn khi xuất hiện trước đông đảo mọi người.
HUỲNH LÊ