Nếu ai đó có một đêm lang thang khắp Đà Nẵng thì hẳn sẽ nhận ra nhịp sống nơi đây luôn chảy trôi theo một giai điệu riêng và chưa bao giờ ngơi nghỉ. Đêm Đà thành không quá ồn ào, náo nhiệt như Sài Gòn, cũng không thâm trầm, lãng mạn như cố đô Huế nhưng cũng chẳng kém phần nhộn nhịp, với nhiều thú vui hấp dẫn...; trong đó ăn khuya là một thú vui khó ai từ bỏ.
Quán Quảng Đông ở 187 Ông Ích Khiêm là một trong những quán mở cửa đến 2-3 giờ sáng tại Đà Nẵng.Ảnh: KHẢ TRÍ |
Bản đồ ẩm thực Đà thành
Trước đây, chuyện đi ăn lúc nửa đêm hầu như chỉ dành cho dân lao động nghèo làm nghề buôn bán hoặc lao công, bốc vác ở bến xe, bến tàu… sau một ngày dài vắt kiệt sức lực để mưu sinh. Ăn đêm đối với họ đơn giản chỉ là chuyện để tái tạo sức lao động cho ngày mai chứ không hề mang hương vị của việc thưởng thức món ngon vật lạ. Những gánh bún đêm, những xe bánh mì, những mẹt bánh chưng, bánh ú… bày vội vàng trên vỉa hè, hay trong hẻm vắng trong chốc lát rồi lại tan biến theo giờ tan ca đêm. Thi thoảng, cũng có vài xe hủ tiếu gõ, bánh mì nóng hay bắp luộc bán rong ban đêm phục vụ cho những cơn đói bất chợt của ai đó làm việc khuya.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, ăn đêm đã trở thành thú vui, thậm chí là nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người dân đất Đà thành. Khắp thành phố, từ khu trung tâm đến các quận ngoại vi như Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu… đều có rất nhiều hàng quán phục vụ cho khách ăn đêm. Thậm chí có hẳn một mạng lưới phục vụ thức ăn khuya qua điện thoại. Chỉ cần a-lô một tiếng, thì món đặc sản nào cũng được phục vụ đến tận nhà.
Nếu nói về nơi ăn đêm thú vị và tập trung ở Đà Nẵng thì không thể nào bỏ qua phố ẩm thực đêm Phạm Hồng Thái, thuộc phường Hải Châu 1. Bắt đầu từ ngã ba giáp đường Phan Châu Trinh, tầm 7 giờ tối, đoạn đường Phạm Hồng Thái đã ken dày xe cộ. Quán nào quán nấy đông nghịt khách.
Theo những người buôn bán tại đây, đường Phạm Hồng Thái trước đây rất nhỏ, hẹp và là khu dành riêng cho người Hoa sinh sống nên nổi tiếng với những quán chè, quán mì xíu, mì hoành thánh, cơm gà mang đậm bản sắc ẩm thực của người Tàu. Sau này, con đường được mở rộng hơn và quy hoạch thành phố ẩm thực đêm với nhiều món ăn thức uống mang màu sắc của thành phố biển như bún mắm, mì Quảng, bánh đập, bún chả cá, bánh canh Nam Phổ… để phục vụ cho nhu cầu của người dân và du khách.
Nhiều du khách đã rỉ tai nhau món bún chả cá, bánh canh chả cá thần thánh, một món ngon Đà thành mà ai chưa thử qua thì coi như chưa tới... Đà Nẵng.
Quả thật, việc sở hữu một dải bờ biển kéo dài từ Liên Chiểu, Thanh Khê đến Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đã mang đến cho Đà Nẵng một nguồn cá tươi đa dạng. Với sự tài hoa và khéo léo của mình, người dân Đà thành đã chế biến thành món bún chả cá nức danh thiên hạ. Bún chả cá bán khắp nơi, từ gánh bún rong trên đường phố, kiệt hẻm đến quầy ăn trong các chợ và lên ngôi ở những thương hiệu nổi tiếng như Bún chả cá Bà Lữ ở 319 Hùng Vương, Bà Phiến 63 Lê Hồng Phong, Bà Lan 94 Nguyễn Thị Minh Khai… nổi tiếng với chả cá ngon, nước dùng ngọt và bí đỏ mềm thơm tan trong đầu lưỡi. Đặc biệt, những quán bún chả cá ngon nhất lại tập trung ở đoạn đường Nguyễn Chí Thanh, quãng giữa đường Lê Duẩn và Quang Trung. Những cái tên như Bún chả cá Ông Tạ, Bà Hờn… cũng làm nao lòng người sành ăn không chỉ chả cá thu, cá nhồng, cá thát lát mà còn bởi hương vị rau sống tươi ngon, sạch được trồng trên vùng đất rau Túy Loan, Hội An nức tiếng.
Đà Nẵng còn nổi tiếng với món cơm gà thương hiệu Hồng Ngọc đường Nguyễn Chí Thanh, Tú Tài đường Hải Phòng; bún thịt nướng tập trung dọc con phố Lê Đình Dương và Hoàng Diệu. Ban đêm, ở đây khói từ lò nướng thịt bay dìu dịu và thơm nức mũi…
Muôn nẻo ăn khuya
Ăn đêm với người Đà Nẵng không chỉ thưởng thức những món ngon đặc sản của quê nhà mà là lang thang với những món ăn mới, quán mới… Có khi dạo bước vào nhà hàng Madame Lân vừa ngắm sông Hàn lên đèn vừa thưởng thức món ăn ba miền Nam Trung Bắc, từ bánh bèo, nậm lọc, bún bò Huế đến bún mọc, bún đậu mắm tôm, phở bò đất Bắc, không thiếu thứ nào. Có lúc, la cà mấy quán ốc, bánh tráng tương, bánh kẹp trứng cút, bò khô… mang đậm chất Đà Nẵng không nơi nào có được.
Trong thời buổi hội nhập hiện nay, việc giao lưu văn hóa, trong đó bao gồm cả ẩm thực là nét nổi trội nhất. Ngoài những quán ăn Tàu, Đà Nẵng không thiếu những quán ăn Nhật, Hàn, Singapore, Lào… Trong những năm gần đây, không biết có phải do ảnh hưởng của làn sóng phim Hàn mà món Hàn đã lên ngôi một cách thuyết phục. Đặc biệt là các quán mì cay các cấp độ từ 1 đến 12 thu hút giới trẻ và những người có tâm hồn ăn uống. Đi dọc theo những con phố trung tâm, những tấm bảng Mì cay Naga, Mì cay Seoul, Mì cay Sinava, Mì cay Cheoum… đã thật sự tạo thêm một nét ẩm thực lạ về đêm cho Đà thành.
Đà Nẵng chưa phải là một thành phố có nhiều hoạt động về đêm nhưng riêng vẫn có nhiều hàng quán mở cửa suốt đêm phục vụ cái thú ăn khuya của người dân thành phố và du khách. Nếu bạn đói vào lúc nửa đêm hay thậm chí 2 - 3 giờ sáng, xin hãy ghé quán ăn Quảng Đông ở 187 Ông Ích Khiêm, nơi phục vụ 72 món ăn Hoa nổi tiếng. Nếu muốn ăn nhẹ thì ghé qua quán cháo trắng hột vịt muối 100 Phan Châu Trinh, bún bò Bà Nữ 49 Phan Châu Trinh hay nhanh gọn hơn là mua một ổ bánh mì nóng hổi ở tiệm bánh Bà Lan 62 Trưng Nữ Vương…
Khuya, nếu thật sự lười biếng không muốn ra khỏi nhà, thì hệ thống ship đồ ăn nhanh Đà Thành 273 Đống Đa, Danang Food Delivery… trong phạm vi nội thành luôn sẵn sàng phục vụ. Không chỉ thực đơn phong phú, giá cả phải chăng, chất lượng bảo đảm mà phí dịch vụ cũng thấp: 5.000 đồng tiền ship cho một món nếu ở trung tâm thành phố, 15.000 đến 20.000 đồng nếu cách trung tâm 15 - 20 cây số.
Trước đây, ở đường Trần Cao Vân, quãng đối diện với Xí nghiệp Toa xe đường sắt có quán bánh canh Âm phủ nổi tiếng. Không chỉ vì món bánh canh chả cá, xương, thịt “ngon bổ rẻ” mà còn đặc biệt hơn, quán ra đời trên 30 năm này chỉ mở lúc 12 giờ đêm đến tận sáng trong kiệt hẻm tối tăm ma mị nên người ăn đặt tên là quán Âm phủ. Ngày trước, quán chỉ phục vụ cho công nhân toa xe, người lao động ban đêm ăn chống đói. Về sau tiếng lành đồn xa, nhiều người đến ăn để trải nghiệm cảm giác lạ lẫm của thú ăn khuya ở quán bánh canh có cái tên rất đặc biệt này. Gần nửa năm nay, quán đóng cửa vì chủ nhân già yếu, đau ốm không có người kế thừa. Thật tiếc cho một địa chỉ ẩm thực đã gắn bó lâu đời với người dân thành phố.
Trông người lại ngẫm đến ta
Thực lòng mà nói, những quán phục vụ cho thú vui ăn đêm ở Đà Nẵng tương đối rộn ràng nhưng chỉ có chừng ấy quán thì quả là ít ỏi, nhất là thành phố phát triển theo hướng du lịch. Để kiếm được một quán ăn giữa khuya có khi phải chạy lòng vòng khắp thành phố. Ở các nơi như Hồng Kông, Singapore, Hàn, Nhật… những quán ăn đường phố mở suốt đêm như một điểm nhấn của các đất nước này. Ví như ở Singapore, hawker là hình thức buôn bán hàng ăn đường phố, với các quầy bán thức ăn tập trung ở một khu vực nhất định như chợ, trung tâm ăn uống... Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng khoe món hủ tiếu xào Char Kway Teow ở khu Zion Road là một trong những món hawker mà ông thích nhất. “Chính phủ đang xây dựng nhiều khu hawker mới trong vài năm tới. Tôi hy vọng người dân Singapore sẽ cố gắng giữ nét độc đáo trong đời sống này trường tồn” - Thủ tướng họ Lý từng phát biểu vào năm 2013.
Với Đà Nẵng, rõ ràng chúng ta đang để hổng mảng thức ăn đường phố, nhất là những món ăn khuya. Đã đến lúc các nhà hoạch định chiến lược phát triển du lịch “đừng bỏ lỡ” mảng hoạt động mang sức sống cho đêm Đà thành này. Bởi lẽ, dù ở nhà hay đi đâu về đâu thì chuyện ăn uống luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của con người.
Hôm nay ăn món gì, ăn ở đâu… luôn là một thú vui tinh thần khó cưỡng.
NHƯ HẠNH