Đà Nẵng cuối tuần
Mười năm chọn một lối đi
40 năm cầm bút, bấy nhiêu thời gian, nhà văn, nhà giáo Lê Trâm đã lần lượt xuất bản được chín đầu sách. Ngần ấy so với thời gian, liệu xem được nhiều hay ít? Có lẽ con số nào cất lên tiếng nói lưu giữ lại được trong lòng bạn đọc mới là cái đích hướng tới của mỗi nhà văn. Với Lê Trâm, tập truyện ngắn Phía gió biển không còn ai, vừa mới được NXB Trẻ cấp phép và ấn hành vào giữa mùa thu này, hy vọng bạn đọc sẽ khám phá một Lê Trâm mới lạ, không ngừng chuyển động.
Nói vậy sẽ chẳng có gì là quá khi ta lật vào ngay cái truyện ngắn được tác giả chọn in ở những trang đầu sách, có cái tiêu đề khá lạ lẫm Đêm của bướm. Cho dù tôi đọc đến mấy lần cũng khó mà xác định một cốt truyện theo lối truyền thống, hay kiểu tự sự phản ảnh hiện thực trong Đêm của bướm. Thì vẫn bày biện một không gian, một thế giới tưởng cụ thể đến từng thước tấc của núi, cụ thể đến từng tên đất tên người, cả những tên cỏ cây hoa lá... Vâng, nghĩa là không một mảy may hư cấu nào.
“ ...Cái dấu tích của những ngôi biệt thự cổ ngự trên các quả đồi nhấp nhô giữa thung lũng Hoa Đỗ Quyên này cứ ám ảnh trong tôi về một quá khứ phù hoa nào đó vừa xa xôi vừa gần gụi. Người Pháp quả thật sớm biết khai thác và hưởng thụ những gì tốt đẹp chiếm đoạt được. Sau cuộc khảo sát của đại úy Debay tháng tư năm 1901, những biệt thự của các công chức và thương gia người Pháp lần lượt mọc lên... Chúng tôi đi qua các biệt thự đổ nát. Dấu vết còn lại rất ít. Vài bức tường đá rêu phong, lò sưởi, những ống khói. Cái bể tắm cũ kỹ, cả cái vòi nước hoen rỉ... Có ai đó nguệch ngoạc lên tường hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan (Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương). Hai câu thơ buồn như buổi chiều tà đang đậu trên những vòm cây...”.
Thế đấy, cảnh vật mười mươi hiện thực, ngoại trừ các nhân vật. Có thể nói, yếu tố huyền ảo làm nên sức sống thẩm mỹ trong truyện ngắn Lê Trâm, mà dấu vết của nó ẩn dụ rõ sự mong manh qua hình tượng nhân vật đối thoại. Con người gặp nhau trong biên giới thực và hư, vừa cụ thể vừa mơ hồ bất định, đó cũng là chiều kích ý niệm của truyện. Dường như tôi đã có lần đọc đâu đó “Triết học về sự bất định” của Edgar Morin - một học giả, triết gia của Pháp, rằng sự xác thực chắc chắn (của đời sống) chỉ là cái đảo nhỏ trong đại dương mênh mông sóng gió bất định. Có ngẫu nhiên trong trường hợp này hay không mà trên đỉnh núi Đêm của Bướm sau cuộc hội ngộ ly kỳ với các nhân vật bất ngờ, sáng sớm thức dậy người ta chỉ thấy toàn những xác bướm, cánh bướm rụng đầy.
Trong truyện ngắn Phía gió biển không còn ai, một truyện mà tác giả lấy tiêu đề chọn làm tên chung cho cả tập sách. Khác với thủ pháp huyền ảo Đêm của bướm, đây lại là những mảng ghép số phận lướt qua cuộc đời thấp thoáng và mong manh, cứ như trên trời rơi xuống chả rõ thân phận. Và nhân vật cuối cùng bấp bênh trong niềm tuyệt vọng: “...Nàng đi thật khẽ như sợ chạm vào biển. Chung quanh không một bóng người... Nàng vén váy bước lên chiếc thúng chai đang chòng chành và đưa chân đẩy nhẹ vào cây cột rớ gần đấy. Cũng khẽ khàng như sợ biển nổi giận. Chiếc thúng chai lắc lư một lúc rồi từ từ trôi ra phía cửa biển. Chẳng còn ai phía gió biển”. Một kết thúc như vậy chưa hẳn là một kết thúc, mà như tôi vừa dẫn ở truyện trên, đấy cũng là cuộc đi tìm cái đảo nhỏ giữa triều biển mênh mông sóng gió bất toàn bất định.
Tại buổi ra mắt tập truyện ngắn vừa qua tại Đà Nẵng, tác giả chia sẻ: “Phía gió biển không còn ai viết trong cảm hứng một chuyến đi thực tế về một cửa biển vào đúng giữa đêm, có “dan díu” với một câu chuyện khác mà tôi đang bị ám ảnh”. Anh mất 10 năm để hoàn thiện tập truyện ngắn với 147 trang sách. Một hành trình đầy sáng tạo và nghiêm túc.
Đọc từng trang sách của anh, tôi hiểu ra sự định hình của mỗi nhà văn, với Lê Trâm chính là tính bất định. Phía gió biển không còn ai, nơi nhà văn góp nhặt những mảnh vỡ đời sống tạo dựng nên ngôi nhà văn chương, đủ sức làm xao xuyến những tâm hồn!
Nhà văn Lê Trâm sinh trưởng tại làng Trà Đình, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế. Ông đang sống và làm việc tại Quảng Nam. Hiện là Ủy viên Ban Chấp hành, Chi hội trưởng văn học, Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam, phụ trách biên tập văn xuôi Tạp chí Đất Quảng. Có 8 tập truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết và 1 tập tiểu luận, tạp văn đã in: Một giấc hồ điệp; Mơ về phía chân trời; Tìm lại thời gian; Tý cô nương; Bức tranh gửi lại; Lai lịch một thành hoàng; Bến cạn; Nghe vọng tiếng đồng; Giải thưởng Văn học - nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng (1985-1995); Giải thưởng Văn học - nghệ thuật Đất Quảng lần thứ nhất (1998-2008), lần thứ hai (2009-2013)… |
NGUYỄN NHÃ TIÊN