Đà Nẵng cuối tuần

TRUYỆN NGẮN

Chuyện trên trời

17:49, 24/09/2016 (GMT+7)

Sáu mươi tuổi, tự nhiên ông có nhiều lý do nên phải đi lại nhiều bằng máy bay. Chuyến đi hồi đầu là do mẹ ông trở bệnh nặng, cứ đòi gặp ông hoài. Mà ông thì đang ở tuốt Sài Gòn lo coi cái nhà của đứa con gái lớn đang sửa. Bữa đó ông đang đứng trên tầng 3 xây lở dở, xe thằng con rể chạy u tới, thắng xít xịt ngay đống cát, ló đầu ra la lớn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

- Nội bịnh nặng. Ba xuống con chở ra sân bay.

Vậy là ông cứ trong bộ dạng bụi bặm, hồ vương lươm tươm gấu quần mà lên chiếc máy bay to đùng, xung quanh luôn có tiếng máy chạy u u. Lần đầu tiên bước chân lên chỗ đó, ông cứ thấy người mình lơ lửng. Theo phản xạ có điều kiện của một người đàn ông sáu mươi tuổi, ông thận trọng quan sát một cách kín đáo tất cả những người, vật, ngóc ngách trong tầm nhìn, mắt chớp cười làm quen. Ông không thấy yên tâm với những thứ không thân thuộc. Người già thường hay vậy, hoặc là chỉ mình ông như vậy cũng được.

Đó là chuyến bay đầu tiên trong cuộc đời của ông. Từ lúc máy bay chuẩn bị cất cánh cho tới khi hạ cánh, ông mải miết lo thở ra thở vô cho khỏi ù tai, lặp đi lặp lại trong đầu nhiều lần để nhớ những chuyện ông phải làm, những thứ ông phải giữ để được ra vô sân bay mà con gái ông đã dặn đi dặn lại nhiều lần. Gần như ông quên mất lý do đi về cấp rấp của mình. Mà thực ra, tới hồi ông về đến nhà thì ông cũng chẳng còn nhớ nữa thật. Mẹ ông vừa thấy ông bước lên hè, lật đật với với tay đòi mấy đứa cháu đỡ dậy, rên hờ hờ và khóc. Ông chật vật đỡ mẹ, thở không dám thở, cứ sợ làm gì đó sai quấy làm bà mệt. Nhưng bà chẳng có vẻ gì là mệt, cứ ồ ồ khóc không nước mắt, đánh hờ ông rồi ngồi thở vật ra. Ông cứ ngồi tơ hơ cho bà trách móc ông bất hiếu, vô tâm vô tình tới chừng bà mệt quá, mấy đứa cháu lại đỡ bà nằm xuống, lo đút dặm nước sâm nước yến. Ông cứ ngồi vậy, chân tay thừa thãi và không thể hiểu được mẹ mình. Ông không biết hỏi gì thêm ở ai, cũng không biết rút lui vào đâu. Mẹ ông lúc nào cũng phải thấy ông ngồi ngay chóc một bên, để chừng nào lấy lại được hơi là bà lại khóc hờ cho ông con bất hiếu của bà.

Ông ở nhà hai ngày, thằng con rể gọi.

- Bà không sao rồi. Ba thu xếp vô coi chừng nhà cửa cho tụi con với.

Ông dòm trực qua chéo giường mẹ ông đang nằm móm mém chép miếng sâm, im lặng miết tới lúc đứa con gái sốt ruột giật giọng qua điện thoại chồng nó.

- Ba không vô con đưa cả nhà con về bây giờ. Mấy đứa nhỏ nhớ ông ngoại quá không chịu học hành gì.

Ông nghe mà nát dạ. Ông thương thằng Bin, con Nin. Tụi nhỏ sáng nào cũng nắm tay ông ngoại đi học, chiều ló mặt ra khỏi lớp là thấy ông thập thò chờ ngoài cổng. Đâu như hồi chưa có ông, nhiều bữa người giúp việc về quê, hai đứa nhỏ chờ ở phòng bảo vệ tới tối thui thủi mới thấy ba mẹ dong xe tới đón về. Ông thương con thương cháu, nhưng sự tỉnh táo của mẹ ông khiến ông e dè.

- Ba sợ nội phải không? Cho con nói chuyện với nội.

Ông chần chừ, nhìn mẹ ông một hồi lâu. Bà dòm dỏng sang ông, nói trỏng.

- Hai Dung gọi về hả? Nó có hỏi gì má hông?

- Dạ, cháu nó đòi gặp nội. – Ông trả lời nhát gừng.

- Đưa… đưa má nói chuyện… - Mẹ ông mừng rỡ nhích ra mé giường.

Ông thấy thế người bà chênh chênh lật đật chạy tới đỡ. Bà chỉ cầm máy, tay gạt ông như đuổi đi. Ông biết phép, đứng né né ra mé cửa mà bà vẫn trừng nên ông đành lủi thủi ra đầu hè. Ở trong bà cháu nói chuyện rổn rảng, mẹ ông hết cười sang sảng rồi khóc hu hu như con nít. Ông hoảng hồn chạy vô thấy bà đã cúp máy, tiếng khóc mà mặt ráo bưng.

- Thôi thì anh vô trỏng với con với cháu đi. Kệ thân già này theo ông bà lúc nào theo… Trời ơi, sao con cháu tui tội nghiệp dữ ác vầy nè. Tội con Hai Dung… Cháu ơi là cháu…

Bà lại vật ra. Mấy đứa cháu ở dưới bếp ùa tới đổ sâm đổ yến, đứa năn nỉ bà đừng khóc mệt tội con cháu, đứa trách ông. Ông cứ đứng như trời trồng, bị đứa này lấn, đứa kia biểu xê. Ông không biết ở tuổi của mình, hoàn cảnh này của mình, ông phải làm gì cho hết thừa thãi.

Cuối cùng con gái ông, Hai Dung, đứa cháu làm nũng bà nội giỏi nhất đã thắng. Bữa sau ông lại lên máy bay, lộn ngược vô thành phố coi cái nhà năm tầng đang xây và đón đưa hai đứa cháu. Nhà tụi nó hứa dành riêng cho ông một tầng, có ban công trồng lan và bộ ghế uống trà. Hai đứa cháu ngoại đòi ông ở chung lầu vì tụi nhỏ sợ ma. Cái nhà còn rất lâu nữa mới xong, nghe hai vợ chồng tụi nó tính phải thêm vài trăm, vài trăm. Ban đầu ông nghĩ vài trăm ngàn mới chết. Sau này mới biết là không phải.

Rồi, chưa gì hết, mẹ ông lại trở nặng. Ông lại bay về. Tính ra, ông đi mỗi tháng 2 chuyến bay ra bay vô.

Không biết từ bao giờ, ông thích quãng thời gian ông ở trên trời. Hầu như không có chuyến đi nào ông ngủ được. Nhưng đó là lúc cái đầu ông yên ổn nhứt. Mấy đứa nhỏ tiếp viên cỡ tuổi đứa cháu họ (chứ cháu ông thì còn nhỏ lắm, vì con cái ông đứa nào cũng lập gia đình trễ) đi qua đi lại nhẹ hều, cười êm, hỏi ai cũng thỏ thẻ. Ông ít khi làm gì phiền tới tụi nhỏ, vì thấy tụi nó cứ ngược xuôi như vậy là khổ lắm rồi. Với nữa, ông ngồi trên một cái ghế êm, yên tĩnh, chung quanh không có tiếng mẹ ông khóc, không nghe chuyện tụi phụ hồ kêu nóng, la nặng là ông sướng nhất trần đời rồi. Ở một thái cực nào đó, ông đã thấy những chuyện đau khổ của con người ta, dù là ai, cũng là cực hình khi ông bất đắc dĩ phải thấy.
Ông chợp mắt, khoan khoái công nhận, người ta nói ở trên trời là tới thiên đường quá đúng!

- Cốp.

- Ui da… Đi đứng kiểu kỳ! Bộ đầu óc nghĩ tới thằng nào hả?

Ông tỉnh hẳn, ngó xéo một góc chừng bốn mươi độ bên tay trái thấy một cặp trai gái, chắc vợ chồng, đang cằn nhằn nhau. Máy bay đã ở độ cao ngàn mét gì đó, như lời ông lái máy bay trọ trẹ bằng tiếng Anh đã được cô tiếp viên dịch đều theo giọng điệu máy ghi âm.

Đứa con gái của cặp kia xụ mặt bỏ đi thẳng vô nhà vệ sinh, chưa đầy 5 phút sau quay ra liền, ánh mắt dường như đã đóng băng và gương mặt bị tô xám. Ông cứ ngó đăm đăm, lòng khấp khởi nghĩ đứa con trai sẽ quay sang nói gì đó tếu tếu rồi tụi nó lại cười rúc rích với nhau. Nhưng đứa con trai chả nói gì, mắt cứ dán chằm chặp vô cái điện thoại cầm tay. Cô tiếp viên tới nhắc máy bay sắp hạ cánh đề nghị anh tắt các thiết bị điện tử dù ở chế độ máy bay. Đứa con trai lơ hai lần. Cô tiếp viên vẫn kiên trì nhắc sau khi đi qua hai lượt ghế khác và quay lại. Vậy là bực. Là gắt lên với cô gái bận áo dài xanh đầy phận sự kia. Vậy là mặt đứa con gái đi cùng lại càng tối tăm hơn nữa.

Tự nhiên ông thấy ngộp. Máy bay đang hạ cánh. Ông thở ra tai. Mà vẫn ngộp. Ông không biết hết chuyến đi này tụi nhỏ có làm lành với nhau không?

Sau chín tháng ròng rã, cái nhà của con gái ông xong, đẹp lộng lẫy trong ngày tân gia tưng bừng. Đèn đuốc trong nhà sáng trưng. Ông chỉ đứng cúng cho tụi nó xong là lui lên phòng thờ và ở đó tới đêm khuya tàn khách. Giữa bộn bề tiếng hô hào chúc tụng, ông thiếp đi và ngỡ mình còn đang ở trên mây.
Tinh mơ hôm sau, mẹ ông lại trở mệt. Lần này, chừng như tiện xong xuôi nhà cửa, vợ chồng con gái ông đùm túm nhau về chung. Ông thắc thỏm bộ tụi bây biết nội sao hả? Tao gọi về hôm qua giờ không đứa nào cho gặp. Con gái ông nói tỉnh bơ kêu nội có sao đâu, đi về thăm cho nội vui. Ông không kịp tin, bận bịu lo đồ đạc cho hai đứa cháu ngoại. Có ông, tụi nó bám riết chẳng cần tới ba mẹ gì. Chừng lên máy bay, hai đứa nhỏ cũng giành ngồi với ông, ríu rít chỉ ông coi mây coi máy bay này máy bay kia. Con gái ông nạt thằng Bin, kêu để ông ngoại nghỉ. Ông cười mệt mệt nói gạt, có gì đâu, con nít chộn rộn mới vui. Ông còn hài hài nói vợ chồng tụi bay chuyến này là vợ chồng son, lo mà hưởng. Con gái ông cụp mắt nhanh. Thằng con rể cười trừ nhắc Bin, Nin đi ngủ. Hai đứa nhỏ nhắm tịt mắt, nhìn thấy rõ cặp mi còn linh rinh sự miễn cưỡng. Rồi ông thấy sau lưng nhột nhột. Đứa này khều đứa kia cười rúc rúc. Mẹ tụi nó nhoài xuống phát mỗi đứa một cái và trừng mắt. Ông ngó quanh thấy không khí im phăng phắc nên lặng lẽ vỗ lưng, gãi đùi hai đứa cháu. Im lặng.

Bỗng nhiên từ hàng trên phát lên mấy hồi dấm dẳng.

- Anh thôi đi. Làm như không phải con anh vậy?

- Chuyện đó cô biết chứ sao tui biết? Con anh con tui gì? Cô gặp lại thằng đó mừng như vậy thì sao tui dám chắc?

- Anh… Cái đồ… Nói gì cũng phải nể cha con tui chứ! – Giọng con gái ông nghiến xuống uất nghẹn…

- Nói để ông già ổng biết danh giá nhà ổng! Thằng như tui sống nhục một mình đủ rồi…

- Cấm anh xúc phạm tới cha mẹ gia phả nhà tui! Chuyến này về tui với anh dứt điểm cho xong.

- Được!! Cảm ơn!!!

Tiếng cười khẩy, tiếng nấc lực khực lồng vào nhau, như một cú đấm dội vào lòng ông nát tươm. Ông không biết ông quá lạ lẫm với chuyện này, hay chạy trốn quá nhiều lần mà giờ khi nó ập tới, ông thấy lòng lịm đi, nhẹ hâng. Ông không biết nếu hồi xưa ông chịu bớt cố chấp, để cho con nhỏ nguôi ngoai đi rồi quen đứa khác, biết đâu bây giờ cháu ông không phải mang tội con ông này, lỗi bà nọ. Ông bắt sống bắt chết phải lấy thằng rể bây giờ, chỉ vì ông quá biết nhà nó, nó quá biết nhà ông, biết nhiều đủ để lôi con gái ông khỏi chuyện yêu đương với thằng nhạc sĩ nghèo rớt đó. Ông chưa bao giờ hỏi han chuyện vợ chồng của đứa con gái. Nhưng ông biết hạnh phúc của nó không ổn thỏa như những chuyện giỗ quảy, họ hàng ông vẫn sắp xếp thẳng thớn, đâu ra đó. Ông im lặng lấy sự gần gụi của ông bù đắp cho vợ chồng nó. Nhiều lúc, ông chịu cảnh ngang hàng với thằng con rể, để nó thấy ông trọng vọng nó mà còn biết đường đối xử tốt với con Dung.

Nhưng mà chuyện vợ chồng, trăm mối tơ duyên. Mình ông không gỡ được. Ông không đỡ được lòng tự tôn, cái tính tự ái to lớn của bản thân ông đang dẹp lại từng chút một theo áp lực chiếc máy bay đang đáp xuống.

Tới nhà, mắt con gái ông hết đỏ. Hai đứa nhỏ vẫn đì đùng, chí chóe với nhau. Thằng con rể nhậu hết trận này tới trận khác, mâm nào cũng la lớn nhất:

- Ở xứ này thằng nào dám qua mặt tao, tao chém!

Mẹ ông tỉnh mỉnh ngồi chóp chép miếng sâm cười ra rả khoe cháu rể tui đó. Cái thằng uống vô là làm lớn làm láo như ông quan… Cháu rể tui đó nha…

Không ai để ý đợt về này ông mệt thiệt. Y sĩ bên xã qua đo huyết áp, nhịp tim đều bình thường. Nhưng ông cứ nằm ép dẹp, ngực, bụng, tay, chân cứ trĩu xuống như bị thứ gì đó vô hình quặp xuống. Chỉ có đầu ông vẫn nhẹ bưng, ai hỏi gì cũng tỉnh queo kêu không sao. Mẹ ông kêu khóc ông bất hiếu, ông còn lừ mắt được với bà, lần đầu tiên trong đời, kêu trời ơi mẹ để con nghỉ chút, con khỏe dậy chở mẹ đi tới đâu đâu. Cả nhà cười xuê xoa quay ra nhà ngoài để yên ông ngủ.

Ông cứ vậy thiếp đi, mê mê trong tiếng máy bay u u và dị ảnh về những chùm bông trắng muốt ông thấy từ trên ô cửa máy bay của những lần lên trời trước đó. Lịm lịm lịm.

Trong đám tang ông, mẹ ông lại đập tay đập chân khóc thằng con bất hiếu và đám cháu lại xúm đút sâm, đút yến cho bà. Thằng rể đứng chù ụ một góc, rớt nước mắt một mình mỗi lần nghe bà con người ta kể nhau nghe chuyện ông bị ung thư não giai đoạn cuối mà giấu con giấu cái. Cũng may phước ông ở với đám con gái con rể giàu sang lo được cho ông đầy đủ hết mới tới được bây giờ. May phước ghê con cháu ông đuề huề về đủ hết cả rồi…

Trong đám tang ai cũng rớt nước mắt, bắt tội ông trời ác chi để mẹ ông đầu bạc tiễn đầu xanh… Tội nợ bà già… Mỗi lần vậy là tiếng khóc u u lại to dần đều lên….

Con Hai Dung đang ngồi rũ tự nhiên gào lên các người im hết đi!

Phăng phắc! Những đôi mắt nặng nước vì khóc lóc đã nhiều, bọng to, sưng đỏ chưng hửng dòm con nhỏ. Rồi thấy cái vẻ mặt lạnh băng như lưỡi dao thép của nó, ai nấy đều lảng đi, mặt ỉu xìu, câm lặng tự bị nén dưới hàng tràng dài kể lể không còn chỗ để cất lên nữa.

Chắc đây là lần duy nhất cái giọng lanh đanh của đứa con gái lại làm ông dễ chịu như vầy. Khi mọi thứ đã im lặng hết xung quanh, lòng ông mới nhẹ hẳn đi được.

Ông thấy trên trời nhiều mây trắng bay…

LÊ BẢO CHI

.