Đà Nẵng cuối tuần

Trung nghĩa ca, bài ca chính khí

07:30, 18/09/2016 (GMT+7)

Tháng 9-2016, kỷ niệm 150 năm (1866-2016) cuộc nổi dậy do Đoàn Hữu Trưng cầm đầu tại kinh thành Huế, dưới triều vua Tự Đức. Sự kiện này, sử nhà Nguyễn và dân gian gọi là Loạn chày vôi hay Giặc chày vôi (Xem Đại Nam thực lục, tập bảy, từ trang 1009 đến 1012, NXB Giáo dục, 2007).

Ngọ Môn, nơi  Đoàn Hữu Trưng đã dẫn quân tràn vào Đại Nội. Ảnh: Internet
Ngọ Môn, nơi Đoàn Hữu Trưng đã dẫn quân tràn vào Đại Nội. Ảnh: Internet

Đoàn Hữu Trưng (1844 - 1866) sinh năm Giáp Thìn (1844) tại làng An Truyền (dân gian gọi là làng Chuồn), huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên (nay là xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Đoàn Hữu Trưng vốn thông minh, giỏi chữ nghĩa, tuy là con nông dân nhưng được Tuy Lý Vương Miên Trinh (1820–1897) cho vào học trong vương phủ. Từ đó, tài học của Đoàn Hữu Trưng có dịp vang lên khắp vùng của kinh thành. Năm Giáp Tý (1864), vừa tròn 20 tuổi, ông được Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, anh ruột Tuy Lý Vương, quý mến tài học, gả con gái đầu là Thể Cúc cho, dù lúc ấy ông chưa đỗ đạt gì.

Chúng ta biết, những năm này, triều đình Tự Đức không lo chống giặc, chỉ lo thơ phú. Năm 1858 (Mậu Ngọ), thủy quân Pháp-Tây Ban Nha đánh chiếm Đà Nẵng, cửa ngõ của kinh đô. Năm 1859 (Kỷ Mùi), Pháp chiếm thành Gia Định. Năm 1862 (Nhâm Tuất), triều đình Huế ký hàng ước (5-6-1862), nhường 3 tỉnh Đông Nam Bộ (Gia Định, Biên Hòa, Định Tường) cho thực dân Pháp.

Năm 1864 (Giáp Tý), khởi nghĩa Trương Định thất bại. Năm 1865 (Ất Sửu), nhân dân và sĩ phu yêu nước như Nguyễn Hữu Huân (Thủ khoa Huân), Phan Văn Đạt, Hồ Huân Nghiệp, Võ Duy Dương tiếp tục duy trì cuộc kháng chiến ở vùng Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Chợ Gạo, Đồng Tháp Mười. Bối cảnh lịch sử đó khiến dân tình và sĩ phu bất bình với triều đình nhà Nguyễn.

Chính trong thời điểm đó, Đoàn Hữu Trưng tổ chức nổi dậy, chống triều đình Huế và thất bại. Lực lượng chính của cuộc nổi dậy, theo nhiều tài liệu, có khoảng ba ngàn người, gồm binh lính và phu thợ phục vụ việc xây Vạn Niên Cơ. Về sau, Tự Đức đổi thành Khiêm Cung và viết bài biểu trần tình để biện bạch, trong đó, có câu: dân chúng nhất thời dại dột mà nghe theo chứ không thật tình thù oán triều đình.

Trong những ngày tù ngục, Đoàn Hữu Trưng viết Trung nghĩa ca. Trường ca này có 498 câu, viết theo thể lục bát. Theo Bùi Quang Tung, tạp chí Đại học (Viện Đại học Huế), số 32-1963, thì: “Bài này do Trương Vĩnh Ký sưu tầm trong cuộc hành trình của cụ tại Bắc Kỳ từ tháng giêng đến tháng tư năm 1876 và được cụ biên chép trong tập tài liệu của cụ nhan đề là Trương Vĩnh Ký di chỉ, mà cụ chưa có dịp dùng đến và phổ biến trong lúc cụ còn sanh tiền. Sau đó, tập này vào tay ông Hoàng Xuân Hãn. Và cuối cùng được tàng trữ trong Thư viện Trường Viễn đông Bác cổ - Bibliothèque de L’Ecole Francaise d’Extrême-Orient - tại Hà Nội” (Sđd, trang 510).

Trung nghĩa ca được Đinh Xuân Lâm-Triêu Dương, sưu tầm và giới thiệu, NXB Văn hóa, HN, 1963. Bản này, phần khảo dị, chú thích, giải nghĩa... còn phải tiếp tục tra cứu. Bài viết này lấy tư liệu từ phần biên khảo của Bùi Quang Tung, như trên đã nêu.

Trung nghĩa ca khác với tác phẩm cùng thời, cùng cảnh ngộ là Tự tình khúc của Cao Bá Nhạ, sáng tác năm 1862, khi đang bị giam ở trong nhà lao chờ ngày chịu án, càng không phải là tác phẩm “tả hết nỗi đau đớn của một người chẳng may gặp cảnh gia biến bị nỗi oan uổng, mà vẫn giữ được lòng trung hiếu nghĩa thủy chung”, nhất là phần Kết thúc của Tự tình khúc (câu 572 đến câu 608), tin tưởng vào đạo lý thánh hiền, hy vọng vào công lý của Trời và phúc đức của nhà mình (Xem Dương Quảng Hàm, Việt Nam thi văn hợp tuyển, Bộ Giáo dục-Trung tâm học liệu xuất bản, Sài Gòn, 1968, trang 167). Trung nghĩa ca của Đoàn Hữu Trưng là tác phẩm mang đậm yếu tố hiện thực, có ý nghĩa phê phán và tố cáo, chấp nhận hy sinh. Toàn bộ bài ca toát lên tinh thần phản kháng, đứng về phía chính nghĩa, phía nhân dân, phía những người lao dịch xây dựng Vạn Niên Cơ để lên tiếng.  

Vua Tự Đức kế ngôi giữa lúc chế độ phong kiến nhà Nguyễn đang bước vào giai đoạn suy yếu. Cùng lúc đó, thực dân Pháp đang lấn chiếm nước Việt và nội bộ hoàng tộc cũng đang phân hóa, xuất hiện nhiều phe phái. Đoàn Hữu Trưng nhận thấy cần phải lật đổ Tự Đức và người được Đoàn Hữu Trưng chọn là Đinh Đạo, con trai Hồng Bảo, cháu nội vua Thiệu Trị. Hồng Bảo âm mưu chống Tự Đức năm 1854, bị tống giam, vì thế, con cái phải đổi sang họ Đinh, họ mẹ. Sau sự biến này, cả gia đình Hồng Bảo gồm 8 người đều bị xử giảo (treo cổ).

Cuộc nổi dậy thất bại, ba anh em Đoàn Hữu Trưng, Đoàn Hữu Trực, Đoàn Hữu Ái bị Tự Đức xử lăng trì. Cả họ Đoàn bị đổi sang họ Đoạn, con cháu phải lưu tán, không được thi cử...

Sau những dòng mở đầu nói về thi xã Đông Sơn thi tửu hội, Trung nghĩa ca nhắc lại tình hình nghiêm trọng dưới triều Tự Đức như sau: Hay đâu gió bụi quanh trời / Can qua đầy đất cõi ngoài chẳng an / Thuyền Tây khói lửa dọc ngang / Lui nơi Đà Nẵng, lại sang Cần Giờ / Làm cho trăm họ ngẩn ngơ / Lò hương mưa bạt, giường thờ gió nghiêng. Tình thế nước sôi lửa bỏng như vậy, đã bộc lộ sự bất lực của triều đình, sự ngang ngược, thao túng của ngoại bang: Có đâu sóng dậy đất bằng / Chẳng ai bắt được một thằng giặc Tây / Bởi vì lương tướng không tay / Khéo đem binh lính bỏ thây chiến trường...

Từ hàng ước Nhâm Tuất (1862), phải nhường ba tỉnh Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) cho Pháp và chịu đóng góp một số tiền bồi thường chiến tranh, làm cho trăm dân và sĩ phu bất bình, được ghi:

Tiếc thay nghiệp cũ giang sơn
Ba thành bằng mất ai hoàn lại cho ...
Một dây bó chặt chữ hòa
Của tiền trả mãi, tỉnh ba cắt đành...

Nhân dân phải “đóng góp nặng nề, cực thay lính dưới, sướng về quan trên / Nhiều nơi phú trọng hình oan / Binh kêu đói rách, dân van khó nghèo”. Đây là cảnh thiếu thốn, đau khổ của dân, của lính phải lao dịch cực nhọc, sống cảnh “nước phèn chua le”, “nắng dang đầu chẳng chi che / đến cơn mưa gió dầm dề lạnh da”. Bằng giọng thơ bi thiết, chất ngất oán hờn, tác giả viết:

Tới thăm công sở Vạn Niên
Lùa quân treo ngược đầy miền núi non
Đôi vai gánh đá xương mòn
Mông trôn roi đánh chẳng còn mảng da
Đưa người cất đát xông pha
Cả đêm vôi quét chẳng tha canh nào
Kẻ thời sức mõn hơi hao
Người thời mắc lấy ốm đau chẳng lành
Người thời quần áo tan tành
Miệng thêm khát nước, dạ đành đói cơm
Phá tan một cõi trời Nam
Xương xây thành kín máu làm hào sâu...

Trong một đoạn khác, Đoàn Hữu Trưng nêu những việc trong triều, sau khi vua Thiệu Trị băng hà, Hồng Bảo mất ngôi: Vì Trương Đăng Quế tôi gần/Dùng mưu kiểu chiếu xây vần cho ai.

Chứng kiến trăm họ đau khổ, Đoàn Hữu Trưng lựa chọn phương thức: bạo loạn. Cuộc nổi dậy được tác giả mô tả đầy khí thế: “Sắm sanh khí giới cờ mao/ Chọn ngày đại hội anh hào xuất chinh... Đao thương kiếm kích tinh minh /Trăm sao áo đóng năm hàng cờ treo / Lệnh truyền sấm dậy gió theo / Khí lăng bổ núi tiếng reo chật đường”. Từ Dương Xuân về kinh thành:

Ba quân nghe nói đồng lòng
Khói tan sắc oán, sấm ầm tiếng dây...    

Than ôi, việc không thành, cam phận chờ ngày bị án tử hình và đợi cái chết đau đớn (xử lăn trì), Đoàn Hữu Trưng vẫn giữ thái độ bình tĩnh, cao thượng:

Thân danh nhẹ giống lông hồng
Anh hùng mấy kẻ khỏi vòng họa tai
Có tài mà cậy chi tài
Một cây khó chống mái nhà ngả nghiêng

Ông nhắn gửi đời sau, trước khi từ biệt trần gian, xin hậu thế công tâm soi xét, hiểu tấm lòng thành:

Kìa ai đem dạ mà thương
Chớ vu bạn nghịch mà oan tấc lòng...
Canh khuya viết ngọn đĩa dầu
Mấy lời tâm sự kể đầu liền đuôi
Lòng trời đã phụ thì thôi
Một dây tuyệt mạng thác rồi như chơi...
Thôi đừng thở vắn than dài
Chừng này cũng đã biết tài Đông Sơn.    

Với Trung nghĩa ca, “tuy còn nhiều hạn chế, bài ca đã phản ảnh sâu sắc cuộc đấu tranh mạnh mẽ của những người lao động đã vùng lên từ cuộc sống cực khổ ở công trường xây dựng Khiêm Lăng. Đồng thời bài ca cũng đã nghiêm khắc lên án triều đình Tự Đức về cả hai mặt đối nội và đối ngoại” (Hợp tuyển thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX, NXB Văn học, HN, 1976, trang 152, 153).

Qua 150 năm, đọc lại bài ca, nhớ lại cuộc nổi dậy, đời sau hiểu thêm rằng, ở vào trường hợp Đoàn Hữu Trưng, nếu không chọn nhân dân và chính nghĩa, ông sẽ có một cuộc đời vương giả, hoạn lộ thênh thang, vì lẽ, Tùng Thiện Vương, cha vợ ông, một ông hoàng hay chữ, là chú ruột của Tự Đức. Song, với trái tim trắc ẩn, với khí phách hào hùng, thấy rõ con người Tự Đức, ông đã chọn con đường chống cường quyền, lật đổ vương triều, dù biết sẽ chết, nếu việc bất thành.

Tính ra, khi Đoàn Hữu Trưng bị giết (Bính Dần, 1866), ông mới 22 tuổi. Ông mất, để lại tấm gương sáng cho con cháu mai sau về thái độ và lẽ sống.

Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Huế, thành phố Đà Nẵng, thành phố Đồng Hới đều có con đường mang tên Đoàn Hữu Trưng.

HUỲNH VĂN HOA

.